Đừng kể tên tôi - sách mỏng mà nặng
VOV.VN - Cuốn sách có hơn 300 trang khổ 13,5x20,5. Nhưng đọc xong thấy nặng.
Vào dịp tết Mậu Tuất, một bạn trẻ đưa tôi cuốn sách có tên khá lạ “đừng kể tên tôi” của một người cũng xa lạ : Phan Thuý Hà. Nhưng nhà xuất bản thì quen: nhà xuất bản Phụ nữ , một nhà xuất bản có khá nhiều đầu sách hay.
Và lời giới thiệu cuốn sách là của một bạn đồng môn khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội: Thái Kế Toại. Anh học trước tôi một khoá (k13) nhưng lại tốt nghiệp sau. Vì khoảng 5 năm (kể từ tháng 8/1970) anh nhập ngũ. Cuốn sách này do con gái của Phan Văn Bá, một người bạn đồng ngũ của anh “ chắp bút “.
Cuốn sách "Đừng kể tên tôi" có hơn 300 trang khổ 13,5x20,5. |
Tôi không dùng từ “viết” vì đúng như lời giới thiệu, Phan Thuý Hà “không đi tìm những nhân vật trở thành hình mẫu, được tôn vinh mà chỉ ghi chép lại chuyện của những người làng cháu, sống gần cháu. Họ không kể ra thì họ chỉ là muôn vàn người bình thường. Nhưng họ đã kể thì sự thật bỗng nặng trĩu, quằn quại, đau đớn…Đấy là sức nặng của một cuốn sách mà tác giả của nó chính là những nhân vật”.
Đây là một cuốn sách mà nhân vật chính là những người lính Cụ Hồ. Dù họ là bộ đội, thanh niên xung phong, hay dân quân. Và vì thế ta chỉ có thể “ gặp “ từng người, từng người. Và vì thế mà “khó giới thiệu”. Nhưng tôi thấy vẫn cần phải làm. Vì cần để mọi người biết về những người anh hùng vô danh này.
Trước hết, hãy hiểu vì sao Phan Thuý Hà “ghi chép” lại những câu chuyện này. Phan Thuý Hà tự bạch : “ Bạn tôi có bác là liệt sĩ. Bác đi vào chiến trường miền Nam năm 1966. Năm 1976 gia đình nhận được giấy báo tử. Chuyện gì đã xảy ra trong suốt mười năm đó? Bác đã chết như thế nào:…Trong chiếc rương của bà ngoại có một lá thư của bác gửi về khi vừa hoàn thành xong khoá huấn luyện, chuẩn bị vào chiến trường. Những dòng chữ với thông tin tình hình sức khoẻ của mình, dặn người ở nhà yên tâm. Nội dung thư như nhiều lá thư thời ấy.
Tại sao họ lại có thể giữ cho riêng mình những câu chuyện dữ dội như vậy?
Vì họ là đàn ông. Vì họ là người lính. Hay, vì họ là người Việt Nam?
Vì không ai hỏi. Vì chúng ta đã tỏ ra không xứng đáng để được nghe?
- Ước mơ của bác khi đó là gì?
- Ước mơ của bác khi đó là được về nhà ăn với mẹ và em gái một bữa cơm rồi quay vào chiến trường chết cũng được.”
...
Và đây, câu chuyện đầu tiên mà tôi muốn kể…
Một thiếu niên không nhớ năm sinh, nhưng chắc cũng khoảng 13 tuổi khi xin đi bộ đội. Khi viết đơn xin đi bộ đội, khai sinh năm 1951, đang học lớp 7.
Khi người anh đi bộ đội 7 năm chưa có tin gì. Cả trường cấp II chỉ có mình cậu xin đi bộ đội với cái lý “ cứ đi tập luyện cho quen. Vài năm nữa cứng cáp chiến đấu trực tiếp là vừa…Mày nói vậy thì bọn tao ( người của xã) chịu rồi”. Sáu tháng huấn luyện ở Cẩm Xuyên.
