Về đất Tổ nghe điệu Xoan Làng Cổ
VOV.VN - Theo truyền thuyết, để nhớ ơn các Vua Hùng đã có công trong thời kỳ dựng nước, người dân Phú Thọ đã sáng tạo hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ Vua Hùng.
Khởi nguồn từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, trải qua hàng nghìn năm lịch sử được cộng đồng gìn giữ, trao truyền, hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, nét sinh hoạt văn hóa mang đậm nét đặc trưng của người dân Phú Thọ. Đặc biệt, hát Xoan hầu hết được thực hành trình diễn ở các di tích đình, đền thờ tự Hùng Vương. Đó chính là không gian diễn xướng, là chất sống đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản hát Xoan.
Nền canh hát nhập tịch
Chặng hát đầu tiên là hát Nghênh thần. Ở chặng này đào, kép Xoan trình diễn 5 điệu hát múa là: Múa mời vua, hát Giáo Trống, Giáo Pháo, Thơ Nhang, Đóng Đám. Mời vua là điệu múa đón vua về ngự ở nội điện của đình. Khởi đầu chiêng trống đổ những hồi dài, các đào chia nhau đứng thành hai hàng dọc từ nhang án ra tới cửa đỉnh, hai tay đưa lên ngang vai vẫy đều như mây bay để rước vua vào nội điện.
Giáo Trống và Giáo Pháo là 2 điệu hát múa trình diễn thành một liên khúc. Khi diễn, ngoài bốn cô đào Xoan hát cùng ông Trùm phường còn có 2 kép con ( khoảng 12, 13 tuổi) tay cầm cặp sênh vừa gõ vừa múa theo nhịp điệu của lời ca. Nội dung của bài Giáo Trống là ca ngợi chiếc trống cơm. Tiếng trống vỗ vang lên trong tiệc đình, là lời cầu mong cho trăm họ no đủ, an hòa.
Nền canh hát quả cách
Chặng hát thứ hai là chặng hát Quả cách. Hát Quả cách là chặng hát thưởng thức nghệ thuật thơ nhạc của các quan viên trong tiệc đình. Thuật ngữ quả cách gồm hai từ quả và cách. Quả là điệu hát, cách là cách thức trình diễn điệu hát. Tất cả có 14 quả cách, nhưng trong tiệc đình, đào kép chỉ trình diễn 12 quả cách là: Nhàn ngâm cách, Tràng mai cách, Ngư tiều canh mục cách, Đối dẫy cách, Hồi liên cách, Xoan thời cách, Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời cách, Tứ mùa cách, Thuyền chèo cách, Tứ dân cách. Còn 2 quả cách: Chơi dâu cách và Kiều Giang cách là những quả chỉ được hát trong lễ kị của phường Xoan.
Nổi tiếng hát lên một đoạn và vuốt dần xuống
Kể từ khi được vua Hùng truyền lại, trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, người Văn Lang đã tổ chức các cuộc hát Xoan để đón chào năm mới, hát nghi lễ hội làng, cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe, hát giao duyên trên cánh đồng, bờ ruộng, đường làng... Chị Nguyễn Thị Sen, Phường xoan Phù Đức trong trang phục áo tứ thân màu ghi, khăn mỏ quạ màu đen say sưa với từng quả cách hát xoan, miệng hát, tay múa, chân đưa. Với một người dân gắn bó với nông nghiệp như chị, những điệu hát dân dã này vô cùng thân thuộc và gắn bó.
“Tôi trồng lúa chăn bò, trên đồi trồng sắn. Những bài tứ dân rất gần gũi với nông nghiệp, (hát một câu hát). Rất vui là sống trong gia đình giữ gìn văn hóa di sản hát xoan, được mẹ truyền dạy cho. Những bài về nông nghiệp này rất thích. Năm mới chỉ nguyện vọng là phải giữ gìn sức khỏe để di sản hát xoan này được bảo tồn mãi.”, chị Sen chia sẻ.
Tỉnh Phú Thọ có 4 phường Xoan gốc thì xã Kim Đức có đến 3 phường: Phù Đức, Xoan Thét, Kim Đái. Trải qua nhiều biến cố, nhưng tại các phường xoan, nghệ thuật hát xoan chưa bao giờ bị đứt đoạn. Những làn điệu cổ dần được lan tỏa. Từ câu chuyện chân chất của những nghệ nhân nhân dân Lê Thị Huệ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội, và nghệ nhân Nguyễn Thị Sen mới khiến ta thêm thấu hiểu, tại sao hát xoan có thể trường tồn.
Lễ hội hát xoan làng Kim Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì thực sự là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian vùng đất Tổ, không những góp phần làm phong phú bức tranh lễ hội dân gian ở Phú thọ mà còn biểu hiện truyền đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của các thế hệ người dân nơi đây. Điệu hát Xoan trầm bổng đã nuôi dưỡng, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của người dân lao động, tuy dân dã nhưng có sức sống mãnh liệt trường tồn trong cộng đồng dân cư./.