Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi ủng hộ trao giải cho Bùi Việt Sỹ

VOV.VN - "Đó là cuốn sách khá nhất viết về lịch sử trong cuộc thi này cũng là cuốn sách khá nhất trong 4 cuốn tiểu thuyết gần đây của cá nhân Bùi Việt Sỹ".

Vừa qua cuốn sách "Chim ưng và chàng đan sọt" của nhà văn Bùi Việt Sỹ đoạt giải C của giải Sách Hay báo chí. Ngay lập tức có dư luận phản đối. Người ta photo một trang sách trong đó có gần 200 từ mô phỏng cảnh ái ân của một nhân vật và kêu ầm lên rằng: Bùi Việt Sỹ xúc phạm lịch sử bôi nhọ Trần Khánh Dư. Bùi Việt Sỹ viết sách dâm tục.

Vậy cuốn tiểu thuyết "Chim ưng và chàng đan sọt" được tác giả viết như thế nào và thực chất nó có như kết luận trên không? Với tư cách một nhà văn tôi thấy có trách nhiệm cần lên tiếng, trước hết nhằm góp một tiếng nói về cách đọc hiểu sách sao cho nghiêm ngắn, nhất là khi cách đây 2 năm BCH HNV Việt Nam đã trao cho tác phẩm giải B, không có giải A trong cuộc thi Tiểu thuyết vừa qua.

Bìa tiểu thuyết "Chim ưng và chàng đan sọt".

"Chim ưng và chàng đan sọt" là cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử trong giai đoạn chống quân Nguyên Mông, đại thắng chúng ở lần thứ Hai của lịch sử nước nhà. Nhân vật chính là danh tướng, không phải tôn thất nhà Trần, xuất thân từ nông dân và quanh “người đan sọt ấy" là hệ thống  các nhân vật phụ trong đó có Trần Khánh Dư.

Bùi Việt Sỹ bằng tài năng của mình đã tạo ra được cuốn sách khá hấp dẫn, không chỉ vẽ lên được hào khí của một thời oanh liệt mà thông qua nhân vật Phạm Ngũ Lão đề cao được vai trò của những tướng lĩnh tài ba không phải thuộc tôn thất nhà Trần. Tác giả có nhiều sáng tạo trong quá trình cấu trúc tình cảnh và hệ thống  nhân vật, đặc biệt tạo nên một hình tượng khá đẹp, khi xây dựng nhân vật chính, ngay từ cách đặt tên của tiểu thuyết, lại nói rõ được một chân lí trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, tôn vinh sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp đó mà điển hình là nhân vật chính Phạm Ngũ Lão.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Ảnh: Vũ Toàn.

Đó là lí do quan trọng nhất để tác phẩm vinh dự nhận giải B (chứ không phải giải A) trong cuộc thi tiểu thuyết kết thúc vào năm 2015. Trong mặt bằng văn học hiện nay, cá nhân tôi đồng thuận với BCH HNV VN khi trao giải. Nó là cuốn sách khá nhất viết về lịch sử trong cuộc thi này cũng là cuốn sách khá nhất trong 4 cuốn tiểu thuyết gần đây của cá nhân Bùi Việt Sỹ.

1-Trước hết, nói về nhân vật phụ Trần Khánh Dư, khi Bùi Việt Sỹ dựng lại quan hệ giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy để có đoạn "sex" giữa hai người mà phê phán ông Sỹ bôi nhọ nhân vật anh hùng lịch sử là không đúng.

Sách chính sử nhiều bộ đều ghi rõ nhân vật Trần Khánh Dư. Ông là vị tướng có tài đã đánh tan đội quân hậu cần của quân Nguyên Mông, góp phần rất quan trọng cho nhà Trần đại phá quân Thanh lần thứ 2. Nhưng sách sử cũng chép lại rõ ràng rằng Trần Khánh Dư lắm tật. Vì tư thông với công chúa Thiên Thụy nên ông đã bị vua Trần quở phạt rất nặng (1) nếu không có công lớn và không phải tướng tài, lỗi ấy sẽ bị đánh đòn tới chết.

