Văn học trẻ Việt Nam: Nhập cuộc sôi nổi và tự tin
VOV.VN -Nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Đọc văn trẻ nhiều khi tôi giật mình kinh ngạc và khâm phục, đồng thời nhận thấy biển văn là vô bờ”.
Sáng 28/9, Hội nghị Đại biểu những người Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 khai mạc tại Hà Nội, quy tụ hơn 100 cây bút trẻ thuộc các lĩnh vực sáng tác và phê bình văn học đến từ các tỉnh thành trong cả nước. Đây là dịp để tạo một sự giao lưu, học hỏi giữa các nhà văn trẻ với nhau, giữa các nhà văn các thế hệ khác nhau. Hội nghị cùng xây dựng định hướng sáng tác, bàn luận về công tác chuyên môn, phương pháp sáng tác và cũng là sự chuẩn bị cho đội ngũ nhà văn trong tương lai.
Đến tham dự Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Hơn 100 cây bút trẻ thuộc các lĩnh vực sáng tác và phê bình văn học đến từ các tỉnh thành trong cả nước dự Hội nghị Đại biểu những người Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9. |
Phát biểu khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 là hình ảnh thu nhỏ của một đội ngũ đông đảo những người viết văn trẻ đầy say mê và tự tin tham gia vào đời sống văn học trong những năm gần đây. Qua những sáng tác đầu tay của các anh chị em trẻ, chúng tôi thấy loé lên nhiều tín hiệu đáng mừng. Các bạn viết về cuộc sống ngày hôm nay thật tự nhiên, rộng thoáng và thông thuộc”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (phải) và nhà thơ trẻ Lữ Thị Mai. |
5 năm qua, nhiều người viết trẻ đã vượt lên trở thành những tên tuổi chững chạc và gặt hái được thành công. Ngoại trừ những tác giả đã trở thành Hội viên Hội nhà văn, còn lại có thể nhắc đến một số tác giả tiêu biểu: Văn Thành Lê, Cao Nguyệt Nguyên, Hồ Huy Sơn, Trần Sang, Lữ Thị Mai, Vũ Văn Song Toàn, Lê Vũ Trường Giang, Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nhụy Nguyên… thời gian qua cũng thêm nhiều gương mặt mới xuất hiện, đang kiến tạo cho mình một lối đi riêng với rất nhiều triển vọng và kỳ vọng, như: Đào Quốc Minh, Đỗ Nhật Phi, Kiều Mai Ly, Trác Diễm, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Nguyễn Văn Toan, Kiều Duy Khánh...
“Sống động, phong phú, đó là ấn tượng đầu tiên mà văn trẻ mang đến trong thời gian qua. Văn đàn tồn tại cùng lúc bao nhiêu xu hướng, bao nhiêu quan niệm về nghệ thuật văn chương. Kèm theo đó là sự đa dạng về phong cách, về thể loại cũng như về chủ đề. Nhìn kỹ hơn, sâu hơn, có thể thấy cảm thức về thời đại là có thật trong văn trẻ, là có thật những mĩ cảm hiện đại, và những quan niệm hoàn toàn mới về chức năng, giá trị của văn học đang hiện diện trong văn trẻ. Để có được những điều đáng kể ấy, là cả một sự lao động không mệt mỏi của các nhà văn”, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam – Trưởng ban Nhà văn Trẻ đánh giá.
Nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Đọc văn trẻ nhiều khi tôi giật mình kinh ngạc và khâm phục, đồng thời nhận thấy biển văn là vô bờ”. |
Nói về lớp nhà văn trẻ, nhà văn Chu Lai đã phải thốt lên rằng: “Tôi kính cẩn nghiêng mình trước những cây bút trẻ, ngoại ngữ có, văn hóa có, kiến thức có và dám viết, dám chịu trách nhiệm. Đọc văn trẻ nhiều khi tôi giật mình kinh ngạc và khâm phục, đồng thời nhận thấy biển văn là vô bờ. Bây giờ dù đã viết hàng chục cuốn tiểu thuyết, kịch bản phim nhưng vẫn chưa sờ tới bờ văn chương bên kia ở đâu cả”.
Văn học trẻ tạo nên những dấu ấn rất đáng hi vọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, đó là sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, giữa đa dạng với độc đáo. Rất nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện rầm rộ, nhưng ít tác giả, tác phẩm đặc sắc. Ngoài ra, do sống giữa thời đại công nghệ thông tin với một thế giới phẳng, tương tác trực tiếp cho nên nhiều nhà văn mất dần khả năng ẩn nhẫn, khuất lấp để suy tư. Một số ít cây viết trẻ do mải mê tìm kiếm, xác lập cái mới cho riêng mình nên đôi khi đã bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về thẩm mĩ, về luân lí, cũng như phẩm cách nghề nghiệp.
Nhà văn trẻ Văn Thành Lê chia sẻ: “Các tác giả 8x, 9x ra sách ào ào. Có người “dắt lưng” đến năm, mười đầu sách. Chẳng biết thế hệ trước nhìn xuống chúng tôi thế nào. Cá nhân tôi thấy tất cả mới là khởi động. Văn chương ngày nay, dễ đấy mà khó đấy. Dễ trong việc công bố tác phẩm, dễ trong việc tìm đường đến với người đọc. Nhưng cùng với nó là khó. Khó bởi sự nhiễu của truyền thông thái quá dẫn đến vàng thau lẫn lộn. Khó bởi lối sống công nghiệp, ồn ào trôi đi hằng ngày. Mà văn chương đích thực thì không thể vội, không thể là món ăn nhanh, trước đây là vậy, và bây giờ vẫn vậy”.
Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm. |
Nhưng nhìn chung, “văn trẻ Việt Nam đang có một lực lượng hùng hậu, đang có những tiền để thuận lợi để có thể tiến hành những cuộc bứt phá, dấn thân trong sáng tạo nghệ thuật. Nhìn lại những thành tựu của văn trẻ, hình dung đôi nét về chân dung – diện mạo của họ, chúng ta có thêm niềm tin về những giá trị còn ở phía trước” - nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh./.