Mật mã đặc khu hay Bản hùng ca về người Cộng sản
VOV.VN - Có thể nói như vậy về cuốn sách này. Ở nhà sách số 4 Đinh Lễ ( Hà Nội) cuốn sách được bày trang trọng ở gần lối ra vào, bên cạnh những cuốn sách của nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới và trong nước.
Trình bày “bắt mắt” và chân dung của một người thoạt nhìn đã thấy rất cương nghị, đã khiến độc giả không chú ý đến tên tác giả ( Phan Tùng Sơn) cũng như hai chữ “TRUYỆN KÝ” nho nhỏ phía dưới.
Cuốn sách Mật mã đặc khu.
Vâng, đây là câu chuyện của một người cộng sản, câu chuyện về một người cộng sản, một nhà cách mạng tài ba, vừa giỏi quân sự, chỉ đạo, tổ chức hoạt động tình báo trong lòng địch, vừa uyên thâm, nhạy bén về chính trị, vừa am tường khoa học,lịch sử, văn hoá, lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn sâu sắc.
Ông là Phan Kiệm ( bí danh Đào Tấn Xuân, Năm Thành, Năm Vân, Năm Xuân) sinh ngày 15/7/1920 tại làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong ,tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 16 tuổi được kết nạp vào Đảng. Là huyện uỷ viên năm 19 tuổi .
Tròn 20 tuổi, năm 1940 là phó bí thư huyện uỷ Triệu Phong. Cũng vào năm đó, bị địch bắt, bị tù đày ở Lao Bảo rồi ở nhà lao Buôn Mê Thuột. Sau khi ra tù, lãnh đâọ khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắc Lắc. Từ tháng 3/1945 đến cuối năm 1948 lần lượt đảm đương các chức vụ: Bí thư Tỉnh uỷ Đắc Lắc; chính trị viên Mặt trận Quy Nhơn - An Khê; Chính uỷ Trung đoàn Nam Tiến; Chính uỷ trường Lục quân Nam Bộ.
Từ 1949 đến 1954, là Khu uỷ viên, Quân khu uỷ viên, Trưởng phòng Dân quân khu 7; Phó Tư lệnh Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; quyền Tư lệnh kiêm Chính uỷ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ từ 1954 đến 1957, đồng chí được phân công ở lại miền Nam, tiếp tục nhiệm vụ Khu uỷ viên Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách bí thư liên quận 1-4; Uỷ viên thường vụ Khu uỷ và sau đó là Phó bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn.
Cuối năm 1957, lần thứ hai đồng chí Phan Kiệm bị địch bắt và bị đày ra Côn Đảo. Năm 1961, đồng chí vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và cả nước bắt tay vào sự nghiệp xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn to đẹp hơn”.
“ Thời thế tạo anh hùng”. Đảng ta tháng 8/1945 với hơn 5000 đảng viên, đã lãnh đạo dân tộc ta đứng lên Tổng khỏi nghĩa, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành lại Độc lập cho đất nước, Tự do cho dân tộc. Những người cán bộ cách mạng, đảng viên năm 16 tuổi như ông Phan Kiệm không phải là hiếm.
Và những người “văn võ toàn tài” cũng vậy. Bởi thế mà người ghi chép lại câu chuyện về ông Phan Kiệm cũng chỉ tập trung vào những giai đoạn tiêu biểu trong cuộc đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp của ông. Và đến lượt người được đọc những trang sách này, cũng chỉ tập trung giới thiệu về giai đoạn sau tháng 7/1954, khi ông ở lại hoạt động trong lòng địch, bị chúng bắt , bị tra tấn đày đoạ từ những nhà tù khét tiếng như Phú Lợi đến “chuồng cọp” ở Côn Đảo.
Trong cuốn sách, ở trang 200, có một đoạn kể lại:
Một buổi tối tháng 10/1960, Năm Vân (một trong những bí danh của ông Phan Kiệm) và Nguyễn Đức Thuận ( khi bị địch bắt là Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam –Thanh Vũ chú thích) đang trao đổi với nhau về âm mưu của địch và cách đối phó của ta sắp tới…thì bị bọn cai tù rình sẵn, nghe được.