Như vậy, khi xét về việc nhà văn quan hệ với chính sử, Bùi Việt Sỹ đã không bịa đặt cho nhân vật lịch sử mà chỉ làm rõ thêm tính hai mặt  của một nhân vật lịch sử, có tài và có tật. Nói, vì chi tiết mô phỏng "sex" của hai nhân vật nói trên, rằng “Bùi Việt Sỹ xúc phạm lịch sử bôi nhọ Trần Khánh Dư" là cách nói thiếu thận trọng khi phán xét trách nhiệm và quyền năng của nhà văn viết về nhân vật lịch sử. Chỉ ra những mặt trái của một vị tướng thuộc dòng tôn thất nhà Trần, Bùi Việt Sỹ có cái để mà so sánh nhận diện thêm tính  tích cực của nhân vật chính, danh tướng xuất thân từ nông dân Phạm Ngũ Lão. Cũng là thêm một lần cùng tiền nhân phê phán tình trạng hôn nhân, luyến ái phản đạo lí của Nhà Trần. (2).

Viết về nhân vật lịch sử, nhất là các nhân vật đã sáng tỏ trong chính sử, nhà văn không có quyền đổi trắng thay đen, nhưng có quyền tạo ra, dựng lên các chi tiết, nhằm làm rõ hơn những khuất lấp của lịch sử. Như thế mới cần tới vai trò của nhà văn khi nhìn lại lịch sử. Chính sử không ghi chi tiết cảnh tư thông giữa Trần Khánh Dư và công chúa, nhưng khi chính sử xác lập việc tư thông đến bị phạt tội của Trần Khánh Dư, thì Bùi Việt Sỹ có quyền dựng, mô phỏng chi tiết một sự thật. Đấy là quyền năng thuộc về nhà văn trong nghệ thuật cấu trúc tiểu thuyết.

2- "Sex" vốn là bản năng của con người. Nó là một động lực rất lớn có thể tạo ra vẻ đẹp của con người mà cũng là động lực khó kiểm tỏa mà tạo ra điều đáng trách. Trong sự đổi mới hiện nay của văn học, nhiều nhà văn trong và ngoài nước đã mạnh dạn đặt "sex" vào trang văn để nhìn nó một cách trực diện không né tránh. Sự cởi mở trong quản lí văn hóa đã giúp nhà văn có nhiều trang văn không né tránh "sex", chính là giúp bạn đọc quan sát nó cận với sự thật của đời sống con người vốn không thể không có "sex".

Nhà văn viết "sex" không phải để thỏa mãn dục vọng. Những trang "sex" có giá trị, cần có trong văn chương phải được cảnh tình, cảnh huống, tự nó đòi hỏi một cách logic, nó là một phần cần để làm rõ thêm nhân vật nào đó trong cấu trúc hệ thống nhân vật. Điều này quan trọng khi nhà văn muốn truyền đạt một thông điệp mang tính tư tưởng của tác phẩm. Đây là một trong các quyền năng quan trọng của nhà văn trong nghệ thuật cấu dựng tiểu thuyết hay truyện ngắn.

Trong tác phẩm "Chim ưng và chàng đan sọt", nhà văn Bùi Việt Sỹ có một trường đoạn 1/3 trang tả cảnh truy hoan giữa Trần Khánh Dư và Thái Thụy.

Thứ nhất, xét về tâm lí nhân vật của cảnh huống tiểu thuyết tác giả có lí. Bởi sự tư thông khuất lấp của con người bao giờ cũng mãnh liệt nhất. Bản năng thúc đẩy người ta như thế. Trần Khánh Dư là một danh tướng sức khỏe hơn người thì việc tạo dựng "sex" với những đoạn như thế cũng hợp lí và tự nhiên như con người vốn thế.

