Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16: Thơ nhạt vì quá nhiều tình riêng
VOV.VN - Thơ ca phải thấm đẫm tinh thần dân tộc và mang tính nhân loại sâu sắc thì mới có sức sống và có đất sống.
Ngày 27/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) đã tổ chức Hội thảo “Thơ và những vấn đề của thơ đương đại”. Đây là hoạt động mở đầu chuỗi sự kiện của “Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI” diễn ra từ ngày 27/2- 2/3 (Nguyên tiêu Mậu Tuất 2018), hướng tới nâng Ngày thơ Việt Nam thành Ngày văn học Việt Nam hằng năm.
Hội thảo đã tập trung trao đổi xung quanh 3 vấn đề lớn: Thực trạng thơ hôm nay đang “đi lên” hay “đi xuống”? Hoạt động lý luận-phê bình thơ, xét tặng giải thưởng thơ và kết nạp hội viên thơ thời gian qua có gì bất cập? Mối tương quan hoạt động giữa 2 cực thơ “đại chúng” và “nâng cao” hiện nay như thế nào?
Thơ đã thành một thú chơi tinh thần tao nhã, rất đáng trân trọng và cổ vũ của toàn xã hội. Đã có yêu cầu xin Quốc hội tự phong nước ta là Thi quốc và phong thơ lục bát, thể thơ làm nên Truyện Kiều và được nhiều nhà thơ trong các CLB ưa dùng là Quốc thi.
Từ xưa đến nay, chưa bao giờ người mê thơ ở nước ta lại đông như bây giờ. Số người được tôn vinh là nhà thơ ước tính tới hàng chục vạn, tập trung trong các hội như Hội nhà văn của cả nước, của các tỉnh và đông hơn là trong các câu lạc bộ. Riêng câu lạc bộ thơ mang tên Việt Nam đã có tới một vạn thành viên. Lại còn trùng trùng lớp lớp các CLB cấp tỉnh thành, quận huyện, xã phường, tổ nhóm… rồi CLB thơ của các ngành nghề, các trường học, các lứa tuổi, các giới tính, các thể thơ... Các tập thơ được xuất bản nhiều chưa từng có. hàng năm, trong cả nước, dễ đến ba bốn nghìn tập…
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. |
Mở đầu buổi Hội thảo về thơ, nhà thơ, nhà phê bình thơ Vũ Quần Phương, cựu Chủ tịch Hội đồng thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn Chương của Hội NVVN Khóa IX đã tôn vinh thơ Việt như thế. Nhưng đó chỉ là sự khơi mở đề thấy Thơ trong văn chương Việt hôm nay nhìn vậy mà không phải vậy.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, thơ Việt Nam đương đại hội tụ cả 3 đặc điểm: Đa dạng hóa, tập trung hóa và kết tinh hóa. Ba đặc điểm này đồng hành, tương hỗ và “đấu tranh” với nhau để làm nên đời sống thơ ca phong phú nhiều cung bậc. Và nếu có chăng sự “lạm phát” thơ thì cũng không cần phải lo lắng nhiều, bởi tự thân của “phong trào” này sẽ thanh lọc và lắng đọng. Có cái Mới nhưng không Hay, nhưng thơ đạt đến Hay thì luôn luôn Mới. Thơ Hay là thơ chinh phục được lòng người, neo lại với lòng người. Nếu không, thì đó chỉ là mốt, là thời thượng và dần dần sẽ tự đào thải.
Chưa có thời kì nào VHNT nói chung nhiều giải thưởng như thời kỳ này. Riêng Thơ cũng vậy, đủ các loại giải: Giải hàng năm của Hội, Giải định kỳ của Nhà nước, Giải theo tuổi nghề, theo địa phương, theo đề tài, theo các cuộc thi nhiều cấp bậc... Ai chưa được giải dù cả đời theo đuổi nghiệp văn chương thì được giải công lao của sự kiên trì. Đấy là thiện ý của các nhà quản lý văn chương không muốn để sót một ai. Nhưng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nhiều quá, phổ cập quá, nên sức hấp dẫn của giải văn chương nói chung, Thơ nói riêng ngày càng hao hụt và sức thuyết phục của giải cũng mòn dần. Và khi nhìn vào thực chất thì thấy rõ một khoảng trống của Thơ.
Trong năm 2017, rõ ràng thi ca đang mất mùa vì giải thưởng Hội NVVN không có thơ, Giải thưởng Hội NV Hà Nội không trao cho thơ và Giải thưởng Hội NV TP.HCM cũng không có giải thưởng chính thức cho thơ, chỉ có tặng thưởng cho mấy tập thơ, nhưng sau đó có tập lại bị kiện vì có dấu hiệu đạo thơ.
