Thơ xuân báo Tết mặc những nhạt phai
VOV.VN - Cuối ngày ngồi quán bia gặp bà cụ bán báo rong quen mặt van nài mua giùm tờ báo vì cả ngày vật vã mới bán được đôi tờ.
Tợp vại bia đắng nghẹn khi đọc dòng cảm xúc trên Facebook người bạn đồng nghiệp ngậm ngùi chia tay tờ báo lừng danh một thuở mới đình bản. Chợt nhớ những lần ngó nghiêng biên tập cùng các chiến hữu báo giấy mới thấy hết sự công phu.
Chữ nghĩa phô bày ra đấy không ẩu được. Nâng niu từng bức ảnh, tít bài... vậy mà ngoài kia người đời đang ngoảnh mặt với những tờ báo; các sạp báo thưa dần người mua; các tòa soạn vật lộn với sự chuyển đổi... Vậy nhưng trong thời buổi đa màn hình, vẫn dành riêng một ngăn tủ cho những tờ báo Tết gắng gỏi gìn giữ sự tươi tắn. Thời gian eo hẹp, sức viết cạn kiệt vẫn cố khơi vài nguồn cảm xúc để biến thành con chữ. Như được sờ thấy khi gieo vào, đọng lại trên trang báo Xuân trình bày trau chuốt.
Khác với những dòng chữ, slot ảnh trôi nhanh nhạt nhòa trên chiếc smartphone cám dỗ. Tết, báo vẫn cứ phải couche rực rỡ, thơ phú, tản văn dạt dào. Chơi với đời kệ những bạc bẽo... Những tờ báo giúp cho người đọc và chính những người biên tập sống chậm lại, quẳng ra một bên những phút ào ào tương tác mạng xã hội với những người bạn tỷ năm không gặp.
Lật từng trang thấy từng ngày đọng lại giữa những bâng khuâng... Những tờ báo vượt ra khỏi khuôn khổ những trang giấy, trở thành một thứ quà Xuân đẫm công sức bao người. Tốn kém mấy cũng dám bung ra. Làm báo suốt năm, giờ là lúc chơi báo. Giai đoạn báo mạng, mạng xã hội chiếm lĩnh thị trường thì báo giấy vẫn gắng phục vụ những độc giả trung thành nhất, những người luôn tìm thấy dư vị của những con chữ thơm mùi mực.
Báo Tết nhiều khi cũng là một thú chơi, bày, trang hoàng góc Xuân trong mỗi ngôi nhà mà người chủ còn tha thiết với chữ nghĩa hơn trào lưu đào rừng, lọ quý, sừng hươu, vuốt hổ... Tết nào báo Tiếng nói Việt Nam cũng có trang thơ đặc sản tràn hai trang. Mỗi Tết một câu chuyện thơ, có ý tưởng kết nối: thơ nhà Đài - thơ lục bát - thơ từ những chuyến đi - thơ trẻ - thơ giao cảm thiên nhiên... Vẫn cố dành ít thời gian hỗ trợ các đồng nghiệp lên khuôn trang thơ để răn mình, neo mình khỏi tuột ra ngoài cách làm báo nghiêm cẩn, tỉ mỉ... Thơ có nhiều đôi cánh để đến với người yêu thơ: Thơ ngâm, đọc kiểu truyền thống; thơ trình diễn hiện đại kết hợp body - art, múa, nhạc...
Nhưng thơ còn lặng náu trên trang giấy để người ta yêu bằng mắt, cảm bằng mắt. Lúc đó thơ không là con chữ đơn thuần, nó được kết hợp với họa khiến thơ như có ngữ ngôn thị giác. Ông đồ xưa của Vũ Đình Liên từng thảo thơ trên giấy điệp như hoa văn rồng bay phượng múa. Nhà thơ Trúc Thông, nguyên Trưởng Phòng Văn học, Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn thích viết thật to những câu thơ lên giấy để "những chữ lép sẽ lộ ra".
Trang thơ Tết VOV trên Báo Tiếng nói Việt Nam số Xuân Kỷ Hợi 2019 |
Mỗi nhà thơ một kiểu: Có người không thích viết hoa đầu câu; có người viết lục bát nhưng ngắt câu 8 thành đôi và xuống dòng... Vì thế lên ý tưởng, chọn biên tập thơ xong phải lo đến khâu dàn trang, kiểm soát kiểu cách con chữ, sắp xếp vị trí đăng thơ... rồi món trình bày cũng công phu không kém. Họa sỹ yêu phượt Phạm Minh phải tạm quên những cung đường để tìm nguồn cảm hứng khác từ những bài thơ, rồi bật tung ý tưởng sắc màu, hình ảnh, decor chữ...
Mỹ thuật không còn là minh họa, mỹ thuật đồng điệu cùng thơ ca. Hầu hết các tờ báo Tết sau 1 năm in ấn cầm chừng, đơn sắc cũng đều bung ra khoe rờ rỡ. Và trang thơ như một nơi hồn vía nhất, lắng đọng nhất thường được các tòa soạn xếp vào hai trang giữa tờ báo. Báo Tiếng nói Việt Nam có lợi thế là thuộc nhà Đài nên "trồng" được nhiều cây văn thơ.
Nguyên một ban Văn học Nghệ thuật nhiều năm trước là nơi tụ về các nhà văn nhà thơ uy tín. Rồi phong trào làm thơ ở Đài cũng duy trì ở mức liên tục khi có sự tham gia của các nhà báo, các phóng viên trẻ của các Ban khác không chỉ Văn nghệ. Chất liệu đó góp cho Trang thơ Xuân báo Tiếng nói Việt Nam luôn phong phú sắc màu thể tài thể loại. Với người biên tập lúc đó, đơn giản chỉ việc lên ý tưởng, lựa chọn sắp xếp tác giả tác phẩm, thế là trang thơ đã “sáng bừng trên giấy điệp”. Và cứ đến hẹn lại đợi lúc Tết đến Xuân về, thơ lại thắm trên mặt báo mặc đâu đó những nhạt phai./.