Ba tháng huấn luyện ở Hương Sơn ( Hà Tĩnh). Ngày 12 tháng 1 năm 1971 vào Nam. Hôm đó là ngày 29 Tết. Không kể hết những gian khổ trên đường đi. Trận chiến đấu đầu tiên, ngày 2/3/1971. Làm liên lạc cho tiểu đoàn (vì người quá nhỏ).
Chứng kiến ông tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Tranh lệnh cho lính của mình chặt đứt phần cánh tay bị đạn còn dính vào cơ thể bằng một mảnh da và cụm gân. Để băng bó cho tiện và tiếp tục chiến đấu….Cứ thế mà trưởng thành dần. Có lúc không còn chỉ huy, nhảy lên làm chỉ huy…Sau đường 9 - Nam Lào đi B dài. Bài giảng về lịch sử Việt Nam học giữa chiến trường Kon Tum “ngấm vào máu”.
Được đi học trường Quân chính 3 đóng trên đất Campuchia, lớp đào tạo trung đội trưởng khi 18 tuổi. Vì đói quá mà muốn xin trở lại chiến trường. Tốt nghiệp trở về làm Trung đội trưởng trung đội mũi nhọn…Cuộc chiến cứ tiếp tục với bao điều có thể nói là “không tưởng tượng nổi” . Cuối cùng cũng đến ngày toàn thắng .
Cậu học sinh cấp II ngày nào giờ đã là Đại đội trưởng trong đội hình sư 320 tử Tây Nguyên đánh xuống Phú Yên rồi lật cánh vào miền Đông Nam Bộ, đánh căn cứ Đồng Dù. Trúng đạn giữa ngực mà không chết. Còn kịp bắt tù binh và bắt tù binh cáng mình về trạm quân y.
Hôn mê hai ngày và tỉnh dậy bên cạnh thi thể của một liệt sĩ, Được một nữ bác sĩ có phòng khám riêng ở Tân Qui huyện Hóc Môn ( Sài Gòn) tình nguyện đi cấp cứu thương binh, truyền máu cho. Ba tháng sau , tìm đến cảm ơn mới hay người bác sĩ này có chồng là Đại uý Việt Nam Cộng hoà, chết trận năm 1968. Và người bác sĩ đó đã vượt biên.
Rồi lại tiếp tục nằm viện trong khi đơn vị cũ đã xác nhận là “liệt sĩ” ( may mà chưa gửi đi). Được một bác sĩ quân y của chế độ cũ cứu chữa khi đang nằm ở quân y viện 175. Người bác sĩ này sau cũng đi “học tập”. Làm quen với một gia đình và tình yêu nảy nở với một nữ sinh. Chàng trở về đơn vị cũ. Quay lại Tây Nguyên diệt Phun-rô. Nàng tình nguyện đi dạy học ở vùng sâu vùng xa. Tình yêu không thành...
Ông kể: “Năm 1982 chú vào Sài Gòn. Chú đến khóm 5 Gò Vấp tìm ngôi nhà cũ. Nhà cũ vẫn ở đó, chưa thay đổi gì…Cô ấy đi dạy ở Tây Ninh một năm phải về vì chiến tranh biên giới.
Đến năm 1979 có người bảo lãnh cho sang Pháp… Ba của cô vẫn đang ở trại cải tạo. Chú ở lại Sài Gòn thêm thời gian nữa tính kế mưu sinh nhưng không dễ dàng, trở về yên phận làm người làm nông dân. Nhà bên sông Ngàn Sâu mỗi năm mấy đợt lũ tràn về.
Chú không còn nhớ gì nữa. Không còn nhớ được gì nữa. Những lá thư này. Khuôn mặt ánh mắt này. Chiến trường. Xác chết. Đường số 7.”
Đó là câu chuyện có tên “Người bên sông Ngàn Sâu”.
Còn đây là “Chuyện của bốn người”.”Con viết về bộ đội sao không viết về bác Lập?”- Mẹ Thuý Hà hỏi. Thuý Hà kể: trong làng bác Lập là người đi bộ đội lâu nhất. Từ 1960 đến 1975. Ở Tây Nguyên lâu tới mức nhiều người tưởng là người Tây Nguyên, Mười hai năm không tin tức. Khi trở về mắt mẹ đã bị mù. Khi trở về làng thì cô gái đã chuẩn bị đám cưới trước khi ông đi bộ đội, vừa lấy chồng tháng trước .
