Văn nghệ sĩ TP.HCM có điều kiện thuận lợi để sáng tạo nghệ thuật
VOV.VN - Chiều 25/7, TP.HCM tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
15 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, TP.HCM triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và hiện là địa phương có các hoạt động văn học, nghệ thuật sôi động nhất cả nước.
Thành phố đã giữ vững và hiện thực hóa quan điểm “Phát triển văn hóa Thành phố theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân Thành phố. Định hướng, hỗ trợ sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân.”. Có thể thấy, TP.HCM đã tạo được môi trường thuận lợi cho văn học, nghệ thuật phát triển phong phú, năng động, sáng tạo.
Đáng chú ý ở TP.HCM là công tác xã hội hóa trong hoạt động văn học, nghệ thuật đã huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư phát triển mạnh mẽ ngành văn hóa ở nhiều khía cạnh, phương diện khác nhau. Nhiều sản phẩm văn hóa ra đời từ chính sách xã hội hóa đã trở thành những sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách.
TP.HCM hiện có khoảng 97.000 người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, 17.000 doanh nghiệp (chiếm 7,74% tổng số doanh nghiệp) hoạt động trong lĩnh vực này, đóng góp ngày càng nhiều vào nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo ra sản phẩm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của TP.
Hoạt động văn học, nghệ thuật cũng đóng góp đáng kể vào phát triển công nghiệp văn hóa của TP.HCM. Ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm của TP gồm 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu là: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Quảng cáo, Du lịch văn hóa, Thời trang với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 14%/năm và phấn đấu đóng góp khoảng 5,7% GRDP hàng năm của TP.
“Chúng ta thấy rằng những sáng tạo văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ có những điều kiện thuận lợi để thể hiện rõ ràng. Trong quá trình sáng tạo đó, 15 năm qua, văn học nghệ thuật của TP.HCM đã có những dấu ấn rõ nét trên các nội dung”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao TP.HCM nói.
TP.HCM xác định tiếp tục quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, định hướng, đầu tư cho phát triển văn học, nghệ thuật. TP có những giải pháp để văn học, nghệ thuật góp phần đáng kể thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.”. Trong đó, xác định văn học, nghệ thuật cần được khai thác một cách hiệu quả yếu tố kinh tế, công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, làm cầu nối phát triển liên kết vùng, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người TP.HCM ra khu vực và thế giới.