Thắp sáng niềm tin trên dòng sông Đà
VOV.VN -Trong gian máy NMTĐ Lai Châu, trên xà ngang của một chiếc cầu trục có hàng chữ lớn "Thắp sáng niềm tin”.
Tổ máy số 2 và 3 của Nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Lai Châu sẽ lần lượt phát điện trong 6 tháng cuối năm nay. Với ba nhà máy thuỷ điện lớn: Hoà Bình-Sơn La-Lai Châu tổng công suất 5.520 mê ga oát, chúng ta đã hoàn thành công cuộc trị thuỷ sông Đà, tạo ra bước ngoặt trong đời sống kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc nói riêng, của cả nước nói chung. Và điều quan trọng hơn, chúng ta đã "thắp sáng niềm tin” trong đồng bào các dân tộc Tây Bắc, không phụ lòng tin vào Đảng, vào Chính phủ của người dân Tây Bắc. Bút ký "Thắp sáng niềm tin” của nhà báo Trương Cộng Hoà là câu chuyện về những người đã tham gia vào sự nghiệp "thắp sáng niềm tin” trên dòng sông Đà…
Trong gian máy NMTĐ Lai Châu |
Vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập Đoàn (26/3) năm nay, tôi có dịp trở lại NMTĐ Lai Châu cùng với các "cựu” đoàn viên Đoàn Thanh niên, trong đó có Tiến sĩ Thái Phụng Nê, Anh hùng Lao động, nguyên Phó trưởng ban Ban chỉ đạo nhà nước xây dựng thuỷ điện Sơn La-Lai Châu, kỹ sư Vũ Đức Thìn, uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo nhà nước, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La… Đón chúng tôi cũng là một “cựu” đoàn viên, kỹ sư Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La-Lai Châu… Thừa hưởng kinh nghiệm từ những người tiền nhiệm, cộng thêm với tuổi trẻ sôi nổi, Phương nắm công việc rất chắc và trình bày ngắn gọn nhưng có sức thuyết phục những vấn đề chính yếu của công trường.
Không giấu nổi niềm vui, Phương nói ngay: toàn bộ những thiết bị siêu trường siêu trọng của 2 tổ máy đã được vận chuyển về đến công trường an toàn, đúng tiến độ. Các công việc thi công xây dựng phục vụ phát điện 2 tổ máy, hoàn thành nhà máy cũng đang được triển khai và bám sát đúng tiến độ… Với cánh nhà báo công trường như chúng tôi, thế là đủ. Còn chi tiết ư? Có ngay… Chỉ cần vào mạng, gõ máy... là xong. Điều đáng quý là “quan sát thực địa” và tiếp xúc với anh em trên công trường, để được hít thở, được cảm nhận không khí công trường, tạo cảm hứng cho mình, cho ngòi bút của mình. Đấy mới là điều quan trọng.
Các vị Trưởng ban công tác Sông Đà (Sơn La) hàng ngồi |
Tôi đến Lai Châu lần này với cảm giác còn tươi rói của chuyến đi đến công trường xây dựng NMTĐ Nậm Nghiệp 1 (công suất gần 300 mê ga oát) tại huyện Pakasan tỉnh Bô-li-khăm-xay (Lào) vài ngày trước. Công trình này Tổng thầu xây lắp là một Công ty của Nhật Bản. Công ty Sông Đà 5 và Công ty Sông Đà 9 của Tổng công ty sông Đà là 2 trong số các nhà thầu trúng thầu xây dựng các hạng mục hầm dẫn dòng, đập chính của nhà máy chính và đập điều tiết của nhà máy chính, nhà máy thuỷ điện… Công ty lắp máy 10 (LILAMA 10) trúng thầu lắp đặt các thiết bị của tổ máy… Đây là những đơn vị gắn bó với nhau từ Hoà Binh-Sơn La rồi đến Lai Châu. Tổ máy số 1 Lai Châu phát điện là lúc đại bộ phận xe máy thiết bị của Sông Đà 5 Sông Đà 9 làm cuộc hành quân qua cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh sang Lào.
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 9 nói với tôi: công ty chuẩn bị cho “hậu Lai Châu” từ sớm. Và bước tập dượt đầu tiên để làm ăn với nước ngoài là việc thi công giai đoạn 1 khu xỉ thải nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh) với chủ đầu tư là một tập đoàn của Mỹ. Với Nậm Nghiệp 1, đây là lần đầu tiên Sông Đà 9 xuất quân ra nước ngoài làm cho một nhà thầu nước ngoài.
