Nhà văn Kafka và cái nhìn mới qua “văn học thiểu số”
VOV.VN - Franz Kafka là nhà văn lớn của thế kỷ XX, ông cũng được coi như là "tiên tri" cho những dự báo về đời sống chính trị - xã hội.
Từ tháng 10/2013, bản dịch Tiếng Việt cuốn sách “Kafka – Vì một nền văn học thiểu số” của 2 tác giả Gilles Deleuze và Felix Guattari do NXB Tri Thức phát hành, đã chính thức ra mắt với những người yêu triết học và văn học tại Việt Nam, mặc dù bản gốc cuốn sách đã ra đời vào năm 1975. Đây cũng là lần thứ 2 độc giả Việt Nam có dịp được tiếp cận với bản dịch Việt ngữ từ tác phẩm của Deleuze, một trong những nhân vật lớn, có nhiều sức ảnh hưởng của triết học Pháp đương đại.
Bìa cuốn sách "Kafka - Vì một nền văn học thiểu số" |
Franz Kafka (1883 – 1924) là một trong những nhà văn tiếng Đức lớn của thế kỷ XX. Người ta không coi ông là một những nhà văn vĩ đại mang quốc tịch Đức, nhưng ông lại là người có đóng góp to lớn đối với nền văn học Đức cũng như “nền văn học thiểu số” trên thế giới. Nhà văn Kafka là một người gốc Do Thái, sinh ra ở Czech, viết văn bằng tiếng Đức, nhưng lại qua đời ở Áo. Cuộc sống của ông chỉ ngắn ngủi có 41 năm, nhưng cuộc sống và sự nghiệp văn chương thăng trầm ấy đã tạo nên niềm tự hào đa quốc tịch. Trong hai ngày văn học Châu Âu diễn ra ở Hà Nội vào tháng 5/2013, người ta vẫn nhắc tới ông bên cạnh tên tuổi của những nhà văn tiêu biểu của Châu Âu.
Được biết đến qua các tác phẩm như “Vụ án”, “Lâu đài”, “Hóa thân”, “Thư gửi bố”… người đọc dễ nhận thấy phong cách viết của Kafka mang đậm không khí ám ảnh, tàn bạo của một xã hội phi nhân cách thuộc chế độ quan liêu. Trong bối cảnh ấy, hy vọng của con người cứ nhen nhóm hàng ngày nhưng mặt khác lại phải đối mặt với những phi lý của đời sống xã hội. Những tác phẩm của ông thường là sự lột tả về con người bị chối bỏ và loanh quanh với sự lẩn trốn để tìm kiếm tự do.
Vì thế, một đặc trưng trong tác phẩm của Kafka, đó là tính chính trị. Ông không đề cập một cách trực tiếp mà luôn gắn các vấn đề cá nhân với các vấn đề xã hội để bày tỏ quan niệm. Trong đó, vấn đề về gia đình mà Kafka từng đề cập trong tác phẩm của mình như “Thư gửi bố”, được coi là mở đầu về sự dự báo cho những vấn đề xã hội. Thậm chí, có học giả còn coi ông như một “nhà văn tiên tri” về khả năng dự báo và sớm nêu ra những phi lý, bất cập tồn tại trong sự phát triển ngày càng cao của một xã hội. Vì thế, Kafka là nhà văn không chỉ có sức ảnh hưởng trong văn chương mà còn là đối tượng nghiên cứu của các học giả thuộc lĩnh vực triết học, chính trị, phân tâm học…
Nhà văn Franz Kafka |
Nhưng dịch giả Từ Huy đồng thời khẳng định điều đó không làm nên tính biệt lập hoàn toàn cho những tác phẩm thuộc thể loại này, mà thực chất nó vẫn mang giá trị tập thể. “Văn học thiểu số” luôn được đánh giá là bộ phận của mọi cuộc cách mạng trong những nền văn học lớn. Tác phẩm “Kafka – Vì một nền văn học thiểu số” cũng thể hiện ý nghĩa quan trọng về sự phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa với các nền văn học lớn – nhỏ./.