Sách siêu rẻ có nâng cao văn hóa đọc?
VOV.VN - Những sách “siêu rẻ” có nâng cao văn hóa đọc của người Việt xem ra vẫn là mối hoài nghi.
Chỉ trong vòng 2 tháng từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 8/2018 ở hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có 3 Hội chợ sách, Tuần lễ sách giảm giá đặc biệt, giảm giá một nửa với quy mô lớn, tung ra hàng trăm ngàn đầu sách các loại. Đặc biệt với giá “siêu rẻ”, một cuốn sách giá thấp hơn ly café vỉa hè, mớ rau chợ cóc. Nhưng sách “siêu rẻ” có nâng cao văn hóa đọc của người Việt xem ra vẫn là mối hoài nghi.
Sách đồng giá 5.000 đồng/cuốn.
Tính trong nửa năm đầu 2018 ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tròm trèm 20 Hội sách, Hội chợ sách, Tuần lễ sách, Hội sách chuyên đề, Hội sách giá đặc biệt…, và “Hội” nào cũng đưa tiêu chí “giảm giá” để lượng sách đến tay bạn đọc nhiều nhất có thể…
Alpha Books lần đầu tiên tổ chức Hội chở sách giá một nửa, từ 23- 27/5/2018 tại TP Hồ Chí Minh, tất cả sách được giảm giá từ 30-60% , trong đó hơn 30.000 quyển sách sẽ được giảm 50%.
Tiếp tục với ý tưởng này, Alpha Books sẽ tổ chức Tuần lễ giảm giá trong 3 ngày từ 5-8/7/2018 tại hệ thống các cửa hàng sách ở Hà Nội, với phương châm “Giá thành chia đôi, giá trị không đổi”, với 100.000 cuốn sách bán nửa giá, giảm từ 50-70% so với giá bìa; hơn 30.000 cuốn sách được giảm giá đến 30%.
Từ ngày 29/6- 8/7, Hội sách giá đặc biệt hè 2018 do Công ty cổ phần Phát hành sách FAHASA tổ chức với 300.000 đầu sách, có mức giảm tối đa lên đến 80% cho tất cả các loại sách quốc văn, ngoại văn, cụ thể giá sách chỉ còn 10.000-5.000 đồng/cuốn. Riêng sách giáo khoa, sách tham khảo được bán theo giá bình ổn, giảm từ 10% - 15% so với giá gốc.
Kể từ khi có Ngày sách Việt Nam 21/4 từ năm 2014, mỗi năm trung bình có đến gần 50 Hội sách, Hội chợ sách, Tuần lễ sách… đủ cấp độ và quy mô ở riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chưa kể ở một số tỉnh thành lớn khác cũng mở Hội sách, kể cả vùng đồng bằng sông Mekong có Hội sách Cần Thơ, vùng Tây Nguyên có Hội sách tỉnh Gia Lai…
Sách giảm giá. |
Các Hội sách sau số lượng sách bán ra tăng, số người mua tăng, tăng doanh thu hơn Hội sách trước. Đấy là chưa tính đến việc ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội còn mở những không gian dành riêng cho sách như Đường sách Nguyễn Văn Bình, Thành phố Sách (TP Hồ Chí Minh), Đường sách 19/12 (Hà Nội)…
Chứng tỏ văn hóa đọc của người Việt đã có chuyển biến tích cực, là tín hiệu đáng mừng, nhưng thực tế văn hóa đọc có được nâng lên hay không vẫn là điều mà nhiều người đang hoài nghi. Dù các hội chợ sách được tổ chức rầm rộ, nhưng việc mua sách, đọc sách, xây dựng văn hóa đọc đúng nghĩa và có hiệu quả lại là chuyện đang được quan tâm.
Trong Hội thảo quốc gia về “Xây dựng văn hóa đọc và phát triển mô hình thư viện thân thiện trường tiểu học” diễn trong 2 ngày 29-30/6, tại TP Đà Nẵng đã đưa ra những con số để nhìn thẳng vào sự thật.