Tôi đi trên công trường Nậm Nghiệp 1 mà mừng cho sự trưởng thành của bạn bè: những băng tải băng chuyền ngang dọc, trạm trộn bê tông đẹp như mới, công trường xây dựng mà sạch sẽ gọn gàng, chỗ ăn chỗ ở ngăn nắp, nhà ở nào cũng có máy điều hoà, có công tơ điện… Lại nhớ câu nói khái quát của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hôm mừng công tổ máy 1 Lai Châu… "hơn 2000 ngày đào núi- ngăn sông-đắp đập-lắp đặt thiết bị… Ở bậc vĩ mô là vậy, oai hùng lắm chứ. Nhưng ở bậc vi mô, thì sau Lai Châu, các đơn vị thi công phải tự bươn chải mà vươn lên, phải tự đứng vững trên đôi chân của mình… Và thế là lại có những cuộc chia tay… Sông Đà 5 Sông Đà 9 sang Lào để làm nên một thương hiệu Việt Nam trên đất Lào.
Tối 28/3, ở Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La cũng có cuộc chia tay: kỹ sư Bùi Minh Thi, cán bộ Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1, người suốt 40 năm qua gắn bó với 3 dự án thuỷ điện lớn trên sông Đà, bắt đầu nghỉ hưu từ mùng 1 tháng 4. Và người cựu đoàn viên Thanh niên lớn tuổi nhất, Tiến sĩ Thái Phụng Nê xúc động ôm hôn ông thật chặt… Thật khó ngăn nổi những giọt nước mắt của những người trong cuộc. Đứng cạnh tôi, kỹ sư Vũ Văn Tuấn,nguyên Thường vụ Đoàn Thanh niên Tổng công ty sông Đà, Trưởng phòng giải phóng mặt bằng, ghé tai nói nhỏ: Tháng Tư này, tôi cũng sẽ về nghỉ chế độ.
Vậy là thế hệ những người làm nên "hào khí sông Đà” từ những năm 1970 lần lượt chia tay dòng sông mà họ đã gắn bó cả cuộc đời. Bốn mươi năm, thật khó kể hết những đóng góp của từng cá nhân vào sự nghiệp anh hùng này. Nhưng nguyên cái thâm niên "40 năm gắn bó” đã là một minh chứng. Bốn mươi năm xa quê, 40 năm ăn ngủ trên công trường, nhiều năm không nghỉ phép, nhiều người gia đình "cha già mẹ héo” không được chăm sóc, phụng dưỡng, 40 năm thức với từng cơn mưa, từng con lũ, với từng nhịp máy reo ngăn sông đắp đập, với tiếng chuông điện thoại reo hiệu nghiệm hơn đồng hồ báo thức… Trần Đăng Khoa, tác giả của”hạt gạo làng ta” có mặt hôm ấy, thốt lên: có đi công trường mới hiểu “làm ra được một ki lô oát điện…vất vả thế nào”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tặng hoa AH Lao động Thái Phụng Nê. |
Nhà thơ lên công trường khi sự nghiệp trị thuỷ sông Đà hoàn thành. Công trường đi vào giai đoạn làm đẹp cảnh quan: đường sá, cây xanh, biểu tượng công trình… cái gì cũng mới, cũng đẹp. Cũng không phải lúc nào cũng có dịp được nghe kể lại những ngày luồn rừng đi khảo sát thiết kế, vạch tuyến cho công trình, những lúc buộc thừng quanh bụng, nắm dây tụt xuống vách đá tìm đường thi công. Hay những lúc chống nước lũ tràn về, chỉ một phút dao động của người chỉ huy là hàng trăm người thiệt mạng… và bùng nổ sao là lúc tổ máy số 1 vo vo khởi động, báo hiệu ngày phát điện đã đến...
Những năm tháng ấy, hàng vạn lượt thanh niên nam nữ, “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” đã lên đường đến công trường, vừa làm vừa học, vừa làm vừa yêu nhau, vượt qua bao khó khăn, bao nỗi đau chung và riêng, lập gia đình, "sinh con đẻ cái”, tạo nên cả một “hào khí sông Đà” vẻ vang như những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, tiếp bước cha anh làm nên một” Điện Biên Phủ trên mặt trận kinh tế”.
Nhìn Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, vẫn nụ cười ấy, vẫn dáng đi ấy, hôn nay vẫn đi công trường, lại nhớ tới một ngày cuối tháng 12/1988, khi tổ máy số 1 NMTĐ Hoà Bình phát điện, ông đứng khuất sau mọi người, lặng lẽ. Tìm gặp ông, tôi hỏi: Anh có cảm tưởng gì giờ phút này? Câu trả lời của ông làm tôi ngạc nhiên:”Tôi đã hình dung thấy giờ phút này từ lâu lắm rồi”. Làm thuỷ điện Hoà Bình, với đa số cán bộ, kỹ sư và công nhân, cái gì cũng háo hức, cái gì cũng là”lần đầu tiên” cả. Mọi người làm mà không hình dung nổi” bao giờ kết thúc, bao giờ hoàn thành”.Riêng ông, trong ông đã cháy sáng một niềm tin vào cái kết của công trường, về một nhà máy thuỷ điện trong mơ của một Việt Nam đang thiếu điện. Và ông truyền niềm tin ấy cho mọi người.