Bọn chúng cho Năm Vân là kẻ cầm đầu đám tù nhân ở chuồng cọp Côn Đảo nên đã bắt ông đưa ra một chỗ vắng. Ở đó chúng đã đào sẵn một cái hố. Chúng bảo: ông muốn sống thì phải ly khai, phải đả đảo cộng sản…Năm Vân nói thẳng vào mặt chúng: Tụi bay cần thì cứ bắn tao đi. Tao không bao giờ run sợ. Tao sẽ hô đả đảo Mỹ - Diệm, Hồ Chí Minh muôn năm…
Ông Nguyễn Đức Thuận sau này nhân lúc lộn xộn khi Nguyễn Khánh làm đảo chính ở miền Nam, được tổ chức ta móc nối giải thoát. Được ra miền Bắc chữa bệnh, ông có cuốn hồi ký nhan đề “Bất khuất” in lần đầu (tháng 4/1967) trên giấy tốt là 210 000 bản.
Người viết bài này được đọc cuốn sách từ hồi ấy, nhớ mãi những anh hùng liệt sĩ chống lại sự khủng bố của kẻ thù ở Côn Đảo đến hơi thở cuối cùng như Trần Trung Tín và Lưu Chí Hiếu. nhớ mãi tấm gương giữ vững khí tiết của những người tù cộng sản trong nhà lao Mỹ - nguỵ “ Khí tiết người cộng sản như bông hoa trước ngực, hương thơm muôn thủa”.
Cuốn “Bất khuất” ra đời khi nhiều đồng chí của ông Nguyễn Đức Thuận còn nằm trong lòng địch nên không thể nói ra tên thật của những đồng chí này, cũng như những sự việc mà nếu nói ra có thể gây liên luỵ đến những quần chúng cách mạng.
Khi đọc cuốn “Mật mã đặc khu” nói về cuộc đời ông Phan Kiệm, người đọc này đã tìm đọc lại nhiều trang của cuốn “Bất khuất” (bản in năm 2013 của Nhà xuất bản Văn Học). Xin chép ra đây phần nói về “chuồng cọp” ở Côn Đảo, nơi ông Phan Kiệm cùng bị giam với ông Nguyễn Đức Thuận:
…Ngày 12/10/1959 hình thành chế độ giam hàng loạt tù ở chuồng cọp để khủng bố. Chuồng cọp từ nay thành một địa ngục khủng khiếp nhất. Ở chuồng cọp: tù ra lấy cơm, lấy nước, chúng đánh. Ngoài ra còn kiểu đánh không có giờ giấc, tuỳ thích từng thằng và sử dụng người điên làm công cụ đánh tù…Người (tù) nào ở cùng một tỉnh với bọn ác ôn thì bọn chúng đánh cho đến chết. Trong vòng 6 tháng, trung bình chuồng cọp mỗi người phải chịu ba trận đòn và từ tháng 10/1959 đến tháng 3/1960, ở riêng chuồng cọp đã có 140 anh chết, thật ra còn chết nhiều gấp bội nhưng không theo dõi được.
Đến tháng 1/1964, khi Mỹ - nguỵ buộc phải đưa ông Nguyễn Đức Thuận trở lại đất liền, số người ở chuồng cọp cùng thời với ôngchỉ còn lại 5 người.
(“Chuồng cọp Côn Đảo” - một “nhà tù trong nhà tù” của Mỹ - nguỵ còn tồn tại cho đến năm 1970. Và chỉ bị xoá bỏ khi được sự chỉ dẫn của 5 thanh niên Việt Nam yêu nước từng bị giam cầm ở đấy, hai nhà báo Mỹ là Don Luce và Jon Helmil, cùng hai Hạ nghị sĩ Mỹ August Hawkins vàWliam R.Anderson tìm ra và tố cáo trước Quốc hội Mỹ và dư luận thế giới).
Trong lao tù và trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, ông Phan Kiệm đã cùng với các đồng chí của mình chủ động đấu tranh: đấu tranh với bản thân, đấu tranh chống mọi thủ đoạn đàn áp của Mỹ - nguỵ hòng thủ tiêu lý tưởng cộng sản , thủ tiêu những người cộng sản.
Với ông và các đồng chí của ông: sống không đầu hàng địch đã là một thắng lợi. Sống để trở về với phong trào, tiếp tục hoạt động cách mạng, tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn là một chiến công tuyệt vời.
