Ngày sách Việt Nam: Sôi nổi hoạt động hướng đến độc giả trẻ
VOV.VN - Các hoạt động, chương trình của Ngày sách sẽ nhằm hướng đến độc giả trẻ đầu tiên, từ đó mở rộng lượng độc giả ở nhiều lứa tuổi.
Năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam. Sự kiện này mang ý nghĩa khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng, nhất là trước nguy cơ mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/ năm tại thư viện. Sẽ là cần thiết khi Ngày Sách Việt Nam đang hướng đến bạn đọc là học sinh, sinh viên và mong muốn tạo nên thói quen đọc lành mạnh, phù hợp cho đối tượng công chúng này.
Tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, bên cạnh hai hoạt động chính tại Thư viện Quốc gia (từ ngày 20- 26/4 tới tại 31 Tràng Thi, Hà Nội) và Văn Miếu Quốc Tử Giám (từ ngày 19- 20/4) là hoạt động của các nhà sưu tập sách cũ tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, diễn ra trong 1 tuần lễ, từ 19- 26/4. Rất nhiều bạn trẻ khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn có một không gian thiết thực, bên cạnh việc mua sách là tìm hiểu sách, được sở hữu những cuốn sách có chất lượng.
Trước thực trạng những Ngày hội sách và văn hóa đọc- hưởng ứng Ngày Sách và bản quyền thế giới (23/4) những năm trước mới chỉ dừng lại ở việc bán và mua sách là chủ yếu, nhiều bạn đọc ở lứa tuổi thanh thiếu niên bày tỏ nhu cầu xem, nghe và đọc kết hợp hài hòa trong không gian của Ngày Sách Việt Nam sẽ diễn ra từ 19- 23/4 mà điểm nhấn là ngày 21/4 tới.
Độc giả trẻ ở độ tuổi thanh, thiếu niên là đối tượng trọng tâm của các hoạt động Ngày sách Việt Nam diễn ra lần đầu tiên trong năm nay (ảnh minh họa: Trần Ngọc) |
Bạn Trần Thanh Huyền, sinh viên trường Đại học Văn hóa chia sẻ: “Hi vọng trong ngày hội sách sắp tới, mọi người có thể giới thiệu nhiều hơn tác phẩm của các tác giả trẻ ở Việt Nam bây giờ và sẽ có hoạt động đi sâu hơn cho các bạn độc giả, để hiểu hơn xu hướng sáng tác của Việt Nam những năm gần đây”.
Điểm qua các chương trình hoạt động tại Ngày hội sách, có thể thấy hầu hết các đơn vị tổ chức đều cố gắng thu hút độc giả không chỉ với nhiều đầu sách hay, sách mới mà còn mở rộng không gian đọc sách và không gian giải trí để lôi kéo bạn đọc tìm hiểu sách, đấu giá sách, mua lại sách cũ, sách hiếm. Cụ thể, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, bạn đọc thiếu nhi sẽ có cơ hội được giao lưu với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, bên cạnh các cuộc thi vẽ tranh, tìm hiểu kiến thức qua sách báo, các trò chơi hướng nghiệp và góc thư viện. Phạm vi không gian của ngày hội sách năm nay tập trung trong khuôn viên Văn Miếu nhưng sẽ mở rộng sang cả khu vực Hồ Văn, nhằm mục đích tạo không gian vui chơi và đọc sách.
Tại Thư viện Quốc gia, độc giả sẽ được tham dự tọa đàm, giao lưu tác giả, tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại như “Chúc một ngày tốt lành”, “Đảo”… Các bạn học sinh, sinh viên còn có thể tham gia những cuộc thi nhận diện tác phẩm, thi kể chuyện sách thiếu nhi, thi vẽ tranh theo sách, tiếp nhận và chia sẻ sách để tặng các thư viện địa phương…
Ông Nguyễn Kiểm, người viết kịch bản cho cuộc thi nhận diện tác phẩm cho biết: “Ở đây chúng tôi sẽ kết hợp với Nhà hát Tuổi trẻ để đóng vai các nhân vật tiêu biểu nhất của những tác phẩm nổi tiếng nhất, đặc biệt là những tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường. Mở đầu, chú dế mèn xuất hiện qua vai diễn của một diễn viên. Thoạt đầu người ta chưa biết đó là ai nhưng khi nhân vật đưa ra những câu hỏi, từ khó đến dễ thì bạn đọc dần dần nhận diện nhân vật của mình”.
Ông Nguyễn Kiểm, người viết kịch bản cho cuộc thi nhận diện tác phẩm (ảnh: Phương Thúy) |
Bà Kiều Thúy Nga - Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết năm nay, Thư viện Quốc gia có đổi mới việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam so với những lần tổ chức ngày hội đọc sách những năm trước đây: “Giới trẻ, đặc biệt là các em thanh, thiếu niên ở các trường phổ thông có thể đến tham dự. Các em không chỉ tham gia vào các sự kiện trong chuỗi hoạt động nhân ngày hội sách tại Thư viện Quốc gia. Tôi cho rằng, việc quảng bá tuyên truyền và trực tiếp dự thi vào ngày hội cũng là một hình thức để lôi kéo giới trẻ, thanh niên hay sinh viên các trường đại học, các trường phổ thông biết tới ngày này, biết tới văn hóa đọc, tôn vinh việc đọc sách”.
Ngày Sách Việt Nam sẽ có sự tham gia, cộng tác của sinh viên các trường đại học, các nhà xuất bản, thư viện. Hoạt động mở đầu cho Ngày Sách Việt Nam (21/4) là lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam sẽ diễn ra lúc 20h ngày 19/4 tại tượng đài vua Lý Thái Tổ. Các hoạt động hưởng ứng sự kiện này là tổ chức Ngày Sách Việt Nam trong hệ thống các trường học, thư viện, địa phương, các bộ ngành, tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương, bao gồm các hoạt động: phát động phong trào đọc sách, nghiên cứu tại thư viện trường, triển lãm sách, khuyến khích xây dựng mô hình thư viện trường học thân thiện, tổ chức các cuộc thi đọc sách gắn với hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh…
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản, in và phát hành- Trưởng ban tổ chức Ngày Sách Việt Nam khẳng định, Ngày Sách Việt Nam sẽ trở thành truyền thống, tôn vinh văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc trong cộng đồng: “Kết quả cuối cùng mà chúng ta muốn đạt được là tất cả chúng ta ai cũng yêu sách, đọc sách và coi đó là động lực phát triển của xã hội. Để có được ngày đó, chúng ta phải có những hoạt động, trong đó tôn vinh ngành, tôn vinh hành động, tôn vinh cá nhân, tập thể. Nhưng sự tôn vinh đó là để xây dựng thói quen trong cộng đồng. Do vậy, đây là ngày của toàn dân và nếu chúng ta xây dựng và tổ chức tốt thì sẽ trở thành một ngày truyền thống của dân tộc, định danh rõ bản chất của dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học, luôn hướng về phía trước”.
Chỉ còn 2 ngày nữa, Ngày Sách Việt Nam 2014 sẽ chính thức bắt đầu. Trong một tuần lễ, bạn đọc không chỉ có cơ hội tìm hiểu và chọn mua cho mình những đầu sách mới mà còn được chiêm ngưỡng những cuốn sách quý, hiếm theo chặng đường lịch sử từ cuối thế kỉ 19 đến nay. Đó là hoạt động trưng bày “Hành trình của sách Quốc ngữ Việt Nam”, giới thiệu khoảng 150 - 200 cuốn sách quý do các thành viên của Diễn đàn sachxua.net đóng góp./.