Nobel Văn học 2013: Một thiên tài tĩnh lặng
Lần đầu tiên giải Nobel Văn học được trao cho tác giả truyện ngắn. Nó đã đưa Canada ra khỏi “cơn khát” kéo dài 113 năm.
Alice Munro đã biết mình muốn làm nhà văn từ tuổi thiếu niên một cách tình cờ. Năm 2012, bà nói với tờ New York Time: “Bao nhiêu năm rồi tôi cứ ngỡ truyện ngắn chỉ là việc thực tập cho đến khi tôi có đủ thời gian để viết một cuốn tiểu thuyết. Rồi tôi nhận ra rằng tôi chỉ viết được truyện ngắn mà thôi và tôi giáp mặt với việc đó. Tôi đồ rằng việc tôi cố đưa thật nhiều vào truyện ngắn là một sự bù lỗ”.
Nhà văn Alice Munro. Ảnh: Ben Dolnick |
Có mẹ là cô giáo dạy học và cha là một người săn chồn, sau khi xong bậc trung học, Alice Munro theo ngành báo chí và Anh ngữ tại Đại học miền Tây Ontario, nhưng bỏ ngang để kết hôn năm 1951. Cùng với chồng bà định cư ở Victoria, mở một tiệm sách. Munro khởi sự viết khi còn niên thiếu, bắt đầu đăng truyện trong nhiều tạp chí từ đầu thập niên 1950 nhưng đến năm 1968 mới xuất bản cuốn đầu tiên - tuyển tập truyện ngắn "Dance Of Happy Shades" (Điệu vũ của những bóng râm hạnh phúc), được chú ý ở Canada. Năm 1971 bà xuất bản tuyển tập truyện ngắn "Lives Of Girls And Women" (Đời những cô gái và đàn bà) được các nhà phê bình mô tả như một tiểu thuyết về sự thành nhân.
Munro được đánh giá cao với lối kể chuyện tinh vi và hiện thực về tâm lý. Một số nhà phê bình xem bà như Chekhov của Canada. Truyện ngắn của bà thường lấy khung cảnh là những thị trấn nhỏ - nơi phải phấn đấu để có một sinh hoạt được xã hội chấp nhận - thường đưa đến hậu quả là những mối tương giao căng thẳng và tranh chấp về đạo lý, những vấn đề bắt nguồn từ những khác biệt giữa các thế hệ và những tham vọng đụng độ nhau. Munro thường mô tả những việc xảy ra thường ngày nhưng mang tính quyết định, một thứ hóa thân soi sáng câu chuyện bao quanh và để những câu hỏi về sinh tồn xuất hiện trong ánh chớp.
Tác phẩm "Trốn chạy" (Nhã Nam & NXB Văn học, 2012) do Trần Thị Hương Lan dịch từ Runaway (2004) đã thành tập truyện đầu tiên của Alice Munro có bản tiếng Việt. |
Tuy nhiên, các vị Hàn lâm Thụy Điển có những chiến thuật kiểu tiểu thuyết trinh thám, cương quyết giữ bí mật đến phút chót và dùng những biện pháp như mã hóa tên tác giả, sử dụng bìa giả cho những cuốn sách mà các bồi thẩm đọc khi ra công chúng. Sáng 7/10, thư ký thường trực của Hàn lâm viện Thụy Điển, Peter Englund, viết trên mạng cá nhân: “Chúng tôi đã quyết định xong”, nhưng không tiết lộ. Người ta chỉ nghiêng về việc tiên đoán người được giải lớn tuổi và là nữ.
Trong văn học, rất hiếm tài năng trẻ tuổi mà có tác phẩm tầm vóc. Nếu cộng tất cả những nhà văn được giải Nobel cho tới nay thì tuổi trung bình là 64. Hai người nhận giải trẻ tuổi nhất là Rudyard Kiping (42 tuổi năm 1907) và Albert Camus (44 tuổi năm 1957). Ngược lại với tài năng toán học cũng như âm nhạc phát lộ rất sớm và các phát kiến căn bản thường xảy ra trước tuổi 30. Có thể giải thích phần nào lý do vì toán học và âm nhạc ít bị tùy thuộc vào nền tảng văn hóa và trải nghiệm nhân sinh như văn học.
Trong 60 năm đầu của giải thưởng này, do cách hiểu và giải thích câu “lý tưởng nhân đạo” trong di chúc của Alfred Nobel một cách hạn hẹp nên các tác giả được chọn phần nhiều nghiêng về những giá trị bảo thủ và truyền thống phương Tây, tránh né những chủ trương quá khích. Vì vậy mà có sự thiên lệch cho châu Âu và châu Mỹ, cho phái nam và cho những quan niệm chính thống. Trong 113 năm của giải Nobel, Ấn Độ có một giải (Tagore, 1913), Trung Quốc có 2 giải (Cao Hành Kiện, 2000, Mạc Ngôn, 2012), phụ nữ có 13 giải nếu kể cả Alice Munro, trong đó 7 người nhận được giải kể từ năm 1991, còn 6 người kia chia cho 90 năm.
Bậc thầy của truyện ngắn đương đại
Trong thông báo của Ủy ban Nobel về giải văn học năm nay có một nhận xét thuộc diện ngắn nhất từ xưa đến nay: “Bậc thầy của truyện ngắn đương đại”.
Bởi vì đây là lần đầu tiên Nobel vinh danh một người chỉ sáng tác truyện ngắn. Một cuốn của Alice được ghi là tiểu thuyết, "Đời những cô gái và đàn bà" thực ra chỉ là gồm những truyện ngắn trọn vẹn nhưng liên kết với nhau thành chuỗi. Từ trước tới nay giải Nobel Văn học thường chỉ đề cao các nhà thơ, các nhà tiểu thuyết và thỉnh thoảng hiếm hoi các nhà viết sử, các triết gia, và các nhà văn hóa tổng quát.
Alice Munro là nhà văn còn sống nhưng có nhiều triển vọng nhất để được đọc trong 100 năm nữa - đánh giá của phê bình gia Mona Simpson.
Alice Munro được coi như bậc thầy trong việc mổ xẻ những tế vi của lòng người. Không phải những đại tự sự kiểu Tolstoy hoặc Dostoievski. Không phải những bức tranh toàn cảnh về xã hội tư sản thế kỷ 19 như Balzac. Hoặc cõi nội tâm miên man với ký ức và cảm xúc như Proust. Hoặc hoạt cảnh hàng bao thế kỷ, qua một cây cầu trên sông Drina như Ivo Andric…Truyện ngắn của bà đa phần dựa vào kinh nghiệm bản thân để mô tả một cách cổ điển và hiện thực về cuộc đời đàn bà, con gái; những vấn nạn trưởng thành, những eo sèo của ái tình và con cái, nội trợ và xã giao.
Bà xáo trộn thời gian và không gian, ký ức và thực tại, nhưng tất cả đều nằm trong khuôn khổ ngữ pháp của cuộc sống thường ngày. Người ta không gặp ở đó những phiêu lưu bất ngờ, những tưởng tượng huyền ảo, hoặc những kích thước hoành tráng. Tuy nhiên, đó là chất hiện thực của đại đa số nhân loại./.