Và ông Phan Kiệm đã làm được điều đó. Từ những chỉ dẫn mà sau ngày giải phóng ông mới biết là của một cán bộ tình báo của ta, lúc đó là Trưởng ty cảnh sát Côn Đảo, ông Phan Kiệm đã tổ chức vượt ngục thành công trên chiếc tàu của Hải quân nguỵ, đưa ông từ Côn Đảo về Sài Gòn. Lúc đó, Mỹ - nguỵ đã biết ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn, đánh quỵ được ông sẽ lôi ra được hàng loạt địa chỉ, cơ sở cách mạng tuyệt mật của khu uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn. Ông trốn thoát vào rạng sáng ngày 6/1/1961 khi chiếc tàu hải quân vào đến vùng biển Cần Giờ, nơi sông Sài Gòn thông ra biển. Ở đây, lòng tin vào quần chúng, sức cảm hoá thuyết phục của ông với mội người đã giúp ông chắp nối thành công với tổ chức Đảng.
Nhưng cũng chính từ cuộc vượt ngục thành công đến mức khó tin ấy khiến ông lắm lúc phải chịu phiền toái trước sự “cảnh giác” mang tính nguyên tắc của Tổ chức Đảng. Và mội điều chỉ được làm sáng tỏ sau ngày 30/4/1975 khi chính những cán bộ tình báo giúp ông vượt ngục lần lượt ra công khai.
Trong giai đoạn ở Trung ương Cục cho đến khi được nghỉ hưu, ông Phan Kiệm tiếp tục thể hiện phẩm chất tuyệt vời của người cộng sản: tận trung với nước, tận hiếu với dân, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng giao cho, không nề hà oán trách. Trở về sống giữa thành phố mang tên Bác, ông từ chối không nhận ngôi biệt thự bề thế được phân cho, chọn một mảnh đất trong hẻm nhỉ để sống. Ông từ chối nhận những chức vụ cao mà với thâm niên và kinh nghiệm hoạt động của mình, ông có thể đảm nhận, nhường chỗ cho những đồng chí trẻ hơn, khoẻ hơn…
Ông ra đi thanh thản (7/10/1998) sau khi đã tìm được gia đình bà Bi – gia đình đã cưu mang ông sau khi ông nhảy tàu trốn thoát năm 1961. Một chút tấm lòng của người cộng sản như ông làm ấm lòng con cháu gia đình bà Bi cũng như hàng xóm láng giềng. Để lại tiếng thơm cho đời sau. Không phải cho ông mà cho Cách mạng.
Cuốn truyện ký “Mật mã Đặc khu” (n hà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2017) được viết dựa trên những trang bản thảo ông Phan Kiệm viết giành cho con cháu.
Cũng xin nói thêm là bà Phan Kiệm, tên thời con gái là Dương Kim Bằng, cũng là một chiến sĩ cách mạng. Hai ông bà gặp nhau và lấy nhau trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hai ông bà hoạt động ở hai nơi và chỉ thực sự sống bên nhau khi ông Phan Kiệm thoát khỏi ngục tù Mỹ - nguỵ, trở vể làm việc ở Trung ương Cục. Con cháu ông bà đều trưởng thành, sống theo đúng truyền thống gia đình, là những công dân có ích của xã hội.
Cuốn sách ra đời cũng là nhờ sự chú trọng đến việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay của báo Quân đội nhân dân mà Tổng biên tập Lê Phúc Nguyên là người đại diện.
Chính đồng chí Tổng biên tập đã giao cho nhà báo - Thượng tá Phan Tùng Sơn viết nhiều kỳ in trên báo Quân đội nhân dân về đồng chí Phan Kiệm và sau đó, tiếp tục tìm hiểu, gặp gỡ gia đình, bạn bè, tra cứu tài liệu…để hoàn thành cuốn sách về đồng chí Phan Kiệm “một tấm gương về long tin vào sự tất thắng của cách mạng, về đạo đức của người cộng sản, về cách sống chân thật, giản dị, chan hoà, về đức tính khiêm tốn với mọi người, với đồng chí, bạn bè…”( Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Phan Kiệm của Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh).
Đọc cuốn sách” Mật mã Đặc khu” ta càng tin yêu hơn lý tưởng mà chúng ta lựa chọn./.