Gian nan công cuộc chống sách lậu
VOV.VN - Chán nản là tâm lý dễ nhận thấy của rất nhiều nhà xuất bản, công ty sách ở Việt Nam khi nghe đến cụm từ “chống sách lậu”.
Những người làm sách chân chính mỏi mệt cũng dễ hiểu, bởi đã liên tục nỗ lực thực hiện hàng chục chiến dịch "càn quét", sách lậu chẳng những không giảm mà còn ngày càng gia tăng. Trước thực trạng đó, nhiều đơn vị đã tự tìm cách cứu mình.
Mới đây, trang facebook của Nhà Xuất bản Trẻ đã đăng phần hướng dẫn cách nhận biết sách thật– sách giả đối với cuốn “Người Quảng đi ăn mỳ Quảng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đó là một trong rất nhiều kiểu định hướng người tiêu dùng chọn sách đúng chuẩn mà đơn vị này đã áp dụng từ nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Trẻ nói: “Để tự bảo vệ mình, Nhà Xuất bản Trẻ phải làm cho bạn đọc hiểu rõ đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Năm 2014, toàn bộ sách của Nhà Xuất bản Trẻ được làm theo công nghệ giấy in nhẹ để đảm bảo chuẩn sách của các nước tiên tiến. Ngoài ra, trên sách còn có mã vạch hai chiều với những chức năng hỗ trợ tiện ích. Còn năm 2015, chúng tôi sẽ thí điểm tem thông minh”.
Nhiều cách chống sách lậu là vậy, nhưng đa phần những hướng đi của Nhà Xuất bản Trẻ lại phụ thuộc quá nhiều vào sự chọn lựa từ phía khách hàng nên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Năm 2014, ngay khi đơn vị này nghĩ ra cách đổi giấy và in mã vạch hai chiều lên sản phẩm để chống sách lậu thì một thời gian sau, mã vạch giả đã tràn lan trên thị trường. Do vậy, nhiều khách hàng lo rằng, liệu tem thông minh của Nhà Xuất bản Trẻ có tồn tại được lâu, hay sẽ bị làm giả ngay khi mới ra lò?
Cũng như vậy, Nhà Xuất bản Kim Đồng từ nhiều năm nay vẫn đau đầu với cuộc chiến chống sách lậu. Là đơn vị uy tín trong lĩnh vực xuất bản sách và các ấn phẩm phục vụ độc giả nhí trên toàn quốc nên ấn phẩm của Kim Đồng bị làm giả nhan nhản.
Từ ấn phẩm của những tác giả nổi tiếng trong nước như Tô Hoài, Trần Đăng Khoa cho đến Doraemon, Conan, Shin - Cậu bé bút chì… những bộ truyện tranh được nhiều người yêu thích mang thương hiệu Kim Đồng vừa có mặt trên thị trường đã bị làm giả. Sách lậu không chỉ làm tổn thất hàng chục tỷ đồng mà còn làm giảm uy tín thương hiệu của Kim Đồng. Sách lậu gây ra những tổn thương không nhỏ đến thương hiệu của đối tác nước ngoài mà đơn vị này mua tác quyền sản phẩm.
Dù đã tìm mọi cách hạn chế sách lậu, nhưng theo ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc chi nhánh Nhà Xuất bản Kim Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mọi thứ chẳng mấy khả quan: “Với tư cách một nạn nhân, một nhà sản xuất, chúng tôi không đủ tư cách pháp nhân cũng như lực để ngăn chặn, phát hiện và xử lý những vụ việc như thế. Chúng tôi chỉ biết trông chờ vào bộ máy quản lý cũng như hệ thống kiểm tra, giám sát và xử lý của pháp luật hiện hành. Chuyện quản lý in và xử lý các vụ in ấn vi phạm của chúng ta còn rất lõng lẻo và thiếu sự phối hợp đồng bộ. Kêu gào mãi cũng đến thế thôi nên Nhà Xuất bản Kim Đồng đang phấn đấu theo cách của mình”.
Cách mà Nhà Xuất bản Kim Đồng chọn là: cùng với việc tập trung làm sách tốt, giảm giá thành, sẽ chú trọng vào khâu phổ cập thông tin đến độc giả cả nước. Nhưng với hơn 2 ngàn đầu sách đưa ra thị trường mỗi năm, e rằng cách làm trên sẽ khó phát huy hiệu quả vì nhà xuất bản này hiện có một hệ thống phân phối quá rộng để có thể quản lý chặt chẽ từng nơi.
Thực trạng sách lậu hoành hành thị trường đã diễn ra trong một thời gian dài. Hơn 10 năm nay, nghe nhắc đến sách lậu, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa - Sáng tạo Trí Việt cảm thấy ngán ngẩm. Mỗi năm, 245 trong số 300 đầu sách bán chạy của công ty ông đã ngang nhiên bị in lậu với số lượng ngày càng lớn. Đặc biệt, nhiều đầu sách chất lượng như Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, sách ngoại ngữ… không chỉ bị một mà có khi là 7, 8 nơi in lậu để trục lợi. Đến nay, mặc dù công ty đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng triệt phá thành công 10 vụ in lậu sách quy mô lớn trên cả nước nhưng con số đó chỉ là bề nổi, còn rất nhiều sách lậu vẫn ngày ngày tung ra thị trường.
Sản xuất sách lậu có thể thu lợi nhuận lên đến hơn 300%, nhưng mức phạt lại khá nhẹ, đó là lý do chính khiến các đối tượng làm sách lậu luôn tìm mọi cách để tồn tại.
Trong khi chờ những chính sách mạnh tay hơn từ các cơ quan có thẩm quyền, người làm sách chân chính chỉ còn biết tự cứu lấy mình và đặt trọn niềm tin vào sự chọn lựa của độc giả./.