Nhà văn Vũ Hùng: Thời gian ở Lào đã làm tôi biến đổi!

VOV.VN -Những tác phẩm cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng sẽ được NXB Kim Đồng tái bản, dự định ra mắt vào khoảng cuối năm 2014- đầu năm 2015

Nhiều bạn đọc đang nóng lòng chờ đón các tác phẩm truyện và ký viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng được NXB Kim Đồng tái bản sẽ ra mắt công chúng trong thời gian tới theo hợp đồng độc quyền sử dụng tác phẩm mà nhà văn đã ký với NXB trung tuần tháng 8/1014.

Trong số 18 tức phẩm này có nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam như: Mùa săn trên núi, Giữ lấy bầu mật, Con culi của tôi, Sao Sao, Các bạn của Đam Đam, Sống giữa bầy voi, Chú ngựa đồng cỏ, Những kẻ lưu lạc, Con voi xa đàn, Vườn chim, Phượng hoàng đất, Biển bạc...


Nhà văn Vũ Hùng (phải)
Theo  nhà thơ Cao Xuân Sơn (phụ trách chi nhánh Kim Đồng miền Nam) thì đợt sách đầu tiên sẽ phát hành vào khoảng cuối năm 2014 - đầu năm 2015, với khoảng 5 đầu sách; trong đó có cuốn đầu tiên “Mùa săn trên núi” và cuốn mới đây nhất “Mái nhà xưa”…

Sau 25 năm định cư tại Pháp, tháng 5/2014 nhà văn trở về Việt Nam và hiện đang sống cùng gia đình tại TP HCM. PV VOV.VN có cuộc trò chuyện với nhà văn khi ông về thăm lại Hà Nội sau nhiều năm xa cách.

PV: Thưa nhà văn Vũ Hùng, ông có nói rằng mình viết sách cho thiếu nhi, viết về thiên nhiên, từ những câu chuyện trên đường đi công tác trong thời gian ở bộ đội. Bắt đầu từ đâu mà ông viết những truyện như thế?

Nhà văn Vũ Hùng: Năm 1950, gần như toàn bộ học sinh và sinh viên trên cả nước bỏ học nhập ngũ để chuẩn bị giai đoạn Tổng phản công. Năm ấy tôi cũng nhập ngũ, học khoá 2 của Trường Thủy quân Việt Nam, sau đó học khóa 7 của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn.

Tôi được đào tạo ở Trung Quốc, ngày ấy Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn đóng ở gần Côn Minh- Vân Nam, các giáo viên chính trị đều là chính ủy của Hồng quân Trung Quốc.

Họ đào tạo sĩ quan Việt Nam theo cách của họ, từ những học sinh yêu nước thành những chiến sĩ vô sản, lập trường giai cấp đầy mình.

Sau khóa học họ chuyển tôi sang Lào. Tôi mang hành trang tư tưởng cực đoan ấy sang Lào. Lào là đất nước rất yên bình. Thời gian ở Lào làm tôi biến đổi.

Người Lào hiền hoà lắm. Bộ đội tình nguyện Việt Nam bị Tây đuổi, họ cứu. Tây bị bộ đội tình nguyện đuổi, họ cũng cứu, không phân biệt. Sau 7 năm ở Lào tôi đã đổi khác, không còn là người  được đào tạo ở Trung Quốc mà thành người thấm nhuần văn hoá Lào: yêu bà con, bạn bè, gia đình, để cho mọi người xung quanh mình cùng sống. Quá trình đó làm tôi trở thành người cầm bút theo chủ nghĩa nhân văn. Nếu không có 7 năm ở Lào có lẽ tôi cũng sẽ thành một người cầm bút nhưng với tư tưởng khác…

PV: NXB Kim Đồng đã đánh giá: “nhà văn Vũ Hùng chiếm một vị trí gần như độc nhất vô nhị trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với đề tài gắn bó suốt nghiệp viết của ông là rừng – thiên nhiên – muông thú”. Giọng văn của ông rất hiền, những mô tả về thiên nhiên và cuộc sống rất đẹp…

Nhà văn Vũ Hùng: Tác phẩm văn học sống lâu hơn nếu viết theo chủ nghĩa nhân văn. Tôi nghĩ như vậy vì từ bé tôi cũng đã đọc những sách mà điều đọng lại trong tôi lâu nhất là những quyển sách nhân bản. Nếu văn học nghệ thuật mà khuyến khích cái độc ác, sự chen lấn chà đạp lẫn nhau… những các cái ấy sẽ làm ghê sợ chứ không đọng lại trong người đọc.

Nếu ta nói về tình yêu, tình thương, về quan hệ tốt đẹp giữa người với nhau thì... tác phẩm sẽ tồn tại lâu hơn.

PV: Được biết ông không chỉ viết mà còn dịch sách cho thiếu nhi?