Vì 12 năm biệt tích. Ai cũng nói là hy sinh rồi. Người chồng cô gái cũng là một người lính. Về đến nhà trước ông một tháng…Cô gái nằng nặc đòi trở về với ông. Nhưng ông lắc đầu. Cuối cùng ông lấy vợ một liệt sĩ, cuộc sống gian nan vì bệnh tật.
… “ Bác , nếu chiến tranh lại xảy ra bác có cho các con mình ra trận không? – Có chứ. – Nhưng bác đã trải qua những năm tháng như vậy. Nằm viện triền miên vì những bệnh nặng. Mỗi tháng chỉ dựa vào một triệu sáu tiền bệnh binh.
- Phải chấp nhận. Giặc đến là đánh. Không đánh để mất nước à. Chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì thời đại nào cũng vinh dự.”
Vâng. Chính sức nặng của lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người lính Cụ Hồ toát lên từ những trang sách - những câu chuyện đẫm máu và nước mắt, thậm chí có cả những bất công, oan ức …đã tạo nên sức nặng của tập sách mỏng này.
Sinh năm 1979, tìm hiểu lịch sử đất nước từ những người thân trong gia đình mình, xóm làng mình, đất nước mình, Phan Thuý Hà đã tự mình trả lời một câu hỏi lớn: vì sao đất nước ta, dân tộc ta lại có thể trường tồn từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Một đất nước có những người con như vậy không thể bị diệt vong. Một đất nước có những người con như vậy kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Không thể kể hết những câu chuyện rất sinh động được chép trong tập sách “đừng kể tên tôi”. Tốt nhất là các bạn nên đọc tập sách. Cô cháu đưa tặng tôi tập sách khoe: Cháu mua đến 20 quyển, gửi cho bạn bè ở nước ngoài. Cô cháu này cũng cùng lứa với Phan Thuý Hà.
Đừng nghĩ lớp trẻ ngày nay quay lưng với quá khứ, với truyền thống dân tộc. Các bạn trẻ có cách tiếp cận lịch sử theo cách của mình, học lịch sử theo cách của mình.
Điều quan trọng là lớp lớp những người lính Cụ Hồ cần truyền lại cho con cháu mình những câu chuyện lịch sử chân thực, làm sáng tỏ sự thật của lịch sử, không để lớp trẻ lẫn lộn giữa sự thật lịch sử với những lời lẽ xuyên tạc, xét lại lịch sử mà các thế lực thù địch với đất nước ta, dân tộc ta đang cố tình reo rắc. Với tập sách này, đã rõ là những người lính Cụ Hồ không muốn giữ cho riêng mình những câu chuyện về chiến tranh của họ. Cho dù nhiều lúc là “khốc liệt”, là “bi đát”.
Viết đến những dòng này, tôi nhớ tới lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về lòng yêu nước của nhân dân ta. Ngừơi khẳng định “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước . Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn song vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.
Một mùa xuân nữa lại đang về trên đất nước ta. Tôi muốn chép tặng các bạn trẻ sẽ đọc bài giới thiệu sách này, một đoạn thơ của Chế Lan Viên mà những người lính sinh viên cùng lứa 6971 (1969 vào đại học – tháng 9/1971 đi bộ đội) đều thích:
“ Tin vui chiến trường tới tấp về đây
Lòng anh như say
Anh cùng em qua các đường Hà Nội
Niềm vui không dấu nổi
Nên cầm hoa trên tay
Cành đào năm chiến thắng
Lấp lánh màu hoa tươi
Mùa xuân xao xuyến đất
Mùa xuân xao xuyến người…”(Tuỳ bút một mùa xuân đánh giặc-1972)
Chúng ta cũng đang bước vào trận đánh mới. Trận đánh chống đói nghèo. Trận đánh khẳng định tầm vóc và sức mạnh của con người Việt Nam./.