Để nhà văn sống được bằng nghề
VOV.VN - Câu chuyện “Cơm áo không đùa với khách thơ” phải có một sự giải quyết đồng bộ từ cơ chế, từ bản thân nhà văn cũng như tác động của chính sách cho độc giả.
Có một thực tế là các nhà văn Việt Nam hiện nay chẳng mấy ai sống được bằng nghề. Tại sao lại có thực trạng đáng buồn này? Nhà văn, nhà phê bình lý luận sân khấu Ngô Thảo đã có những lý giải.
Nhà văn, nhà phê bình lý luận sân khấu Ngô Thảo. Ảnh: Phương Thúy.
Vì sao người đọc quan tâm đến sách văn học?
PV: Trong những năm gần đây, số lượng nhà xuất bản tăng, các ấn phẩm văn học ngày càng phong phú, số đầu sách xuất bản tăng, nhưng số lượng bản in trên mỗi đầu sách lại sụt giảm, trung bình chỉ trên dưới 1.000 bản, trong đó không nhiều cuốn được tái bản. Ông nghĩ sao về điều này?
Nhà văn Ngô Thảo: Khi phát triển kinh tế thì văn hóa như Chủ tịch Hồ chí Minh nói “soi đường cho quốc dân đi”, nhưng trong đời sống hiện nay, kinh tế đã bỏ xa văn hóa. Chúng ta đang có một nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng nền văn chương của chúng ta là nền văn chương xã hội chủ nghĩa, chứng tỏ thượng tầng bị tách rời khỏi hạ tầng.
Trong kinh tế thị trường, văn hóa phải biến thành hàng hóa, đặc biệt là văn hóa giải trí, bởi nó làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Nhưng phải nói thật rằng, đời sống tinh thần của người lao động hiện nay rất nghèo nàn. Hàng triệu công nhân ở trong các nhà máy bận rộn với công việc hầu như không có hoạt động văn hóa, văn nghệ gì. Ngay cả viên chức, thử hỏi 11 triệu viên chức có bao nhiêu người đọc sách? Hỏi cán bộ cấp tỉnh, một năm họ có đọc cuốn sách nào không? Nếu có đọc, chắc họ chỉ đọc sách về quản lý, chứ danh mục những cuốn sách văn hóa, văn nghệ không có trong sự quan tâm của họ.
Rõ ràng văn hóa chưa “soi đường cho quốc dân đi”. Một nước có trên 90 triệu dân dùng một thứ tiếng là hạnh phúc cho những người làm văn hóa. Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, đó là tiềm lực lớn cho những người sáng tạo văn học nghệ thuật. Chỉ cần 10% dân số (9 triệu người) quan tâm đến văn hóa, trong đó có 1 triệu người quan tâm đến văn học thì các nhà văn không đến mức phải luôn xin tài trợ, xin Nhà nước cấp cái này, cái khác.
PV: Theo nhà văn, tại sao số đầu sách văn học phát hành nhiều nhưng số lượng bản in trên mỗi đầu sách lại chưa nhiều?
Nhà văn Ngô Thảo: Hiện nay, phương tiện giải trí nhiều, phương tiện để đọc nhiều nên báo in và sách in ít đi là một lẽ. Tuy nhiên, báo mạng vẫn thu được tiền, chứng tỏ người đọc vẫn có, quan trọng là các nhà văn đang viết gì. Mới đây tôi sang Boston (Mỹ) có nói chuyện với vài người bạn và họ nói rằng: Các anh đừng hy vọng mang sách ra nước ngoài khi mà người trong nước chưa quan tâm, chưa đọc. Các anh hãy quan tâm đến người Việt Nam trước đã.
Về lý thuyết, cuốn sách chưa phải là một tác phẩm nếu chưa có người đọc, bức tranh chưa phải một tác phẩm nếu chưa có người xem, tác phẩm nghệ thuật sẽ không phải tác phẩm nghệ thuật nếu chưa có sự tiếp nhận của xã hội. Các nhà văn muốn sống được bằng nghề phải nghĩ lại hình thức tổ chức Hội Văn học nghệ thuật, phải làm sao để hội có vị trí trong xã hội.
PV: Năm 2016, Bộ VH-TT&DL cho biết: Mỗi người dân Việt Nam đọc chưa đầy 1 cuốn sách/năm. Mới đây, Hội sách TP.HCM đã tổng kết: Quý I năm 2018 doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong top 10 cuốn sách bán chạy nhất thì không có sách văn học Việt Nam. Ông có buồn vì điều này?