Nhà văn Vũ Hùng:
Tôi không dịch nhiều, chỉ dịch cuốn nào tôi yêu thích. Không phải lúc nào mình cũng viết được. Muốn viết phải nung nấu rất nhiều. Có thời gian rảnh rỗi tôi chuyển qua dịch. Có nhiều tác phẩm dịch tôi thích. Như cuốn “Jody và con hươu non” của tác giả Marjorie Kinnan Rawlings. Tôi thích tác phẩm ấy vì nó là tác phẩm mẫu mực về chủ nghĩa nhân đạo.

Tôi có làm vài cuốn biên khảo mà cũng chỉ làm những cái tôi thích, ví dụ  Albert Einstein người đã sáng tạo Thuyết Tương đối. Hay Hans Christian Andersen người kể chuyện cổ tích nổi tiếng người Đan Mạch. Hay là những người  hoạt đông từ thiện, ví dụ như Albert Schweitzer, một người Pháp sang châu Phi và để lại những sự nghiệp rất to lớn ở châu Phi.

Dù dịch, biên khảo, dù viết tôi cũng theo đuổi chủ nghĩa nhân văn…

PV: Trong 25 năm qua sống xa Việt Nam, ông có viết được nhiều không, thưa nhà văn?

Nhà văn Vũ Hùng: Không nhiều. Tôi có 1 truyện dài với 2 tập truyện ngắn. Tập “Đò trăng” có độ mươi lăm truyện. Tập “Cô giáo quốc tế vũ”, tôi nói lại những mẩu chuyện hồi tôi đi học bên Trung Quốc, cũng độ mươi lăm truyện.

PV: Vậy khi tác phẩm của mình sắp ra mắt bạn đọc trong một diện mạo mới, nhà văn có suy nghĩ gì?
Nhà văn Vũ Hùng: Trước hết xin cảm ơn NXB Kim Đồng. Khi mới về lại Việt Nam (5/2014), còn đang bỡ ngỡ với cuộc sống mới thì tôi nhận được đề nghị bất ngờ từ NXB Kim Đồng muốn tôi nhượng quyền tái bản tác phẩm của tôi cho NXB Kim Đồng, điều đó làm tôi rất vui!

NXB Kim Đồng đã dành cho tôi một sự ưu ái lớn. Tôi rất cảm kích.


Nhà văn Vũ Hùng thời trẻ
Nhà văn Vũ Hùng đã in hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Cuốn sách đầu tay của ông là cuốn “Mùa săn trên núi” ra đời năm 1961. Ông đã 2 lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng: Cuốn Sao Sao (1982) và cuốn Sống giữa bầy voi (1986).

Hầu như các tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Vũ Hùng đều đến với bạn đọc nhỏ tuổi thông qua NXB Kim Đồng.


 

PV: Về lại Hà Nội lần này, ông có đi thăm được nhiều nơi không ạ?

Nhà văn Vũ Hùng: Tôi chưa đi thăm được nhiều nơi vì hiện tôi bị tim, đã đặt 3 stent. Tôi cũng đã định về làng Láng quê tôi, sẽ đi thăm chùa Láng nơi gần đó có mộ phần ông bà cụ thân sinh ra tôi.

Nhưng rồi cuối cùng tôi không đi thăm mộ ông bà cụ và chùa Láng được vì bệnh!

PV: Khi ở xa, nhớ về Hà Nội, ông nhớ kỷ niệm gì nhất?

Nhà văn Vũ Hùng: Hà Nội là nơi tôi có nhiều kỷ niệm. Nhất là những kỷ niệm trường học. Ngày xưa tôi học ở trường Sinh Từ. Đó là trường tiểu học Lý Thường Kiệt ngày nay, ở giữa phố Nguyễn Thái Học và Sinh Từ, gần ngõ Thanh Miến. Người để lại ấn tượng cho tôi nhiều nhất là bác Hoàng Đạo Thuý, từng là thày giáo cấp 1 và bác dạy lớp Nhất của trường Sinh Từ. Hồi lớp Nhất tôi được học bác. Sau này bác làm Hiệu trưởng Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn thì tôi lại học Trường Lục quân. Khi bác chuyển sang làm Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc thì tôi về phục vụ Đài vô tuyến điện của bộ Tổng tư lệnh, dưới quyền của bác.

Hôm nay, được đi lại trên con đường mang tên bác Hoàng Đạo Thuý ở Hà Nội, tôi rất xúc động. Dịp này, những  bạn xưa cùng trường Lục quân gặp lại nhau, có mặt chị Hoàng Hương Liên là con gái bác.

 PV: Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NXB Kim Đồng tái bản 18 tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Hùng
NXB Kim Đồng tái bản 18 tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Hùng

VOV.VN -Trong đợt tái bản này, những tác phẩm đã chinh phục bao thế hệ của nhà văn Vũ Hùng sẽ được sống lại với diện mạo mới phù hợp với thị hiếu của độc giả hiện nay.

NXB Kim Đồng tái bản 18 tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Hùng

NXB Kim Đồng tái bản 18 tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Hùng

VOV.VN -Trong đợt tái bản này, những tác phẩm đã chinh phục bao thế hệ của nhà văn Vũ Hùng sẽ được sống lại với diện mạo mới phù hợp với thị hiếu của độc giả hiện nay.