Câu chuyện chiến tranh của người phụ nữ qua những trang sách
VOV.VN -Cuốn sách tập hợp những câu chuyện tưởng như rất vụn vặt của từng nữ "chiến binh"- những người chiến thắng trở về khi đất nước đã lặng yên tiếng súng.
Khi quyết định trao giải Nobel Văn học cho tác phẩm phi hư cấu "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" của nữ nhà báo, nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich, nhiều người cho rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã làm một cuộc cách mạng, bởi họ đã mở ra một biên độ hoàn toàn mới "văn học đâu chỉ là hư cấu".
Chọn một đề tài riêng biệt, nhà văn Svetlana Alexievich đã thành công khi đưa đến cho bạn đọc một góc nhìn về chiến tranh mới mẻ và đầy tính nhân văn thông qua cuộc đời, số phận của những người phụ nữ từng tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (của nhân dân Liên Xô) trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Nhà văn Svetlana Alexievich xuất bản cuốn sách "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" lần đầu tiên năm 1985, với số lượng phát hành lên tới 2 triệu bản. Thế nhưng 17 năm sau, dựa trên những ghi chép cũ, bà đã viết lại cuốn sách, không hoàn toàn khác biệt nhưng để trả lời nhiều câu hỏi hơn nữa với nhân chứng- hàng nghìn phụ nữ từng tham gia Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Bà viết bởi các tư liệu không chết, không đông cứng lại một lần là xong dưới một hình thức cho sẵn mà cứ "động đậy" không yên trong tâm trí. Thậm chí trong cuốn sách mới, bà đã đưa lại những chương từng bị kiểm duyệt, những cuộc đối thoại với người kiểm duyệt.
Nhà văn Uông Triều, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho biết: "Cuốn sách này khác biệt không phải vì nó là cuốn tụng ca. Không phải tụng ca chiến tranh mà nó đi sâu vào đời sống tinh thần và những thân phận, nỗi đau đặc biệt với phụ nữ. Cho nên nó đã tạo ra ấn tượng rất đặc biệt, cho ta một cái nhìn ở bề rộng về chiến tranh, thứ hai là có độ chân thực. Bà không phỏng vấn chỗ đông người mà khi tâm tình chỉ hai người với nhau, có thể nói với nhau những câu chuyện rất thật. Bà cũng cố gắng bóc tách, ghi chép lại hoàn toàn sự thật, không có phóng đại. Tôi nghĩ đó là sự chọn lựa hoàn toàn chính xác".
"Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" là cuốn sách tập hợp những câu chuyện tưởng như rất vụn vặt của từng nữ "chiến binh"- những người chiến thắng trở về khi đất nước đã lặng yên tiếng súng. Chiến tranh vốn dĩ là một sự đối kháng tuyệt đối với người phụ nữ, vậy mà họ đã tình nguyện tham gia cuộc chiến, thậm chí có cả những em gái mới 15, 16 tuổi. Họ là những giao liên, y tá, chiến sĩ thông tin, người cáng thương và thậm chí là lính bắn tỉa, chiến sĩ súng máy, công binh.
Nhà văn Svetlana Alexievich. Ảnh: Getty. |
Người phụ nữ mềm mại, nữ tính là thế nhưng khi ra chiến trường, họ trở nên mạnh mẽ, xông pha với những công việc tưởng chỉ của nam giới. Từng là những cô gái trẻ, đẹp nhưng trải qua chiến tranh họ thậm chí không còn là phụ nữ, cơ thể "ngủ lịm" đi với quá khứ nhưng lại sợ "phải sống lại" với nỗi ám ảnh... Theo nhà văn Uông Triều, thông qua cuốn sách này, lần đầu tiên trong văn học thế giới, Svetlana đã buộc chiến tranh phải đối mặt với cái đối nghịch tuyệt đối của nó- những người phụ nữ, vốn là biểu tượng của sự sống con người.
Nhà văn Uông Triều nói: "Đầy đủ các cung bậc, khi chiến tranh đã chạm đến phụ nữ, trẻ em thì đã là tột cùng rồi. Tôi biết rằng cuốn sách này hầu như không bị cắt xén khi in cho thấy sự trọn vẹn, toàn diện về nội dung của nó. Một điều quý giá nữa là tác giả đã làm công việc gặp gỡ nhân chứng nhiều năm trước đây. Những người tham dự cuộc chiến giờ đã có tuổi và mất đi. Nếu không có những người như nhà văn thì chúng ta khó hình dung được cuộc chiến như thế nào".
2 năm sau khi xuất bản lần đầu, năm 1987, cuốn sách "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" đã được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu tới độc giả Việt Nam. So với ấn phẩm trước thì cuốn sách được viết lại phong phú hơn, hiện thực và dữ dội hơn. Giữa hai cuốn sách là 17 năm trải nghiệm của tác giả trong những biến động lịch sử của nước Nga Xô Viết.
Chị Đỗ Thu Hiền, một độc giả chia sẻ: "Thực ra những chi tiết tôi ấn tượng lại liên quan đến sự nhạy cảm của phụ nữ, là nữ tính. Ví dụ như chi tiết có một cô trở về thăm quê, khi quay trở lại chiến trường thì những cô khác phải xếp hàng để ngửi mùi cô ấy bởi họ cho rằng cô ấy có mùi của quê hương trong khi họ đang rất nhớ nhà. Hoặc là chi tiết: tại sao người phụ nữ rất sợ giết chóc và không thích ban đêm nhưng lại có một nhân vật chỉ muốn đi canh gác ban đêm. Bởi chỉ có ban đêm cô mới được nghe tiếng chim, âm thanh của sự thanh bình trước đây. Điều đó vừa gợi lên một hình ảnh đẹp, vừa anh hùng nhưng sao lại đau buồn như thế".
Khi đọc cuốn sách này, bất cứ ai cũng có thể chạnh lòng khi nhớ về hàng triệu nữ thanh niên xung phong, chiến sĩ giao liên, du kích Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kì bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc. Chiến tranh là một đề tài lớn của văn học Việt Nam. Không chỉ là sự đồng điệu, không ít các nhà văn Việt Nam có thể tìm thấy những kinh nghiệm của nhà văn Svetlana Alexievich với một hướng viết mới trong văn học: con đường của những tác phẩm phi hư cấu./.