“Có một thực tế ai cũng nhận ra trong quá trình xuất bản thơ những năm gầy đây, thơ hay quá ít, mà thơ dở lại quá nhiều. Trong khi đó, số người làm đơn xin gia nhập Hội NVVN ở trung ương và các tỉnh, thành ngày một đông đảo, hùng hậu. Có thể nói người làm thơ hôm nay quá nhiều, tình trạng in thơ ở các nhà xuất bản đang ở tình trạng “lạm phát thơ dở”, bùng nổ thơ dở nên thơ không bán được và chủ yếu thơ in ra là để giao đãi, tặng nhau”- Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Trong khi nhiều nhà thơ hăng hái cách tân hình thức thì lại rất quanh quẩn về nội dung. Bây giờ, gần như không còn những đề tài cấm kỵ trong thơ như trước đây thì xem ra, thơ tình quanh quẩn lại lên ngôi, trong khi dòng thơ thế sự giảm hẳn. Theo nhà thơ Vương Trọng: “Hàng ngàn tập thơ xuất bản mỗi năm nhưng hầu hết chỉ nói nỗi riêng của nhà thơ chứ mấy bài nói chuyện lớn của đất nước”.
“Tôi có cảm giác, một số tác giả thơ trẻ hiện nay đang coi trọng, đề cao việc tìm kiếm cái lạ và biểu đạt cái người khác chưa dám nói tới hoặc né tránh. Dù vậy, hãy còn đó những khoảng trống lặng lẽ trong thơ ca. Có thể kể đến một trong những nhược điểm lớn của khá nhiều người viết hôm nay là thơ của họ thường quay lại với đời sống cần lao, khó nhọc, lấm láp, cay cực của người dân ở những miền quê nghèo khó. Giữa bộn về cuộc sống, tiếng thơ về nhịp đập thành thị xem chừng đang nổi trội hơn những thanh bình, yên ả của đời sống nông thôn…”- Nhà thơ Thanh Thảo
“Về phê bình lý luận thơ. Chuyện này cũng nhiều lý thú. Các thày ở trường bồi dưỡng viết văn thường có nhận xét nghe vui, nhưng không biết có là thật không: Năm đầu vào học nhiều em chọn bộ môn thơ. Năm thứ hai một số chuyển sang văn xuôi. Năm cuối xem chừng gần hết cả lớp đều muốn trở thành nhà phê bình. Không biết có phải vì tâm lý ấy mà các nhà phê bình thơ và các bài phê bình thơ cứ phát triển đều đặn. Giọng điệu phê bình chung là biểu dương, ca ngợi, có khi ca ngợi đến hêt lời. Thi hữu thi huynh đôi bên đều vui chỉ có bạn đọc là hoang mang, rồi nghi ngờ, rồi tự bảo vệ mình là không đọc nữa. Thế là cả phê bình thơ lẫn thơ đều mất khách..”- Nhà thơ Vũ Quần Phương.
Thơ đương đại phải tìm cho mình con đường đi để thiết lập những giá trị về nghệ thuật thi ca hiện đại, chỉ có thế mới thật sự có được những gương mặt thơ mới tiêu biểu, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền văn học đương đại. Nhưng đổi mới thơ không có nghĩa là tiến đến một thứ thơ không mang lại gì cho chúng ta ngoài sự mù mờ, rắc rối đến nỗi không cắt nghĩa nổi một cảm xúc, không khắc họa được hình ảnh để từ đó xây dựng nên một cách sáng rõ và nhân bản hơn những hiện tượng nằm trong phạm trù ý thức và vô thức của mỗi cá thể sống.
“Đổi mới- cách tân thơ đang được hay mất?”, thực tế cho thấy là Được nhiều hơn Mất. Cái được lớn nhất là tạo ra một không khí dân chủ trong sáng tạo và tiếp nhận, “quyền làm thơ” và “quyền đọc thơ” của nhà thơ và bạn đọc được phát huy, mở rộng tối đa. Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội NVVN, chia sẻ: “Có những cái Mới nằm ngay trong cái Cũ. Chẳng hạn thơ Lục Bát hôm nay có những giọng điệu rất mới và có sức chở rất lớn, đó là những đặc tính chưa có trong ca dao, thậm chí trong Truyện Kiều. Dân tộc Việt Nam có nguồn cội, có truyền thống và chúng ta phải “đổi mới- cách tân” trên nền tảng truyền thống ấy, đừng để đất nước thành bãi rác thải văn hóa ngoại lai. Nhà thơ làm “phu chữ” là tìm kiếm hồn chữ, chứ không phải chỉ để sắp xếp những câu chữ lạ bên nhau. Văn học nói chung và thơ ca nói riêng phải phấn đấu để trở thành Văn Hóa của dân tộc. Đó mới là cái đích cao cả mà các nhà thơ phải phấn đấu”.
Sứ mệnh của thơ ca có lẽ phải hướng đến cuộc đối thoại của con người với thời đại của họ. Thơ ca phải thấm đẫm tinh thần dân tộc và mang tính nhân loại sâu sắc thì mới có sức sống và có đất sống. Điều đó đòi hỏi nhà thơ trước hết phải là một công dân trách nhiệm. Và đất nước, cộng đồng phải là mối quan tâm lớn nhất của nhà thơ./.