Điều thứ hai khi bàn tới quyền năng của nhà văn, để làm tỏ hơn Trần Khánh Dư ở tính hai mặt, có tài và có lỗi với vua tôi nhà Trần, việc tư thông như vậy sao lại cấm nhà văn "cận cảnh". Mỗi một nhà văn có cách riêng để nhằm tạo nên cái riêng của giọng văn cần thiết, sao bắt buộc nhà văn phải tạo dựng một trường đoạn thật nhẹ nhàng đẹp đẽ như các mối tình trong sạch. Tính cách ấy không phù hợp với mặt trái của chính sử đã ghi về Trần Khánh Dư và thực không phù hợp với chủ ý của Bùi Việt Sỹ khi xây dựng, tái tạo lại nhân vật này.

Tôi cho rằng đoạn tả "sex" nói trên là cần và có tính logic, tính thống nhất khi tạo dựng nhân vật. Cũng nói luôn rằng cách tả "sex" của nhà văn Bùi Việt Sỹ cần mà chưa giỏi. Ở nhiều cuốn sách của ông, "sex" luôn bị lặp lại. Song đấy lại là sự hạn chế của chữ nghĩa chứ không thuộc về quyền năng cùa nhà văn để phê phán ông làm ra một "dâm thư".

Đánh giá một cuốn sách, nếu chỉ đọc gần 200 chữ mà áp đặt cho một nhà văn là cách nhìn hời hợt. Không đọc kĩ lịch sử trong nhiều trang chính sử đã vội vã kết luận Bùi Việt Sỹ bôi nhọ lịch sử là thiếu tôn trọng lao động  của nhà văn.

Phán xét 1 cuốn sách, nhất là dùng cụm  từ Dâm Thư và Bôi Nhọ gán cho 1 cuốn sách, một tác giả, là cách quy nạp sơ khai, tự nhiên chủ nghĩa, thiếu sự sâu sắc. Bởi đơn giản rằng, sự lao động của nhà văn, dù một chi tiết bao giờ cũng được cấu trúc từ những hệ thống chủ định liên quan trong cảnh tình, cảnh huống nhằm tạo ra hệ thống nhân vật. Vì thế khi dựng lên bất cứ chi tiết nào, nhà văn có quyền đẩy tới tận cùng "một dị bản của sự thật mà dựng cho như thật".

Và, khi dưới những chủ tâm như vậy, thì mọi sự đều cho phép ngòi bút sáng tạo "vung múa trong uy quyền của nhà văn". Còn như 1 chi tiết được tạo mà thiếu một chủ ý, tách rời chủ thể mà nhà văn mô phỏng, kể chỉ để mà kể, cụ thể ra ở đây là: Không làm sáng tỏ nhân vật mà nhà văn tạo dựng ra, thì chi tiết ấy thô thiển, thậm chí thô bỉ. Gần 200 từ mô phỏng "sex" của Bùi Việt Sỹ không cho những ai có cái nhìn tổng thể thấy một chữ ghê tởm.

"Chim ưng và chàng đan sọt" hoàn thành in ra sách từ 2014. Năm 2015 tổng kết cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015, tác phẩm được Hội Nhà Văn VN trao giải B. Và từ đó, chưa có bất kì nhà phê bình văn học nào phê phán cuốn sách là dâm thư cả. Chỉ tới nay, khi giải báo chí 2018 trao cho Bùi Việt Sỹ giải C Sách hay, dư luận mới ồn lên. Vậy thực chất của vấn đề ở đâu? Đó là một câu hỏi làm tôi nhức nhối./.

