Nhà thơ Hồng Thanh Quang ra mắt "Nỗi buồn tốc ký"
VOV.VN - Mạnh mẽ, dào dạt, tuôn chảy…tính cách nhà thơ Hồng Thanh Quang in đậm trong hai tập “Nỗi buồn tốc ký” vừa ra mắt bạn đọc.
Bốn năm sau khi phát hành tập thơ “101 Bài thơ tình”, nhà thơ Hồng Thanh Quang cùng một lúc in hai tập thơ “Nỗi buồn tốc ký” (NXB Hội Nhà Văn, 2013).
Trong buổi gặp gỡ với các phóng viên sáng 29/10, nhà thơ kể rằng, từ gợi ý của bạn bè, lúc đầu cũng chỉ định in tập thơ 100-200 trang, nhưng khi tập hợp bản thảo thì không ngờ tới 900 trang, thế là in liền hai tập, và đã in phải "đẹp, đàng hoàng".
Nhà thơ Hồng Thanh Quang trong buổi họp báo giới thiệu "Nỗi buồn tốc ký" |
Có lẽ thời gian của mỗi người ngày càng eo hẹp, nên giờ đây, nhà thơ chỉ có thời gian viết trên máy tính. Hồng Thanh Quang có thói quen viết trên Facebook, thói quen viết giữa đám đông luôn gây hưng phấn cho sự sáng tạo trong anh.
Hồng Thanh Quang viết thẳng lên Facebook và đăng tải thơ theo dạng status, có những khi đã viết, đã “trình làng” thì không thể sửa lại. Lắm khi, tay anh run lên vì tốc ký, bởi ngôn ngữ thơ chảy tràn trong não nhanh hơn cử động của mười đầu ngón tay. Và ngay sau đó, mỗi bài thơ nhận được hàng trăm, có khi đến nghìn lượt yêu thích (like) trong thời gian rất ngắn, cùng ý kiến phản hồi của bạn đọc. Một sự tương tác thú vị, nhưng không làm anh ảo tưởng về thị hiếu đám đông. Có lẽ đó là đặc điểm của thời @ chăng?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thích cái tên tập thơ “Nỗi buồn tốc ký”, bởi nó vừa phản ánh hoàn cảnh mang tính thời đại, sự gấp gáp về thời gian, nhưng con người vẫn luôn luôn đối mặt với nỗi buồn, và nỗi buồn không thể tan nhanh.
Đọc “Nỗi buồn tốc ký” thấy tốc độ sáng tác thơ của Hồng Thanh Quang thật khó có người theo được. “Nỗi buồn tốc ký 1” dày gần 400 trang, có 354 bài được lựa chọn từ 700 bài mà nhà thơ đã sáng tác trong một năm trở lại đây. “Nỗi buồn tốc ký 2” còn dày dặn hơn, gồm 433 bài, viết trong thời gian 30 năm, bắt đầu từ bài thơ tình đầu tiên từ năm 1979, với 4 khúc ca: "Em trong ngày đã khuất/ Em trong ngày đang qua/ Em trong ngày sắp tới/ Anh đều yêu/ Xót xa!...".
Bài thơ tình dành tặng cho “Vầng mặt trời tuổi học trò” với tình cảm thi vị đầu đời tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, là điềm báo cho một trái tim tình si, vướng víu muôn ngàn câu chuyện tình, thường mang phong vị buồn đa cảm.
Tập thơ "Nỗi buồn tốc ký" |
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, "thơ Hồng Thanh Quang là da diết và khắc khoải. Da diết trong giọng điệu. Khắc khoải trong tâm trạng. Đọc thơ anh có cảm giác như bài thơ nào anh cũng vắt kiệt mình mà viết, cảm xúc cứ ùa ra chảy tràn câu chữ, dù câu chữ trong thơ anh thường là ngay hàng thẳng lối của những thể thơ quen thuộc, nhưng rồi độc giả bị hút theo dòng chảy cảm xúc tâm trạng của nhà thơ tưởng hụt hơi ở bài thơ này thì anh lại cho người đọc được đầy tràn bằng bài thơ khác. Cứ thế miên man, nồng nàn những cung bậc tình yêu, tình đời trong thơ Hồng Thanh Quang".
