“Song xưa phố cũ”: Từ nhận diện kiến trúc đến nhận thức văn hóa
VOV.VN - Cuốn sách của Trần Hậu Yên Thế không chỉ là tổng hợp các tư liệu về kiến trúc Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX mà còn phản ánh nhận thức văn hóa thời kỳ đó.
Sáng nay (18/7), tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, đã diễn ra buổi hội thảo chủ đề “Hà Nội sau những hàng mi thép” do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức, nhân dịp cuốn sách “Song xưa phố cũ” được nhà xuất bản Thế giới ấn hành. Đây là tác phẩm của giảng viên - nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế viết về sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc ở Hà Nội vào nửa đầu thế kỷ XX.
Tìm kiếm dấu ấn Hà Nội qua những song sắt
Sinh năm 1970, tác giả Trần Hậu Yên Thế tự nhận mình không phải là một “giai phố”, tức không phải một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhưng anh lại tỉ mỉ và kiên trì trong việc tìm kiếm những hình ảnh, giá trị của một Hà Nội xưa, được biểu hiện cụ thể qua từng đường nét kiến trúc.
Anh cho biết: “Cảm hứng cho quá trình nghiên cứu của tôi xuất phát từ những tháng ngày ngụ cư ở khu tập thể của Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhà tập thể cũng là một trong những nơi lưu giữ nhiều ký ức về lịch sử của Hà Nội cho đến ngày nay, như là một phần di sản của thành phố”. Để có được cái nhìn khách quan, anh còn dành thời gian tìm hiểu sắt mỹ nghệ ở các thành phố khác trên cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Nam Định, cho tới những làng quê như Cự Đà và thêm cơ hội nghiên cứu nhân chuyến công tác tới Paris (Pháp) vào năm 2012.
Bìa cuốn sách "Song xưa phố cũ"
Vì thế, bằng tâm huyết của mình, Trần Hậu Yên Thế đã dành 15 năm dày công sưu tầm, nghiên cứu, tản mạn khắp các công trình, ngôi nhà, con ngõ của Hà Nội, để tập hợp những tư liệu quý về kiến trúc của thành phố ở nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt là về sắt mỹ nghệ trang trí. Anh lý giải, cuốn sách được lấy tên là “Song xưa phố cũ” cũng là sự kết hợp giữa các công trình có song sắt xưa để tạo nên hình ảnh tổng hòa về kiến trúc phố phường cũ của Hà Nội.
“Song xưa phố cũ” không có nhiều lời lẽ, nhưng được minh họa sống động bằng 450 bản đạc họa, gồm 365 hình ảnh và ghi chép của anh về những chấn song hoa sắt trên tường rào, ban công, cửa đi, cửa sổ, ô gió... của những tòa nhà, ngôi nhà. Đáng chú ý là những tư liệu về kiến trúc Đông Dương tại thành phố trong giai đoạn 1920 – 1945, mà trong đó có những công trình theo phong cách kiến trúc này vẫn còn tồn tại cho đến nay, từ các tòa nhà lớn như Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, tòa nhà của Bộ Ngoại giao, Đại học Tổng hợp, Đại học Quốc gia Hà Nội…, cho đến những ngôi nhà của thị dân, nhất là của tầng lớp trí thức, quan lại.
Bức hình về cổng Phủ Chủ tịch theo lối kiến trúc Đông Dương, được in trong cuốn sách
Những biểu tượng của một giai đoạn lịch sử được thể hiện rất rõ, ngay từ những trang trí hoa văn trên từng cánh cổng, cánh cửa của mỗi công trình kiến trúc, tạo nên cho thành phố thời kỳ đó những đường nét cổ điển và lịch lãm. Giáo sư Lê Văn Lan nhận định, tác giả Trần Hậu Yên Thế đã thành công khi thực hiện được một công trình nghiên cứu bước đầu có tính hệ thống về di sản sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc của Thủ đô. Đây là lĩnh vực chưa được ngành khảo cứu ở Việt Nam dành sự quan tâm, nhất là ở Hà Nội, nơi có nhiều khả năng phát triển phong cách kiến trúc thuộc địa.
“Nhìn sắt mà bắt hình dong”
Hình ảnh về những cánh cửa, cánh cổng hoa sắt xuất hiện trong “Song xưa phố cũ” không đơn thuần chỉ là một phần của lối kiến trúc Hà Nội ở nửa đầu thế kỷ trước, mà còn mở ra cho người xem thấy một nét đẹp hài hòa của thành phố trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Đó là cái đẹp của nghệ thuật trang trí, cái đẹp mang tính thẩm mỹ bằng cách hấp thu giá trị đương đại, để làm nên dấu ấn riêng trong thời kỳ mới, làm nên gương mặt cuộc sống và văn hóa Hà Nội trong sự tiếp biến và giao lưu văn hóa Đông – Tây. Trong đó, tác giả nhấn mạnh cầu Long Biên là một biểu tượng giao lưu, như cầu nối văn hóa – lịch sử của thời kỳ này.
Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: “Tôi thuộc về thế hệ 7X. Có thể nói, đó là thế hệ cuối cùng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố trước khi bị nhấn chìm trong làn sóng thương mại hóa toàn cầu với các biển quảng cáo khổ lớn, lan tràn trên đường phố như một bệnh dịch. 15 năm tôi tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu cũng là khoảng thời gian chạy đua với những biến đổi khốc liệt của đô thị. Nhưng cũng từ đó, tôi nhận thấy cách sống chậm đã tạo ra tinh thần hiểu biết và trân trọng hơn các giá trị xưa của những thế hệ người Hà Nội trước đây”.
Ảnh tác giả chụp cửa hàng quần áo trên phố Hàng Đào với các biển quảng cáo, nơi đây từng là hiệu bán tơ lụa Đức Xương nổi tiếng ở Hà Thành.
“Trước đây, nhìn vào những cánh cửa, cánh cổng có hoa sắt của từng ngôi nhà, công trình, người ta sẽ nhận ra được mức độ tiếp nhận văn hóa, hiểu được lối sống của chính gia chủ, tức là có thể ‘nhìn sắt mà bắt hình dong’. Nhưng ngày nay thì hoàn toàn ngược lại, nếu nhìn vào sẽ khó nắm bắt hơn bởi độ phức tạp của lối sống. Hơn nữa, có nhiều ngôi nhà, kiến trúc xưa lại bị vùi lấp, che khuất bởi sự bao phủ của những thứ hiện đại. Điều đó phản ánh vốn văn hóa của thị dân hiện tại, mặt tiền văn hóa tưởng dày nhưng thực ra lại vô cùng mong manh”, tác giả cho biết.
Cũng nhờ đó, mà có lẽ ít ai biết nhiều công trình hiện đại ngày nay lại nằm trên những mảnh đất mang nhiều ký ức như: một trụ sở ngân hàng từng là một biệt thự Pháp đã bị phá bỏ, một cửa hàng quần áo từng thuộc về điểm bán tơ lụa nổi tiếng của đất Hà Thành, hay một hàng bán phở thực chất từng là một hiệu ảnh có tiếng…
Tuy nhiên, cuốn sách khép lại, đặt ra cho người đọc mối liên hệ rõ ràng với thực tế kiến trúc Hà Nội ngày nay. Như giáo sư Lê Văn Lan bày tỏ: “Cuốn sách của Trần Hậu Yên Thế cho chúng ta một câu hỏi còn bỏ ngỏ, về biện pháp mỹ thuật trong lối kiến trúc và quy hoạch đô thị Hà Nội hiện nay...”./.