Theo khảo sát này, số giờ đọc sách trung bình của mỗi người ở quốc gia Ấn Độ là 10,42 giờ/tuần; Thái Lan là 9,24 giờ/tuần và người Mỹ đọc 5,42 giờ/tuần. Riêng Việt Nam, 26% dân số Việt Nam chẳng bao giờ đọc sách. Tính đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi người Việt đọc 1,2 quyển sách/năm. trong khi người Malaysia đọc 10 cuốn/năm, người Singapore đọc 14 cuốn/năm, người Nhật đọc khoảng 20 cuốn/năm, người Israel (Do Thái) đọc 60 cuốn/năm.
Nếu nhìn vào số lượng sách tiêu thụ ở các Hội sách, Hội chợ sách với số lượng sách phát hành thì đúng là còn quá chênh lệch. Năm 2017, toàn ngành có 30.851 đầu sách với 312.510.500 bản sách được xuất bản, xuất bản phẩm dạng điện tử: 217 xuất bản phẩm với 3.757.261 lượt bán, mức hưởng thụ bình quân chỉ đạt khoảng 3,3 bản sách/người/năm, trong đó chiếm hơn nừa là sách giáo khoa, ít hơn cả mục tiêu 4 bản sách/người/năm được đề ra cách nay hơn 10 năm.
Sách Văn học. |
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc số người Việt đọc sách ít, số lượng sách đọc trong năm của người Việt ít, vì đầu tiên là giá sách quá cao. So với mặt bằng thu nhập của đại đa số người dân thì sách là một loại hàng hóa xa xỉ, thậm chí không nằm trong danh mục “nhu yếu phẩm” trong chi tiêu hàng tháng hay hàng năm của gia đình hay cá nhân. Nhưng đâu phải thế, ngay cả khi giá sách giảm sâu đến “siêu rẻ”, số sách được mua cũng không nhiều.
Không ít chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cho rằng, hiện nay các Hội sách, Hội chợ sách…, đều tổ chức cùng một “công thức”: Giới thiệu sách, ra mắt, giao lưu với tác giả, xem thị trường “khát” thể loại nào, “nóng” tác giả nào thì PR, chỉ cần bán sách, không xem trọng ý nghĩa đích thực của sách.
Vì thế mới có chuyện cười mà ngậm ngùi, các loại sách ngôn tình của các tác giả trẻ trong giới showbiz lại là best seller. Còn sách văn học của nhiều tác giả nồi tiếng thì dù giảm sâu rẻ hơn mớ rau cũng ế ẩm, còn thơ thì “khóc” với giá 2.000 đồng/cuốn.
Nếu nhìn vào sự tưng bừng của các gian hàng, hoặc vào doanh số lý tưởng của các đơn vị xuất bản, phát hành có thể thấy ít nhiều một thị trường sách đã hình thành đáng phấn khởi. Thế nhưng, khoảng cách giữa “người viết sách”, “người làm sách” và “người buôn sách” chưa tìm được điểm đến chung để tôn vinh những cuốn sách có giá trị nâng đỡ tình cảm và nhận thức của người Việt trong quá trình hội nhập quốc tế.
Số sách tiêu thụ chưa thực sự khơi gợi được lòng say mê tìm sách và đọc cho người đọc, nhất là thế hệ trẻ. Một điều đáng bàn là tại các Hội chợ sách, dù việc giảm giá, chiết khấu cao mang lại rất nhiều lợi ích cho người mua sách, nhưng dường như việc giảm giá này khiến người mua có cảm giác các hội chợ sách thực chất chỉ là điểm xả kho của các đơn vị xuất bản, làm cho việc khuyến khích, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng bị biến tướng, mất dần ý nghĩa.
Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó khẳng định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.
Chúng ta cần phát triển văn hóa đọc trên cơ sở khai thác có hiệu quả, không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại. Không nên nghĩ rằng chỉ cần “siêu rẻ” là có thể nâng cao văn hóa đọc của người Việt./.
Một tấm lòng với văn học Việt Nam
Nhà báo Phan Quang với cuốn tiểu luận “Qua tên gọi bốn con đường”