Đến hôm nay, tôi có thể nghĩ rằng, lúc ấy ông mường tượngvề cái ngày sự nghiệp trị thuỷ sông Đà hoàn thành. Cho dù sau đó, ông và các đồng sự của ông, cả ngành điện và ngành xây dựng thuỷ điện, phải làm một hành trình vất vả vào Nam ra Bắc, để cuối cùng trở về dòng sông Đà hùng vĩ, với tiền của ta, thiết kế của ta, con người của ta, hoàn thành một trong những sự nghiệp xây dựng đất nước lớn lao nhất của Đảng ta, nhân dân ta.
Tiến sĩ Thái Phụng Nê đã có quyết định nghỉ hưu ở tuổi 80. Cảm ơn thiện chí của bạn bè và từ chối lời mời đi du lịch nước ngoài, ông xin được về Phù Yên, nay thuộc tỉnh Sơn La, mảnh đất nằm bên bờ trái sông Đà trên con đường bộ đội ta tiến vào đánh trận Điện Biên năm xưa. Ở đây ngày 30/3/2016 diễn ra cuộc gặp mặt thân mật đại diện "Ban kiến thiết Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình và Ban công tác sông Đà Sơn La" Cũng vừa tròn 40 năm ngày thành lập Ban công tác. Người về không nhiều. Nhưng rất may cả 4 vị lần lượt là Trưởng ban Ban công tác sông Đà đều có mặt và đều minh mẫn khoẻ mạnh.
Ông Đinh Linh, năm nay 91 tuổi, Trưởng ban đầu tiên, ông Đậu Đức Thắng, năm nay 86 tuổi, ông Lê Xuân Viên, năm nay 81 tuổi, và ông Thái Phụng Nê, đang ở tuổi 83… Trước buổi gặp mặt ,các ông tới thăm mấy xóm bản đồng bào Mường, đồng bào Thái… di khỏi lòng hồ Hoà Bình năm xưa, thăm những công trình thuỷ lợi, hồ nước xây dựng ngày ấy. Thật vui khi bây giờ đã là những làng bản trù phú, nhà ngói, sân gạch, đường bê tông… và đều có điện lưới quốc gia. Hồ nước ở xã Huy Tưởng giờ còn là một điểm du lịch. Ở vùng bán ngập, bà con còn tranh thủ cấy một vụ lúa.
Trong tâm trạng bồi hồi, ông Thái Phụng Nê tâm sự: "Được trở lại Phù Yên để thăm các đồng chí, thăm các nơi tôi mong muốn đến thăm, trong lòng tôi luôn nhớ đến Phù Yên, nhớ các bạn đã cùng tôi xây dựng thuỷ điện Hoà Bình… Cuối năm 2014, ngành điện chúng ta có thể đảm bảo đủ điện cho nhu cầu kinh tế-xã hội và nhu cầu của toàn dân, có dự phòng…Cuộc đời tôi không bao giờ có thể nghĩ làm được việc ấy. Phải thật sự vui mừng, chúng ta không chỉ có điện thắp sáng mà còn có điện để đun nấu sinh hoạt. Điện ánh sáng không chỉ có ở thành phố, mà có gần như khắp miền núi, hải đảo.
Trong sự phát triển mạnh mẽ đó, chúng ta đã trải qua nhiều bước ngoặt. Một trong những bước ngoặt đó là việc xây dựng thành công thuỷ điện Hoà Bình trong hoàn cảnh chúng ta vừa ra khỏi chiến tranh lại tiếp đến hai cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước, bị bao vây cấm vận, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm… Làm nên sự thành công của thuỷ điện Hoà Bình, quá nửa là công tác di dân ra khỏi lòng hồ để tích nước phát điện. Lúc đó Chính phủ ta chỉ có "hỗ trợ di dân”, phần đóng góp còn lại là của người dân… Nếu đồng bào đồng chí chúng ta không vững lòng tin vào Đảng, làm theo lời kêu gọi của Đảng, việc khó hoàn thành”.
Trong gian máy NMTĐ Lai Châu, trên xà ngang của một chiếc cầu trục có hàng chữ lớn "Thắp sáng niềm tin”. Đến cuộc gặp gỡ Phù Yên này, tôi càng tin rằng việc "thắp sáng niềm tin” vào sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay rất cần những con người dám xả thân vì nghĩa lớn, như những người đã làm nên sự thành công của công cuộc trị thuỷ sông Đà. /.