Chú thích:

1-2: Việt Sử Tiêu Án (Ngô Thì Sỹ) thấy cụ viết đoạn về Trần Khánh Dư thế này: "...Cử Trần Khánh Dư làm Phó Đô Tướng quân. Trước kia Nguyên sang xâm nước ta, Khánh Dư thừa lúc bất ngờ tập kích, Thượng hoàng khen là người có trí và thao lược, phong làm Thiên tư nghĩa dũng , sau vì tư thông với Thiên Thụy Công chúa, vì tội ấy mà bị mất tước, (Công chúa là người đã hứa gả cho con Quốc Tuấn là Hưng Võ Vương Nghiễn, vua sợ mất lòng Quốc Tuấn, sai đánh trượng chết đi, nhưng lại tiếc người có tài, ngầm bảo đừng đánh chết), lui về ở Chí Linh." “" Ôi! Dâm phong của nhà Trần tập nhiễm đã quen; bà Thiên Cực là Thái hậu mà lấy người bầy tôi, bà Thuận Thiên là chị dâu mà lấy em chồng, cho nên bây giờ bà Chiêu Thánh cũng là Hoàng hậu mà lấy người bầy tôi làm chồng, Phụ Trần là bầy tôi mà lấy bà Hậu làm vợ, mẹ ấy con ấy, chị ấy em ấy, vợ ấy chồng ấy, vua ấy tôi ấy, thật không bằng cầm thú. ".

Sách Việt Sử Thông Mục Thiết Yếu của Đặng Xuân Bản cũng hiện đại chép lại:

- Năm Nguyên Phong, Nhân Huệ Vương Khánh Dư phá giặc có công, được phong Phiêu kị đại tướng quân, rồi đến tử phục Thượng Vị Hầu ( mặc triều phục màu tím). Sau thông dâm với Thiên Thụy công chúa (con gái Thánh Tông, đã gả cho Hưng Vũ Vương Nghiễn là con trai của Trần Quốc Tuấn) nên  bị mất chức tịch thu tài sản. Khánh Dư lui về Chí Linh (xưa là đất Bàng Châu thuộc tỉnh Hải Dương) làm nghề bán than. ( trang 175-176 sách đã dẫn).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lễ trao Giải Nobel văn học 2018 có thể bị trì hoãn vì bê bối tình dục?
Lễ trao Giải Nobel văn học 2018 có thể bị trì hoãn vì bê bối tình dục?

VOV.VN - Theo đài Sveriges Radio, nhiều thành viên trong Viện Hàn lâm đề nghị nên lưu lại giải thưởng năm nay và trao cùng dịp với giải thưởng năm 2019.

Lễ trao Giải Nobel văn học 2018 có thể bị trì hoãn vì bê bối tình dục?

Lễ trao Giải Nobel văn học 2018 có thể bị trì hoãn vì bê bối tình dục?

VOV.VN - Theo đài Sveriges Radio, nhiều thành viên trong Viện Hàn lâm đề nghị nên lưu lại giải thưởng năm nay và trao cùng dịp với giải thưởng năm 2019.

Tiểu thuyết "Chim ưng và chàng đan sọt" có nhiều chi tiết sex thô tục
Tiểu thuyết "Chim ưng và chàng đan sọt" có nhiều chi tiết sex thô tục

"Chim ưng và chàng đan sọt" của nhà văn Bùi Việt Sỹ được trao giải C Sách hay quốc gia đang bị phản ứng dữ dội vì có nhiều chi tiết tả cảnh sex thô tục.

Tiểu thuyết "Chim ưng và chàng đan sọt" có nhiều chi tiết sex thô tục

Tiểu thuyết "Chim ưng và chàng đan sọt" có nhiều chi tiết sex thô tục

"Chim ưng và chàng đan sọt" của nhà văn Bùi Việt Sỹ được trao giải C Sách hay quốc gia đang bị phản ứng dữ dội vì có nhiều chi tiết tả cảnh sex thô tục.

Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ về “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”
Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ về “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”

VOV.VN - Bài tham luận của nhà văn Trần Mai Hạnh tại Hội thảo “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 28/2/2018 tại Hà Nội.

Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ về “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”

Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ về “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”

VOV.VN - Bài tham luận của nhà văn Trần Mai Hạnh tại Hội thảo “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 28/2/2018 tại Hà Nội.