Tác giả bài thơ ‘Chiều biên giới’ đột ngột qua đời
Nhà thơ người dân tộc Giáy ở Lào Cai - Lò Ngân Sủn qua đời vào 22h ngày 15/12 tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, Hà Nội.
Năm 2003, Lò Ngân Sủn bị một cơn tai biến dẫn đến đột quỵ. Ông bị liệt chân phải, tay phải, nói ngọng, nói lắp và trí nhớ suy giảm mạnh. Năm 2012, ông bị gãy chân do di chứng của cơn đột quỵ nên không đi lại được.
Nhà thơ Lò Ngân Sủn. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán) |
Tuần trước, nhà thơ Lò Ngân Sủn bị ốm, gia đình đưa vào bệnh viện thì được chẩn đoán bệnh ung thư gan. Vì là bệnh tai biến, ông không thể tiến hành phẫu thuật hay trị liệu, do đó bệnh càng nặng hơn. Đến hôm 15/12, ông qua đời.
Lễ truy điệu diễn ra vào 15h ngày mai (18/12) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở đường Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau lễ truy điệu, khoảng 17h, gia đình sẽ đưa nhà thơ về quê Lào Cai, để làm theo tâm nguyện của ông. “Bố muốn đi qua ngôi nhà trước đây của gia đình ở Lào Cai và nằm xuống ở Bát Xát, cạnh mộ ông bà” – chị Thương cho biết.
"Chiều biên giới em ơi. Có nơi nào xanh hơn. Như tiếng chim hót gọi. Như chồi non cỏ biếc. Như rừng cây của lá. Như tình yêu đôi ta" – đó là những câu thơ của Lò Ngân Sủn được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc đã trở thành ca khúc quen thuộc với công chúng. "Chiều biên giới em ơi. Nghe con sông chảy xiết. Nghe con suối thác đổ. Hồn ta như ngọn gió. Thổi giữa trời quê hương".
Trong 10 năm sau cơn đột quỵ, Lò Ngân Sủn nằm liệt giường, về sau vẫn di chuyển được nhưng rất khó khăn. Ông cũng gặp vấn đề về ngôn ngữ nên khó nói chuyện với mọi người mà chỉ viết. Mặc dù vậy, trong 10 năm nay, ông vẫn cho ra đời được 2 tập thơ.
Nhà thơ Lò Ngân Sủn sinh năm 1945 tại Bát Xát, Lào Cai. Ông nguyên là Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, nguyên ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lào Cai.
Sinh thời, ông đã cho ra đời 17 tập thơ, con số lớn đối với một nhà thơ Việt Nam. Năm 2012, tuyển tập “Tập thơ Lò Ngân Sủn” do chị Lò Thị Thương biên soạn được xuất bản, với sự ủng hộ của Hội Nhà văn Việt Nam./.