Tượng đài trước hết phải là tác phẩm nghệ thuật
VOV.VN - Phóng viên VOV.VN trao đổi với họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội về những lo lắng khi Hà Nội vẫn thiếu những không gian gắn kết cộng đồng.
Hãy thận trọng khi làm tượng đài
PV: Thưa ông, tượng đài là công trình khá đặc biệt và thường thu hút nhiều sự chú ý. Vậy khi xây dựng tượng đài thường phải cân nhắc đến những yếu tố gì?
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Tượng đài cũng là một ký hiệu văn hóa, biểu đạt một ý nghĩa nhất định của xã hội đương thời. Theo tôi, tượng đài trước hết phải là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, tức là phải đẹp, phải có câu chuyện và làm bởi những người có tay nghề. Sau đó, tượng đài nếu mang ra không gian công cộng thì nhà quản lý phải tính đến yếu tố không gian và cộng đồng.
Tượng đài vốn có giai đoạn phát triển mạnh để ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, tuy nhiên thời kỳ đó đã chấm dứt khá lâu rồi. Khi kết thúc chiến tranh, nhiều quốc gia trên thế giới không còn tư duy làm tượng đài, kể cả những nước ở khía cạnh nào đó tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên người ta cũng ít làm tượng đài mới và đồ sộ ở không gian công cộng.
Các tượng đài khi được xem như tác phẩm điêu khắc thì sẽ xuất hiện trong một bảo tàng hoặc không gian trưng bày. Bởi lẽ khi đặt tượng đài ở không gian công cộng thì phải có sự đồng thuận của cộng đồng người dân tại đó, hoặc lớn hơn là xã hội, nếu không thì sẽ là khiên cưỡng.
Gần đây tôi rất ưng ý với cụm tượng đài ở Côn Đảo, đó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật và phản chiếu được tinh thần của nơi chống lại kẻ địch, mang lại sự giàu có về mặt cảnh quan. Có lẽ tượng đài này thành công vì được thực hiện bởi những nghệ sĩ thực thụ, ngôn ngữ điêu khắc đủ tốt để trừu tượng hóa ý nghĩa và cũng rất phù hợp với yếu tố lịch sử, ngữ cảnh.
Cần tầm nhìn của nhà quản lý đô thị
PV: Ở góc độ nghệ thuật công cộng, đô thị Hà Nội nên phát triển theo hướng nào?
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Tại Singapore, người ta xác định phát triển nghệ thuật công cộng chính là linh hồn của đô thị, vì vậy ở các không gian công cộng là những tác phẩm nghệ thuật và rất phù hợp với cảnh quan. Nghệ thuật công cộng sẽ giúp nâng cao thẩm mỹ cho người dân, khi đó nghệ thuật được tiếp cận một cách dễ dàng, miễn phí. Các em nhỏ khi sống trong môi trường nghệ thuật sẽ có cảm thức hay dần "ngấm" chất nghệ thuật.
Hà Nội vừa là thủ đô ngàn năm văn hiến, cũng là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Chúng ta cần làm sáng rõ hơn những giá trị lâu đời này, nhưng là với ngôn ngữ đương thời, với những câu chuyện đủ sức hấp dẫn khách du lịch từ nơi khác hay từ quốc gia khác. Dù là tượng đài hay công trình, không gian văn hóa nào cũng cần phải mang tính lịch đại và đồng đại, tức là có khả năng gắn kết với những không gian hay công trình ở những nơi khác.
Vậy nên việc dùng tư duy cũ, ngôn ngữ cũ hay cách làm áp đặt sẽ bị coi là "lạc điệu" với bối cảnh phát triển không gian công cộng, trong xu thế hội nhập hiện đại. Ở công trình này, tôi chưa thấy tầm nhìn của cơ quan quản lý đô thị. Sẽ ra sao nếu ngành nào cũng mang tượng đài to, cao đặt vào các công viên hay không gian công cộng ở Hà Nội?
PV: Gần đây Hà Nội cũng đã có những "chuyển động" về không gian công cộng, như tại khu vực Phùng Hưng hay Phúc Tân. Những dự án như vậy sẽ mang lại ý nghĩa gì, thưa ông?
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Chúng ta rất cần những không gian công cộng để gắn kết nhân dân, trước hết là chính cộng đồng nhỏ tại đó rồi đến cộng đồng lớn hơn. Với không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân hay Phùng Hưng là những nơi từng ít người lui tới, bây giờ cộng đồng tại đây được thụ hưởng những giá trị mới mẻ, làm gia tăng sự gắn kết giữa người dân địa phương với nhau và cả với khách du lịch ghé thăm. Khi đó người dân có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường và quan trọng hơn là họ tự hào về nơi mình sinh sống, muốn kể chuyện và đón khách tới "nhà" của mình. Ở đây nghệ thuật đóng vai trò chất xúc tác, tạo ra "tiếng nói chung" giữa người với người, cho dù có thể bất đồng ngôn ngữ.
Tuy nhiên tiếc là những không gian như vậy ở Hà Nội chưa có nhiều, và cần lưu ý rằng những dự án nghệ thuật công cộng không thể "bất tử" mà chỉ sống được 3-5 năm, sau đó sẽ bị xuống cấp hoặc cần thay đổi để phù hợp với hơi thở của thời đại. Hà Nội sở hữu rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đây cần được coi là nguồn lực để phát triển.
Năm ngoái, chuỗi sự kiện Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021 đã tổ chức rất thành công tại Hội quán Quảng Đông, nay trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật tại 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tôi cho rằng các di sản và sự kiện, lễ hội ở Hà Nội cần được phát huy theo cách này, một cách thường xuyên hơn. Sau đó, ngành du lịch phải vào cuộc để gắn kết, xâu chuỗi các di sản và lễ hội này thành sản phẩm để mang lại lợi ích kinh tế. Về việc này, có lẽ Hà Nội phải học tập Thừa Thiên Huế - một địa phương đã rất thành công trong việc khai thác di sản và xây dựng thương hiệu cho các lễ hội để thu hút khách du lịch.
PV: Xin cảm ơn ông./.