7 ngày qua: ĐBSCL dồn lực chống lũ
Sau 10 năm, lũ ở ĐBSCL lại đột ngột xuất hiện với mức nước đặc biệt lớn, làm đảo lộn đời sống, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của dân
Vẫn còn tâm lý chủ quan, coi thường lũ
Theo thống kê, kể từ sau năm 2000 đến nay, ĐBSCL mới lại xuất hiện lũ với cường suất và mức nước lớn như vậy. Lũ năm nay với cường suất và mực nước quá lớn vượt báo động 3 đến gần nửa mét là một bất ngờ đối với toàn vùng ĐBSCL.
Lực lượng vũ trang Quân khu 9 gia cố đê bao chống lũ |
Những ngày qua, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp mưa bão đã làm mực nước tại các vùng đầu nguồn là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười lên nhanh, khiến nhiều đoạn đê bao bị vỡ. Hàng ngàn ha lúa Thu Đông, hoa màu bị nhấn chìm và hàng trăm ngôi nhà của dân nước dâng mấp mé.
Trước những diễn biến bất thường của lũ, công tác phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được các địa phương đầu nguồn lũ vùng ĐBSCL triển khai quyết liệt. Các địa phương đã huy động tối đa sức người, sức của và các phương tiện cơ giới để đối phó với lũ. Công tác phòng chống lũ đã chuyển từ dàn đều sang tập trung ở các điểm xung yếu nhất, có nguy cơ vỡ đê. Các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, ở nhiều khu vực sạt lở nặng, người dân đã viện nhiều lý do để không chịu di dời. Trước tình hình này, các địa phương đã chỉ đạo kiên quyết, huy động các lực lượng, hỗ trợ dân nhanh chóng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Các đợt lũ năm 2011 chưa kết thúc, hàng loạt hiểm nguy vẫn còn chực chờ phía trước. Đây cũng là những bài học đắt giá về việc biến đổi khí hậu hiện nay. Điều này cũng cho thấy, bài toán quy hoạch, phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ngập lũ ở ĐBSCL vẫn đang cần có lời giải.
Khai mạc Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cùng với việc xem xét tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương còn phải xem xét, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đang có những khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương. Vì vậy, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương dành thời gian thích đáng cho nội dung này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Điều lệ Đảng, có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho một vài năm trước mắt mà cho cả nhiệm kỳ, góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cả về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Tăng cường quan hệ hợp tác với Hà Lan, Uzbekistan và Ukraine
Từ 27/9 - 6/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức 3 nước châu Âu là Hà Lan, Uzbekistan và Ukraine.
Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và 3 nước châu Âu nói trên đã có từ lâu. Tuy nhiên, chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với những thỏa thuận cấp cao đạt được với Chính phủ các nước Thủ tướng đến thăm, cùng hàng loạt hợp đồng, dự án đầu tư mà hai bên đã ký kết, chuyến công du nước ngoài lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã góp phần thắt chặt và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước, tạo xung lực mới và mở ra nhiều triển vọng hợp tác phát triển cùng có lợi trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam với các nước.
Xây dựng quy hoạch Xanh thành bản sắc của Hà Nội
Một nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 6 - Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá 15 được khai mạc trong tuần là Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.
Hà Nội xanh là mục tiêu phấn đấu của Thủ đô |
Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phấn đấu trong 4 năm tới, hoàn thành tất cả các đồ án quy hoạch, trong đó khoảng 30 quy hoạch đô thị, 30 quy hoạch phân khu, 60 quy hoạch chi tiết…, dành 70% diện tích đất cho công trình công cộng và không gian xanh.
Nói như ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố sẽ kiên quyết không để “quy hoạch chỉ nằm trên giấy”. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đề ra, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, trong đó khó khăn nhất để xây dựng khối lượng quy hoạch khổng lồ này là thiếu đội ngũ thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, trước mắt, thành phố sẽ phối hợp với trường Đại học Kiến trúc mở những lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ cơ sở.
Các Tập đoàn có nên làm thoái vốn đầu tư ngoài ngành?
Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Theo đó, có 11 đối tượng bị khởi tố điều tra về tội danh trên. Trong số này có 2 bị can đã bỏ trốn, đang có lệnh truy nã quốc tế; 9 bị can còn lại đã được Cơ quan ANĐT Bộ Công an tống đạt kết luận điều tra, đồng thời đề nghị Viện KSND tối cao truy tố các bị can này trước pháp luật.
Các tập đoàn nên thoái vốn để tập trung vào ngành nghề chính của mình (Ảnh minh hoạ) |
Sự việc xảy ra tại Vinashin cũng khiến nhiều chuyên gia kinh tế và dư luận đặt vấn đề các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nên thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính?
