Đọc “Mặt trời đêm” của nhà thơ Trịnh Công Lộc
VOV.VN - Qua thơ của Trịnh Công Lộc, ta nhận ra vẫn còn một thi sĩ luôn quan tâm đến những vấn đề nóng của đời sống rồi chuyển hóa thành thơ.
Về mặt tự nhiên, cơ bản biển ở đâu cũng giống nhau. Nhưng khi trở thành đối tượng của nhận thức, của phản ánh trong văn chương, đặc biệt là thơ, biển của mỗi người lại không giống nhau. Biển của Xuân Diệu khác biển của Chế Lan Viên, của Tế Hanh, của Xuân Quỳnh, của Hữu Thỉnh.
Cái sự khác nhau ấy, xem ra lại nằm ở nơi hướng nội, không phải nơi hướng ngoại. Chính quá trình hướng nội của mỗi cá thể thơ đã giúp ta tìm ra cái khác giữa tác giả này với tác giả khác.
Và cũng chẳng phải mất công tìm kiếm dẫn chứng đâu xa. Trong “Mặt trời đêm” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 3/2014), nhà thơ Trịnh Công Lộc đã nói như thế qua “Hai bên”: Biên giới là hai bên/ Bên ta và bên họ/ Mọi thứ khác nhau là mấy/ Chỉ lòng người khác biệt nhiều thôi. Rồi nhà thơ Trịnh Công Lộc cũng đã nói như thế qua “Nhịp đập Truông Bồn”: Sẽ không có sách nào ghi hết/ Chỉ có trái tim mới biết/ Mọi tận cùng lịch sử đi qua.
Trước hết là sự hệ lụy giữa biển – trời – nước – đảo – bến - thuyền – tàu – hải âu – con người:Giữa biển/ Trời đến đâu/ Nước đến đâu/ Thuyền lấy tàu làm bến/ Hải âu với tàu là đảo/ Còn mình tựa bến tình yêu (Giữa biển); là không có gì dễ bỏ qua dù là nhỏ bé nhất, mong manh nhất, tức thời nhất: Làn mây nhỏ cũng thành nuối tiếc/ Thành nhớ thương từng bọt sóng trôi hayNhững tạc đan găm chìm thịt cát /Trái gió, buốt đau xương cốt bến bờ (Khát với Hoàng Sa); là những phát hiện: Khi bão tố, đảo thành mắt biển (Mở cõi biển Đông), Hoàng Sa cột mốc giữa muôn trùng (Còn đấy Hoàng Sa), Thêm những con tàu/ Rộng mãi đường khơi/ Giữa biển lớn nghĩ suy thêm lớn/ Những đại dương xích lại gần nhau (Bắt đầu từ than)…
Sau biển, Tổ quốc của Trịnh Công Lộc cũng khác: Mỗi tấc đất đã bao nhiêu máu/ Thắm lên từng vách núi, ngọn cây/ Mỗi đỉnh núi một bàn thờ Tổ quốc/ Ngát linh hương nghi ngút trời mây (Đỉnh núi). Có lúc, ông gắn bó máu thịt với địa danh Cao Xiêm đến mức: Sóng Cọ thành dây/ Buộc sông buộc núi/ Buộc đất buộc rừng (Cao Xiêm) và nhìn ra cái bản chất của mọi cuộc chiến từ một từ “nhàu” thật chuẩn: Cuộc chiến đã nổ ra/ Đất nhàu mặt đất/ Sông nhàu mặt sông/ Biển nhàu mặt biển (Hai bên)…
Sau đó, một lần nữa, Trịnh Công Lộc lại sử dụng động từ “buộc” rất đắt trong “Bạn và cây đàn”: Sợi tiếng buộc vào tôi tiếng sóng/ Buộc vào Hà tiếng rừng/ Buộc vào Nga tiếng mây/ Buộc vào ai tiếng trầm tiếng bổng/ Buộc vào tiếng nhặt tiếng thưa…
Lâu nay, đề tài than (công nghiệp than) đã trở đi trở lại trong thơ của nhiều thế hệ người làm thơ. Nhưng đến Trịnh Công Lộc, cũng vẫn khác. Lòng đất là bóng đêm thì nhiều người thấy, nhưng khi cho rằng Bàn tay là mặt trời/ Ngày đã vào đêm/ Bóc than như bóc thịt…/ Từng ka, từng ka lớp lớp/ Đánh cược cuộc đời/ Kín trời kín đất trong/ Ngày vào đêm, thì không phải ai cũng thấy. Nhìn việc khai thác than như Cầu bập bênh bật lên bật xuống trong trò chơi không thăng bằng để rồi Cứ bập bênh sinh lực ngày ngày trong “Bập bênh”, nhìn than như Đứa con một/ Triệu triệu năm đất nặng đẻ đau trong “Than” – đứa con một, thì không phải ai cũng viết được.
Nhưng nói gì thì nói, viết gì thì viết, Trịnh Công Lộc vẫn không tách biển, tách than và tách nhiều thứ nữa ra khỏi thân phận con người. Hay nói một cách khác: Dù là biển hay là than, thì thân phận con người trong đó mới là quan trọng. Và rồi như không hoàn toàn lệ thuộc vào đề tài, vào chủ đề nữa, Trịnh Công Lộc lại trở về với nhân tình thế thái.
Đọc tác phẩm “Tôi nghe tôi hát” của “người từ băng ca” Trần Như Phương (Trần Thị Mai), ông viết “Nếu…” để rút ra từ sự trải nghiệm của mình: Trái đất nhỏ đi trước vận mệnh con người. Đến “Trái đất – quả cầu vàng”, ông lại viết những câu thơ thật sâu xa: Trái đất như quả cầu vàng/ Như trái ngọt/ Khi lòng tham chưa nguôi cơn khát/ Bàn tay còn khát máu chiến tranh.
Trong thời buổi này, còn có một thi sĩ lúc nào cũng quan tâm một cách thường trực đến những vấn đề nóng của đời sống, rồi chuyển hóa thành những câu thơ thế sự gan ruột, thật quý hiếm biết bao!
Cuối cùng, xin được giới thiệu một bài thơ ấn tượng có tên gọi “Đỉnh núi” được viết theo kiểu Trịnh Công Lộc:
Núi tiếp núi chập chùng vi vút
Vời vợi xa, sương gió về đâu
Dốc thẳng đứng, yên cương lưng ngựa
Gió cuộn bay vun vút ngàn sâu…
Đất là núi
là sông
là biển
Núi ngất cao, sông biển rộng dài
Sông với biển giăng thành như núi
Giữ bình yên bờ cõi đất đai.
Mỗi tấc đất đã bao nhiêu máu
Thắm lên từng vách núi, ngọn cây
Mỗi đỉnh núi
một bàn thờ Tổ quốc
Những linh hương nghi ngút trời mây.
Đọc “Đỉnh núi”, ngưởi đọc không thể không liên hệ đến “Mộ gió” – một bài thơ nổi tiếng của Trịnh Công Lộc./.