"Vũ Trọng Phụng không thua các nhà văn lớn trên thế giới"
VOV.VN - Đó là nhận định của Giáo sư Peter Zinoman - người dịch tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Anh.
“Nhà văn Vũ Trọng Phụng là một trường hợp hiếm hoi trong lịch sử văn học thế giới” - đó là nhận định của Giáo sư Peter Zinoman - người dịch tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Anh và được xem là một trong số những sách dịch hay ở nước Mỹ. Ông cũng chính là tác giả cuốn sách nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng của Vũ Trọng Phụng mang tên: “Cộng hòa Thuộc địa của người Việt: Viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng” vừa được xuất bản. Nhân dịp Giáo sư Peter Zinoman trở lại Việt Nam, phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với ông.
P.V: Thưa Giáo sư Peter Zinoman, ông là một nhà sử học chuyên nghiên cứu về Việt Nam. Cơ duyên nào đưa ông đến với văn học và cụ thể là đến với những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng?
Giáo sư Peter Zinoman: Tôi là một nhà sử học và tôi đã viết một cuốn sách lịch sử Việt Nam dưới chế độ thực dân. Tôi cũng phát hiện có nhiều nhà văn thú vị viết trong thời gian đó. Trong những nhà văn đó, tôi thấy rằng Vũ Trọng Phụng là nhà văn độc đáo, thú vị và xuất sắc nhất.
Giáo sư Peter Zinoman- người dịch tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Anh. |
Người nước ngoài không biết nhiều về nhà văn Việt Nam nhất là trong thời đại này (đầu thế kỉ 20). Đã có một số tác phẩm của nhà văn Việt Nam được dịch ra tiếng Anh nhưng phần lớn thuộc giai đoạn sau đổi mới. Trước đổi mới thì Việt Nam có truyền thống văn học mạnh. Tôi nghĩ, để phản ánh về truyền thống đó thì Vũ Trọng Phụng là một nhà văn rất xứng đáng.
P.V: Vậy thì nét độc đáo nào của nhà văn Vũ Trọng Phụng khiến ông quyết định chuyển ngữ “Số đỏ” sang tiếng Anh và giới thiệu tại Mỹ?
Giáo sư Peter Zinoman: Cái độc đáo của Vũ Trọng Phụng thì rất nhiều. Ông mất rất sớm nhưng đã để lại 8 tiểu thuyết, 4 phóng sự dài, nhiều bài báo, tiểu luận. Trường hợp đó trong lịch sử văn học thế giới rất hiếm. Trong số các tác phẩm đó, tôi thấy Vũ Trọng Phụng có hai tiểu thuyết “Số đỏ” và “Giông tố” là hai tiểu thuyết quan trọng nhất trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ 20.
Khi ông viết 2 tiểu thuyết này mới có 24 tuổi. Điều đó rất lạ và đáng kể. Nếu so với những nhà văn lớn trên thế giới thì Vũ Trọng Phụng không thua ai. Vấn đề chính của “Số đỏ” là vấn đề Âu hóa trong bối cảnh Việt Nam đầu thế kỉ 20. Quá trình Tây hóa cũng sinh ra nhiều chuyện buồn cười. Đọc “Số đỏ”, mặc dù Vũ Trọng Phụng viết về một thời gian cụ thể nhưng vẫn còn ý nghĩa đến hôm nay.
P.V: Được biết tác phẩm dịch “Số đỏ” ra đời trong một hoàn cảnh và không gian khá đặc biệt. Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình ấy?
Giáo sư Peter Zinoman: Tôi bắt đầu từ năm 2001. Tôi và vợ ngồi bên cạnh nhau, dịch từng câu với nhau trong khoảng 3 tháng. Quá trình đó rất chậm nhưng lại rất chính xác.
Lúc đó, chúng tôi ở một căn hộ nhỏ tại Hà Nội, không có máy điều hoà. Vì vậy, ngày nào tôi và vợ cũng vào khách sạn Metropol ngồi 6-7 tiếng để uống cà phê và dịch. Nhiều chương trong "Số đỏ" xảy ra ở nhiều khách sạn, vỉa hè Hà Nội nên khi dịch "Số đỏ" ở đó khiến tối có cảm giác về một Hà Nội của Vũ Trọng Phụng.
P.V: Như ông vừa nói, “so với những nhà văn lớn trên thế giới thì Vũ Trọng Phụng không thua ai cả”. Vậy thì tại sao đến bây giờ tác phẩm văn học Việt Nam chưa được thế giới biết nhiều?
Giáo sư Peter Zinoman: Vũ Trọng Phụng rất giỏi nhưng chỉ viết bằng tiếng Việt. Đó cũng là một lý do tôi dịch "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng, để mọi người hiểu rằng: Có nhiều nhà văn Việt Nam hoặc ở các nước khác không viết sách bằng tiếng Anh nhưng cũng rất đáng đọc.
P.V: Xin cảm ơn ông./.