Hy vọng cùng Ngọc Lê Ninh
VOV.VN -"Thơ hay thì găm lại chả cần phải tuyên ngôn. Thơ dở sẽ trôi đi". Ninh tôn trọng cuộc chơi và chấp nhận cái giá khi "Vỡ cùng hy vọng".
Người đời đến với thơ bằng nhiều cách và với những tham vọng khác nhau. Thơ cũng ở lại với người theo nhiều kiểu. Tôi nghĩ Ngọc Lê Ninh tựa vào thơ như tựa vào hy vọng của mình, nhen nhóm để dẫn dắt buồn vui đi hết những chiều đường cảm xúc. Và những con chữ đã theo cùng dù không phải lúc nào cũng hòa nhịp.
"Tình xám xịt nổi màu tro giả dối
Thơ tôi ngậm ngùi khóc dọc thời gian"
Con đường đó có niềm hạnh phúc, nhớ thương và cả xa xót.
"Em thiếu vắng thơ anh òa khóc
Đêm lăn tròn nỗi nhớ vào em"
Ninh làm nghề môi trường. Anh hiểu thơ mà dở thì nó cũng là thứ rác thơ gây hại đến môi trường vậy. Nên anh cũng cẩn trọng sàng lọc kỹ khi quyết định in thơ. Dịp Xuân mới, Ninh bung tập thơ đầu tay vỡ toang tất thảy: đam mê, dằn vặt, kìm nén mấy chục năm... Thơ không là đích đến nhưng Ninh cứ lẽo đẽo đi theo thơ qua những khúc quanh co của đời sống.
Thơ Ninh đằm đời, không lung linh mà gan ruột. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, "người anh thơ" của Ninh kể, sau mấy chục năm không gặp cậu em, phút gặp lại của hai anh em vẫn là giây phút lên đồng thơ như năm nào. Cầm bảo, Ninh trải qua nhiều thấm trải, "tỉnh dậy" vẫn lạc quan. Và còn nguyên một niềm đau đáu thi ca. Điều đó tôi đọc thấy trong nhiều bài thơ anh.
"Nhưng kìa em đã đến
Bầu tim anh đầy vơi
Lửa em không lỗi hẹn
Đèn tình ta rạng ngời"
"Đêm con rét chạy vào tim trú ngụ
Gió lùa mây trăng lạnh cóng sao trời
Thơ gục xuống bút nằm lăn ra ngủ
Thêm một lần em bỏ mặc tình tôi"
Anh viết nhiều về tình yêu. Nhưng tôi chắc đó chỉ là cái cớ anh ký thác những nỗi đời. Trong thơ anh luôn có một nhân vật: Đó chính là Thơ. Nó đại diện cho anh, nói thay anh hết thảy. Thơ Ninh có thân phận. Thơ mà nhàn nhạt, nhè nhẹ sẽ chỉ dùng để ca, hò, diễn xướng. Thơ phải trĩu xuống như Ninh đã từng thốt lên trong ưu tư: "Tôi nằm nghe đớn đau"... "Tôi nằm nghe đói rét"...
Nỗi đau chung có số phận dân tộc, không phải chỉ là cá thể nhỏ bé. Thơ Ninh có những ánh nhìn về phía đồng loại, đau chung, khóc chung với những người vô danh nhưng không hề tẻ nhạt. "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời", Ép-tu-sen-cô viết vậy. Và Ninh đã tìm thấy những mảnh hy vọng trong chính những khuất chìm, những nghĩ ngợi có trách nhiệm với thơ và thân phận con người.
"Đêm nay từng con chữ
Bò trên giấy nghẹn ngào".../.