Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy- tài năng bắt đầu vào độ chín
VOV.VN - Với bút lực dồi dào, những cuốn tiểu thuyết xã hội của anh đã khẳng định một tài năng bắt đầu vào độ chín.
Cùng với những cây bút trẻ tiêu biểu của làng văn xuôi Việt Nam như: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy không chỉ được biết đến với các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi mà còn là tác giả của nhiều tiểu thuyết về đề tài xã hội nóng bỏng.
Cách đây 2 năm, khi Nguyễn Xuân Thủy ra mắt tiểu thuyết "Nhắm mắt nhìn trời", nhiều bạn văn đã bày tỏ sự lo ngại sau cuốn sách này, anh rất dễ rơi vào tình cảnh "hết vốn". Bởi họ đã gặp trong tác phẩm của anh không ít chi tiết thể hiện vốn sống phong phú, đa chiều, có lúc tưởng như đã phô bày đến tận cùng hiện thực ở khắp hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống. Nhưng không phải vậy! Khi anh viết "Biển xanh màu lá" và "Sát thủ online", rồi sau đó lại được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, Nguyễn Xuân Thủy vẫn tự tin rằng anh chỉ mới "dùng nguyên liệu hợp lý để bào chế nên một loại dược phẩm". Bởi thế, khi chuyển sang một đề tài khác cũng có nghĩa là anh đã bắt tay tìm kiếm những nguyên liệu mới. Dù là trong vị thế một nhà văn hay một nhà báo, Nguyễn Xuân Thủy đều cho rằng cái mà anh theo đuổi hoàn toàn không phải là những câu chuyện giật gân, mà đó là những nhân vật, số phận con người đủ tầm vóc để chuyển tải các ý tưởng và làm cầu nối giữa nhà văn với bạn đọc.
Nếu hình dung vốn sống của nhà văn phân chia thành những ô, những ngăn nhỏ thì với Nguyễn Xuân Thủy, mỗi tác phẩm của anh chỉ đi sâu khai thác một ô/ ngăn đầy tràn nào đó mà thôi. Với tiểu thuyết "Nhắm mắt nhìn trời" và "Biển xanh màu lá", chất hiện thực được anh tạo nên bởi sự trải nghiệm thực tế, phơi bày những mâu thuẫn giữa nhu cầu cuộc sống tinh thần thời hiện đại với tín ngưỡng dân gian.
Còn với tác phẩm "Sát thủ online" và "Có tiếng người trong gió" lại được anh xây dựng bằng tri thức xã hội và cả sự hư cấu, theo đuổi đến tận cùng vấn đề theo cách riêng của mình. Đặc biệt, trong tác phẩm "Có tiếng người trong gió", người đọc không chỉ được đến với thế giới thiên nhiên kì vĩ, bí ẩn mà còn là nỗi buồn tê tái khi nhà văn cố gắng đi tìm căn nguyên của cái ác, nhắc nhở và cảnh báo về những điều phi nhân tính khi đề cập đến nạn buôn bán và đánh cắp nội tạng trẻ em. Với nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, anh không có dụng ý theo đuổi thể loại trinh thám một cách rốt ráo mà đi vào mổ xẻ tâm lý nhân vật cũng như thân phận con người.
Xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Xuân Thủy là các vấn đề thời sự nóng hổi của cuộc sống. Tiểu thuyết của anh đều đề cập đến hiện thực cuộc sống khốc liệt, cho thấy sự dấn thân của nhà văn ở những mảng đề tài thu hút sự quan tâm của xã hội nhưng ít người dám chinh phục. Với tác phẩm mới xuất bản "Có tiếng người trong gió", Nguyễn Xuân Thủy đã cho thấy thái độ nhập cuộc trong vai trò một "nhà văn-công dân" của anh. Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội 1 cho rằng: tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Thủy hấp dẫn người đọc là bởi tư duy điện ảnh của người viết khi xử lý câu chuyện.
Từ trái qua (thứ 6 - hàng trên ): Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và các bạn văn
|
Theo tác giả, một mạch tình sự và một mạch hình sự được song hành và đan xen, tạo nên một không gian cảm xúc khác nhau. Đối với tình sự thì như một câu chuyện tâm lý, còn về hình sự thì bạn ấy lại dùng chiêu khác. Tức là không phải không quan tâm đến tâm lý mà cái bạn ấy quan tâm nhiều hơn là thuật sự kiện. Cho nên hai mạch viết này se quyện vào nhau, khiến cho chương đoạn đan xen vào nhau, tạo nên sự lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối.
Ngay sau khi tiểu thuyết "Có tiếng người trong gió" được xuất bản, Nhà xuất bản Trẻ đã tái bản trọn bộ những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Tuy nhiên, anh không xem mình được chú ý từ cuốn sách nào mà chỉ biết càng dấn sâu vào con đường chữ nghĩa, càng nhắc mình có trách nhiệm và chuyên cần hơn với ngòi bút. Bởi anh quan niệm, khi một cuốn sách mới ra đời, nhà văn phải tạm quên đi những cuốn sách trước đó để những dòng kí ức của xã hội tiếp tục hắt bóng trên từng tác phẩm văn chương./.