Nhà văn Ngô Thảo: Những con số chỉ ra là thách thức đối với các nhà văn. Mặc dù số lượng người đọc ít, nhưng những năm gần đây người trẻ đọc sách cũng khá nhiều. Doanh thu sách nói lên điều ấy, tất nhiên doanh thu này vẫn còn quá thấp. Chúng ta đang có một lượng người đọc sách tiềm năng nhưng lại chưa quan tâm đến văn học.
Chúng ta đang có một lượng người đọc sách tiềm năng nhưng lại chưa quan tâm đến văn học. |
Nhà nước không thể buông lỏng mặt trận văn học
PV: Một số nhà văn, nhà thơ chia sẻ, họ phải sống bằng nghề tay trái. Ông nghĩ sao về tâm tư của người cầm bút hiện nay?
Nhà văn Ngô Thảo: Có một số người xuất sắc làm ra tiền tỷ. Ví dụ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có trong tay hàng tỷ đồng mỗi lần ra sách. Còn các nhà văn tự coi mình là người quan trọng, đoạt giải thưởng này giải thưởng khác, in 1.000 bản thử hỏi có bao nhiêu người đọc? Đi vào thư viện mà xem, nhiều cuốn bóng lộn không ai mở. Một cuốn sách, một cuốn tiểu thuyết giỏi lắm có trăm người đọc. Cho nên, một tác phẩm viết ra không tạo được sự hăm hở cho người đọc mà cứ nghĩ là mình quan trọng thì đói nghèo không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, chính sách của nhà nước không thể buông lỏng mặt trận văn học nghệ thuật. Không phải thi thoảng cho mấy khoản tiền, mà phải làm sao để học sinh phải biết đọc sách; cán bộ, viên chức cũng phải biết đọc sách. Tôi ao ước vị viên chức đầu tỉnh một năm đọc bao nhiêu quyển sách, nắm được mấy ông văn nghệ sĩ trong tỉnh làm gì, viết gì. Tất nhiên bây giờ các vị bận trăm công nghìn việc nhưng nếu họ có ý thức, họ vẫn nắm bắt được. Tôi nghĩ phải tạo thói quen từ trong nhà trường, trong cuộc sống để làm sao người dân có nhu cầu đọc sách hằng ngày.
PV: Như vậy câu chuyện “Cơm áo không đùa với khách thơ” phải có một sự giải quyết đồng bộ từ cơ chế, từ bản thân nhà văn cũng như tác động của chính sách cho độc giả, thưa nhà văn?
Nhà văn Ngô Thảo: Đúng vậy. Và tôi rất lo ở Việt Nam, mặt trận văn hóa bị bỏ quên. Chúng ta tốn nhiều tiền cho cơ quan quản lý văn hóa chứ không cho việc sáng tạo văn hóa. Chúng ta có một hệ thống quản lý văn hóa rất đông, nhưng để tạo ra tác phẩm thì không có. Nhà nước không tổ chức để cho một hệ thống cán bộ văn hóa đi học để làm nghề cho tử tế.
Hiện nay, các môn học từ âm nhạc, điện ảnh, hội họa đều là do người dân tự đi học. Việc này có cái hay của nó là người dân biết ngành này có tương lai thì mới cho con cái theo học, nhưng nó không thể thay thế được vị trí của nhà nước. Nói đến Hàn Quốc chẳng hạn, trước đây điện ảnh của họ mờ nhạt, nhưng họ đã tổ chức được hàng trăm, hàng nghìn người đi học để cùng chung một tiếng nói. Hiện điện ảnh họ rất phát triển. Điều này cho thấy phải có công tác tổ chức, phải có chiến lược, định hướng.
Sách siêu rẻ có nâng cao văn hóa đọc?
Việt Nam có bề dày truyền thống lịch sử mà không có tác phẩm để tự hào về người Việt Nam, về người lính, về thanh niên Việt Nam hôm nay thì đó là trách nhiệm của giới sáng tạo văn học nghệ thuật. Tôi không biết lâu nay các nhà văn Việt Nam viết về cái gì để không tạo được một hình bóng nào, trong khi ngoài đời có bao nhiêu gương thanh niên, nghệ sĩ, gương cán bộ tận tụy hy sinh. Vẫn còn hàng vạn người lính trên biên cương, hải đảo đang hy sinh thầm lặng nhưng các nhà văn chưa làm gì cho xứng đáng với họ. Cho nên, cái nghèo đói của nhà văn Việt Nam hiện nay là do nhà văn. Còn khi có sự hỗ trợ của nhà nước chính là để làm sao để những nghệ sĩ viết ra được những tác phẩm thực sự có giá trị.
PV: Xin cảm ơn ông!./.