Những cuốn sách “giải mã”: Hồ Chí Minh là ai?
VOV.VN - Việc tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phương Tây đã có từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 nhằm tìm cách “giải mã” câu hỏi: “Hồ Chí Minh là ai?”.
Đến khi Việt Nam “9 năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, đánh dấu chấm hết của chế độ thực dân Pháp không chỉ toàn cõi Đông Dương mà còn lan sang cả các quốc gia thuộc địa của Pháp ở Châu Phi, thì việc “giải mã” càng thêm kích thích trí tò mò của những nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự, triết học, văn hóa… của phương Tây.
Đặc biệt từ năm 1970, sau khi Người qua đời, việc nghiên cứu càng tăng thêm, đi sâu vào nhiều góc cạnh về cuộc đời và ảnh hưởng của Người đến mọi mặt ở Việt Nam. Các tác giả và công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM) ở Pháp, Mỹ… như Jean Lacouture - “Ho Chi Minh” (Ed Seuil, Paris, 1967), C,P. Ragie - “Ho Chi Minh” (Ed. Presses Universitaires, Paris, 1970), David Hamberstam - “Ho” (Randoom House, New York, 1971), Daniel Hémery - “Ho Chi Minh de l’ Indochine au Vietnam” (Decouvertes Gallimard, Histoire, 1990).Hypersion, New York, 2000; Sophie Quinn - Judge- “Ho Chi Minh, The Missing Years” (Horizon Books, Singapore, 2003)… đã khá quen thuộc với Việt Nam.
Ảnh tư liệu |
Giáo sư Nhật Bản Singo Sibata trong quyển “Hồ Chí Minh, một nhà tư tưởng” - Betomomuto Shiro momodoj, Tokyo “Aore Shoden”, 1972 . Ông chứng minh rằng, Chủ tịch HCM là nhà lý luận tài giỏi trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tư tưởng: “…Vì vậy sự am hiểu của Người về chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa xã hội… rất sâu sắc và Người thực sự đã đóng góp cho cách mạng thế giới… Cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi con người thành quyền lợi của dân tộc…”.
X.Aphonin và E.Cobelep (Nga) trong quyển “Đồng chí Hồ Chí Minh”, một tiểu sử chính trị, đã xem Chủ tịch HCM là một trong những nhà cách mạng kiệt xuất: “…Trước hết là người con của dân tộc mình, người anh hùng dân tộc của đất nước mình. Bởi vì ý nghĩa quốc tế của những con người như vậy trong bất cứ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xã hội nào cũng là thành tựu vô giá đối với phong trào cách mạng thế giới. Trong một mức độ đầy đủ, điều này rất đúng với Hồ Chí Minh..”.
Nhà báo Stanley Karnow trong cuốn “Việt Nam - Một lịch sử” đã viết về Chủ tịch HCM: “Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, HCM đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành giản dị. Nhưng Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình…”.
Cuốn sách mang tựa đề "Ho Chi Minh" của nhà báo người Đức, Hellmut Kapfenberger – NXB "Neues Leben" ấn hành gần 300 trang, sử dụng tư liệu của nhiều nhà lãnh đạo chính trị, nhà văn hóa, học giả và nhà nghiên cứu nổi tiếng của VN, Lào, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và nhiều nước trên thế giới viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Đây là một kho tư liệu giá trị được viết theo dạng biên niên sử về các thời kỳ hoạt động cách mạng của Người gồm các chương mục như Hồ Chí Minh là ai, Ngôi nhà của cha mẹ và quê hương, Con đường bước vào hoạt động cách mạng, Con đường đến với Lenin, Trong tay kẻ thù, Từ thuộc địa trở thành một nước độc lập... Đã được xuất bản vào dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2009) thu hút sự chú ý lớn trong giới nghiên cứu và bạn đọc Đức.
Giáo sư người Mỹ William Duiker, tác giả cuốn “Hồ Chí Minh - Một cuộc đời”, có thể “giải mã” phần nào: Chủ tịch HCM là ai, trong mắt của người nước ngoài: “…Ông là hiện thân của cuộc kháng chiến ở Việt Nam, có uy tín duy trì sự thống nhất tuy không phải hoàn toàn của phong trào cách mạng Việt Nam…
Tức là trong phong cách cá nhân của mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện được ước vọng của dân Việt Nam, muốn được có công lý, gồm cả công bằng xã hội và công lý về chính trị, quyền được bên ngoài đối xử công bằng. Và điều thứ hai, ông thể hiện được là tạo ra một cuộc cách mạng với mục tiêu đem lại cuộc sống tốt hơn cho người Việt Nam…”./