Văn học, nghệ thuật Việt Nam chịu ảnh hưởng từ các luồng lệch chuẩn
VOV.VN - Không chỉ thiếu những tác phẩm đỉnh cao, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay còn chịu ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa lệch chuẩn
Thời kỳ hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng buộc đất nước ta phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Văn học, nghệ thuật là hai lĩnh vực đang chịu sự tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập này. Việc phát triển quá nhanh, thậm chí tới mức ồ ạt trong khi thiếu sự định hướng đúng đắn đang khiến nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật mất dần tính chân – thiện – mỹ.
Tiểu thuyết ngôn tình, ủy mị hoặc khai thác quá sâu về các đề tài nhạy cảm; âm nhạc sến sẩm, ca từ không phù hợp thuần phong mỹ tục; nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đi ngược lại với chuẩn văn hóa đang được truyền bá rộng rãi và xuất hiện ngày một nhiều.
Số lượng các tác phẩm ấn hành ngày càng nhiều nhưng thiếu những tác phẩm thực sự ấn tượng. (Ảnh: Phương Thúy) |
Theo nhiều chuyên gia, thực trạng này xảy ra là do trong quá trình hội nhập, nhiều văn nghệ sĩ trong nước cũng như người thưởng thức đã không đủ độ nhạy văn hóa để chọn lọc những cái mới phù hợp. Thêm vào đó là cách làm việc cẩu thả, chạy theo lợi nhuận của một bộ phận không nhỏ những người hoạt động trong lĩnh vực này.
Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Đào Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định cho rằng, chính việc còn loay hoay trong thời kỳ hội nhập khiến không ít văn nghệ sĩ chưa làm tốt vai trò định hướng đời sống tinh thần cho người dân.
“Hiện nay, hình như các văn nghệ sĩ nước ta còn đang tự tìm cho mình hạt nhân xúc cảm trước sự chuyển biến như vũ bão của xã hội nhưng chưa tìm thấy đúng được mạch ngầm của nó. Cho nên giai đoạn vừa qua, từ văn học cho đến nghệ thuật, chúng ta chưa thấy được nhiều tác phẩm đỉnh cao như những giai đoạn trước”, Đạo diễn Đào Quang nói.
Không chỉ thiếu những tác phẩm đỉnh cao, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay còn chịu ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa lệch chuẩn. Nhiều người cho rằng, sự xáo trộn các chuẩn mực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của nước ta hiện nay là cái giá phải trả của việc hội nhập thiếu chọn lọc.
Thế nhưng, theo bà Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, đó không phải là lý do chính đáng: “Có rất nhiều vấn đề cần phải xem lại nhưng theo tôi tất cả đều xuất phát từ góc độ giáo dục. Chúng ta không thể đổ lỗi cho 2 yếu tố khách quan là hội nhập kinh tế và kinh tế thị trường. Khi đất nước mở cửa hội nhập, rất nhiều luồng văn hóa, nghệ thuật ở bên ngoài sẽ du nhập vào nhưng nếu bản thân nền văn hóa Việt Nam có “sức đề kháng” khỏe thì vẫn có thể chống được “các loại vi trùng”. Còn về cơ chế thị trường, nếu chúng ta chuẩn bị tốt thì vẫn có thể bảo vệ được nền văn hóa, nghệ thuật của mình thông qua nhiều chính sách”.
Bức xúc trước thực trạng ngày càng nhiều văn nghệ sĩ trong nước chọn cách chạy theo thị hiếu thấp của một bộ phận công chúng để nâng cao thu nhập hoặc tạo danh tiếng thông qua việc sáng tác những tác phẩm “bào mòn nhân cách”, nhà văn Chu Giang, hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ quan chức năng và cả các văn nghệ sĩ cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc trước khi quá muộn.
“Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, chính giới sáng tác, nghiên cứu và bình luận phải khẳng định, phải đưa ra được những giá trị chuẩn, những hệ giá trị tốt mà chúng ta thừa hưởng của ông cha. Đồng thời tìm hiểu xem thời đại khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường và hội nhập thế giới hiện nay cần thêm những giá trị gì chứ không phải xóa bỏ hoàn toàn những giá trị cũ để lập nên giá trị mới” – nhà văn Chu Giang cho biết.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cho rằng, hội nhập là tốt nhưng những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải thật sự tỉnh táo mới có thể vững tâm trước các yếu tố tác động ngoài ý muốn.
Ai cũng có thể phê phán cái xấu, lên án cái ác trong mỗi tác phẩm của mình, vấn đề là các văn nghệ sĩ khai thác như thế nào để không làm lệch chuẩn văn hóa và mang tính định hướng dư luận cao.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, cần khá nhiều thời gian để nền văn học, nghệ thuật nước ta thoát khỏi những “vết đen” này: “Có rất nhiều việc phải làm nhưng trước hết cần nhấn mạnh về mặt nhận thức. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn thực trạng xuống cấp về đạo đức, nhân cách để tìm ra các giải pháp vừa khoa học, vừa khả thi, thiết thực để khắc phục những mặt tiêu cực và nhân lên những điều hay, điều tốt trong cuộc sống. Nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật là góp sức xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước”.
Để thoát khỏi tình trạng “xuống cấp” nhân cách, việc thanh lọc lại nền văn học, nghệ thuật trong nước là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh những nỗ lực của các đơn vị hữu quan và đội ngũ văn nghệ sĩ, mỗi người dân cũng cần tỉnh táo hơn khi thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật nhằm tránh sự tác động của những yếu tố không lành mạnh./.