Cũng theo Phạm Xuân Nguyên, năm nay, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã qua tuổi ngũ thập: "Hai hai tập thơ dày dặn của anh ra mắt lúc này cũng giống như "nửa đời nhìn lại", để nhìn lại mình và tri ân giao cảm với độc giả, với bạn bè đã yêu thơ mình, đọc thơ mình, đây là một hành động rất văn hoá".
Nhưng nhà thơ Hồng Thanh Quang lại không cho rằng anh có sự tổng kết nửa đời thơ của mình. Với nhà thơ Hồng Thanh Quang, làm thơ là lẽ sống: “Mỗi ngày với tôi là một ngày lao động. Đánh dấu một ngày bằng những bài thơ. Rồi đến ngày nhận ra công việc chính mình đang làm chỉ là sự thêm vào trong cuộc sống thơ". Và anh luôn cho rằng "phải đối xử với thơ như một người tình".
Khi làm thơ, Hồng Thanh Quang cho rằng những câu thơ "sinh ra trong vô thức, nó cứ bật ra, tràn ra không cưỡng nổi. Khi đã làm xong anh không có thói quen sửa lại". Và chính vì thế, tác giả tự nhận thấy những bài thơ của anh còn "đầy rẫy những khiếm khuyết, nhưng tôi yêu trọn sự không hoàn thiện ấy".
Hồng Thanh Quang chú trọng ghi lại cảm xúc của mình, chứ không quan tâm đến nghệ thuật thơ. Có lẽ một ý thơ xuất hiện trong đầu là anh cứ thế mà viết, theo cảm xúc chảy tràn từ câu đầu đến câu cuối. Anh không chú ý đến việc đặt tên, hay chỉnh sửa câu chữ. Có lẽ vì thế mà đọc hai tập thơ “Nỗi buồn tốc ký”, thì thấy hầu hết tên các bài thơ là câu đầu tiên trong bài thơ ấy.
Nhạc sĩ Phú Quang, một người anh thân thiết của nhà thơ Hồng Thanh Quang từ nhiều năm nay, người phổ hàng chục bài thơ của Hồng Thanh Quang quý nhà thơ từ chính sự chân thành trong cảm xúc thơ.
“Hồng Thanh Quang có sự hồn nhiên, niềm vui và nỗi buồn hồn nhiên đầy chất người, mà cái cuối cùng của nghệ thuật là đến với con người. Tôi yêu sự hồn nhiên ấy, thơ của anh ấy là những điều rất thật. Thông thường những bài phổ thơ Hồng Thanh Quang tôi viết rất nhanh, trong vài giờ thôi, vì tôi cộng mấy chục năm cảm xúc trong tôi với mấy giờ ấy.” - Nhạc sĩ Phú Quang nói.
Để kỷ niệm cho sự ra đời của tập thơ và như tác giả nói "để tôn vinh giá trị thơ ca nói chung", nhà thơ Hồng Thanh Quang với sự giúp đỡ của các bằng hữu, sẽ tổ chức đêm thơ - nhạc mang tên: "Tôi đã quên mình chỉ đề nghĩ về em". Chương trình ra mắt tập thơ “Nỗi buồn tốc ký” và biểu diễn các các khúc được phổ nhạc từ thơ Hồng Thanh Quang sẽ diễn ra vào 20h ngày 7/11 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chương trình do nhạc sĩ Phú Quang dàn dựng, trong đó nhạc sĩ sẽ hát một bài hát do ông phổ nhạc từ thơ Hồng Thanh Quang. Chương trình còn có sự tham gia của các nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Anh Ngọc, NSND Lê Khanh, NSƯT Quang Lý, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Tấn Minh, Hằng Nga, Tuấn Hiệp, Đàm Vĩnh Hưng, Nhật Thủy…
Đêm nhạc sẽ cho người xem sự cảm nhận thú vị về sự gặp gỡ giữa thơ và nhạc. Còn nhà thơ Hồng Thanh Quang thì chỉ mong, những lứa đôi đến với đêm thơ sẽ thấy mình thêm yêu thương, trăn trở vì nhau./.