Hà Nội - cảm hứng bất tận cho văn thơ
VOV.VN - Mỗi góc độ khác nhau, các nhà văn, nhà thơ đều có cách cảm nhận riêng về Hà Nội.
“Hà Nội - cảm hứng bất tận cho văn thơ” là chủ đề cuộc nói chuyện với nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Bắc Sơn và nhà thơ Vũ Quần Phương diễn ra sáng 29/9 trong khuôn khổ Ngày hội sách 2014 đang diễn ra tại Hà Nội.
Tại cuộc nói chuyện, ba tác giả đã chia sẻ về những kỉ niệm một thời, là chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tác để làm nên tác phẩm văn học. Nhà văn Hoàng Quốc Hải với ba bộ tiểu thuyết lịch sử lớn “Huyền Trân công chúa”, “Tám triều vua Lý” và “Vương triều sụp đổ” đã tái hiện không khí lịch sử, sự phát triển đỉnh cao cũng như những biến cố của đất nước Việt Nam thời phong kiến. Để có được những bộ sách để đời này, ngoài 15% sự thật lịch sử được lấy là chất liệu sáng tác thì yếu tố hư cấu kết hợp với khả năng am hiểu lịch sử đã làm nên sức hấp dẫn trong các trang văn của nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Cũng trong buổi nói chuyện này, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn hồi tưởng những kỉ niệm về Hồ Tây, về cuộc sống mưu sinh của những con người Hà Nội xưa không có cảnh chen chúc, lấn chiếm không gian công cộng và ồn ã như bây giờ. Ở một góc độ khác, nhà thơ Vũ Quần Phương lại đưa độc giả về với những bài thơ tình lãng mạn mà cây cầu, dòng sông như nhân chứng cho tình yêu đôi lứa, trong đó có bài thơ “Đợi” của ông được viết trong bối cảnh của Hà Nội những năm 60 của thế kỉ trước.
Có thể thấy mỗi góc độ khác nhau, các nhà văn, nhà thơ đều có cách cảm nhận riêng về Hà Nội. Đó có thể là chi tiết chân thực về cuộc sống của bao thế hệ đã gắn bó với Thăng Long - Hà Nội, là hình ảnh của những danh nhân, tài tử, là những món ăn giản dị, thanh tao mà ai đi xa cũng nhớ. Hà Nội của những năm tháng thăng trầm suốt chiều dài lịch sử.
Tại buổi nói chuyện, nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ: “Hà Nội trong tôi vẫn là một biểu tượng văn hóa vô cùng đẹp. Giá trị của Hà Nội là biểu tượng văn hóa của cả dân tộc được hun đúc qua nhiều đời mới thành danh tiếng như thế này. Hà Nội có bề dày lịch sử mà hiếm có thủ đô nào trên thế giới có được. Chỉ có điều, chúng ta chưa biết nâng niu, giữ gìn nó”./.