Về phía các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có lý giải cho rằng, hầu hết các khoản đầu tư ngoài ngành đều có lãi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đó chỉ là nhận định trước mắt, không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Đầu tư ngoài ngành, các tập đoàn không thể hiểu biết sâu bằng việc kinh doanh chính ngành của mình. Do đó, rủi ro có thể xảy ra và nguy cơ đổ vỡ sẽ rất lớn.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước dừng đầu tư ra ngoài ngành, tính toán rút dần các khoản đã đầu tư ngoài ngành để tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chính.
Với yêu cầu của Thủ tướng là dừng đầu tư ngoài ngành và từng bước thoái vốn, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ đứng trước bài toán không hề dễ dàng, thậm chí có thể sẽ phải trả giá đắt để thực hiện điều đó. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia: Việc thoái vốn có thể làm doanh nghiệp mất một khoản lợi nhuận, nhưng cái được lớn nhất là vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, đây là việc nên làm.
Thương hiệu bị đánh cắp - chuyện buồn không mới
Đó là câu chuyện cà phê Buôn Ma Thuột của Đắk Lắk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Trong khi đó, thương hiệu cà phê Đắk Lắk cũng bị một công ty của Pháp đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác nhau đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu sau cà phê Buôn Ma Thuột, có sản phẩm nào bị “đánh cắp” thương hiệu nữa hay không khi mà việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam còn rất mơ hồ và ít được quan tâm?
Mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là bài học cảnh tỉnh về chuyện bảo vệ thương hiệu |
Trước mắt, tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xúc tiến việc đòi lại thương hiệu cho sản phẩm này. Tuy nhiên, sự việc này cũng cho thấy, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ít được Việt Nam chú ý tới. Các doanh nghiệp, địa phương chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sở hữu công nghiệp nói riêng và sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung nên khi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Tôn vinh các giải Nobel năm 2001
Ủy ban Giải Nobel hôm 7/10, đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2011 cho 3 phụ nữ là Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee và Tawakkul Karman vì các nỗ lực đấu tranh phi bạo lực của họ vì sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ được tham gia đầy đủ trong tiến trình kiến tạo hòa bình. Giải Nobel Hòa bình 2011 một lần nữa cho thấy, vai trò của phụ nữ trong vấn đề dân chủ và hòa bình được đánh giá cao.
Nobel Hòa bình 2011 vinh danh ba phụ nữ là Sirleaf, Gbowee và Karman (trái qua). Ảnh: Nobelprize |
Trước đó, giải Nobel Văn học năm 2011 đã vinh danh nhà thơ người Thụy Điển Tomas Transtroemer. Giải Nobel Hóa học trao cho nhà khoa học Israel Daniel Shechtman. 2 nhà khoa học người Mỹ là Saul Perlmutter, Adam Riess và nhà khoa học người Australia gốc Mỹ Brian Schmidt ngày 4/10 đã giành giải Nobel Vật lý năm 2011, nhờ công trình nghiên cứu về sao băng.
Quan hệ Mỹ - Trung có thể căng thẳng?
Việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua việc tiếp tục triển khai thảo luận và biểu quyết về dự luật trừng phạt thương mại đối với các mặt hàng của Trung Quốc và Cơ quan lập pháp Mỹ có thể thông qua dự luật vào cuối tuần này nhằm trả đũa việc Bắc Kinh cố tình hạ giá đồng nhân dân tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp của mình trong giao dịch thương mại quốc tế đang làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng, Washington không có thái độ cứng rắn đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc là nguyên nhân gây tác động đến cuộc sống của tầng lớp trung lưu Mỹ, làm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Trong khi đó Trung Quốc cho rằng, dự luật này sẽ không giải quyết được các khó khăn của kinh tế Mỹ mà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình cải cách tỷ giá hối đoái mà Trung Quốc đang tiến hành, thậm chí có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại.
Giới chuyên gia nhận định, sẽ còn nhiều thử thách phải vượt qua nếu các nghị sĩ Mỹ muốn thúc đẩy các chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc.
Châu Âu nỗ lực đối phó với khủng hoảng nợ công
Hội đồng Hoạch định Chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 6/10 đã thông qua quyết định giữ nguyên lãi suất đối với các hoạt động tái huy động vốn chủ chốt là 1,5%. Bên cạnh đó, ECB thông báo những biện pháp mới nhằm giúp các ngân hàng đang gặp khó khăn, trong đó có kế hoạch cung cấp các khoản tín dụng mới có thời hạn cho các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn của khu vực ngân hàng cũng như tái khởi động chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước đang ngập trong nợ nần ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Việc cải cách Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) nhằm tăng cường khả năng và quyền hạn của Quỹ này trong nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng trong các nước khu vực cũng đã nhận được sự ủng hộ của 15 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đây được xem một trong những nỗ lực của các chính trị gia và các thể chế tài chính châu Âu nhằm tránh hiệu ứng domino với hệ thống ngân hàng.
Khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang làm đau đầu các nhà đầu tư. (Ảnh: Roarmag ) |
Theo Tổng thống Mỹ Obama, nợ công ở châu Âu đang làm chao đảo các thị trường trên thế giới, đặc biệt tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh nước này đang chống chọi với cuộc khủng hoảng việc làm và sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế.
Ông Obama kêu gọi các nước thành viên khu vực Eurozone cần sớm đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của “dịch” nợ công trên toàn cầu, cụ thể là tại hội nghị của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) dự kiến diễn ra tại Pháp vào ngày 3-4/11 tới.
Steve Jobs - biểu tượng của giới công nghệ qua đời
Cựu CEO của hãng Apple Steve Jobs vừa qua đời ngày 5/10 sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư tuyến tụy.
Thông báo về sự ra đi của Steve Jobs, trên website của Apple là dòng tin ngắn: "Apple vừa mất đi một thiên tài sáng tạo và có tầm nhìn lớn, còn thế giới cũng mất đi một nhân vật kiệt xuất. Những người có may mắn biết và làm việc với Jobs đã mất đi một người bạn thân, một động lực đối với họ. Jobs ra đi, để lại một công ty mà chỉ ông mới có thể xây dựng. Tinh thần và triết lý của ông sẽ mãi gắn bó với Apple".
Hình ảnh Steve Jobs trên máy iPad được đặt cạnh quả táo và iPod trên một băng ghế bên ngoài trụ sở Apple ở Cupertino, California (Mỹ) |
Từ đồng nghiệp đến đối thủ của Apple hay những chính trị gia nổi tiếng đều bày tỏ sự tiếc thương Steve Jobs. Tổng thống Mỹ Obama viết trong thông điệp đăng trên trang blog của Nhà Trắng tối 5/10: "Steve là một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất nước Mỹ, ông đủ dũng cảm để nghĩ khác, đủ táo bạo để tin rằng ông có thể thay đổi thế giới và đủ tài năng để làm điều đó". Trong khi đó, Thủ tướng Australia Julia Gillard cũng cho rằng Jobs đã "thay đổi thế giới" và gọi ông là một "thiên tài sáng tạo".
8 năm sau khi thành lập Apple (1976), Jobs đã cùng công ty này cho ra đời máy tính Macintosh - một cuộc cách mạng về máy tính cá nhân khi đó. Ông từng phải rời khỏi Apple khi không được lựa chọn đảm nhiệm chức vụ CEO và 12 năm sau đó (1997), hãng này đã mua lại NeXT (công ty mới của Jobs) như một cách để đón ông trở về. Kể từ đó, Apple thực sự hồi sinh với iPod, iPhone và iPad. Chúng không đơn thuần là những sản phẩm đẹp và ăn khách mà còn biến đổi ngành công nghiệp âm nhạc và di động.
Biểu tình lan rộng tại Mỹ - Hệ quả của sự chênh lệch giàu nghèo
Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” kéo dài suốt 3 tuần qua ở New York, không chỉ lan nhanh ra khắp nước Mỹ mà còn châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia khác tại châu Âu.
Chính phủ Mỹ đang đau đầu để giải quyết bài toán chênh lệch giàu nghèo (Ảnh: AP) |
Người dân Mỹ có lý do để tức giận khi mỗi ngày, hàng triệu người phải đối mặt với tình cảnh khốn khó, mất công ăn việc làm, thu nhập giảm sút, thậm chí rơi vào nghèo đói. Trong khi đó, những ông chủ ngân hàng, các nhà tài phiệt Phố Wall - những người bị dân Mỹ coi là “thủ phạm” gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008 thì dường như ngày càng nhận được nhiều “ưu ái” hơn từ Chính phủ Mỹ, thông qua các gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, những gì đang xảy ra là lỗi hệ thống của chủ nghĩa tư bản mà chưa có biện pháp nào có thể khắc phục triệt để được. Vì thế, đây cũng không phải vấn đề của riêng nước Mỹ. Các quốc gia phát triển khác ở châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp... cũng đang đối mặt với làn sóng biểu tình hưởng ứng Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”.
Ấn Độ và Afghanistan trở thành đối tác chiến lược
Việc hai quốc gia Nam Á Ấn Độ và Afghanistan ký Hiệp định nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược đã trở thành tâm điểm được chú ý trong tuần.
Với Afghanistan, đây là lần đầu tiên quốc gia này ký Hiệp định đối tác chiến lược với một quốc gia khác, điều đó đủ minh chứng cho sự ưu tiên trong quan hệ của Afghanistan đối với Ấn Độ.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ký kết thỏa thuận (Ảnh AP) |
Với Ấn Độ, các nhà phân tích cho rằng, việc nước này sẵn sàng chìa tay ra với Afghanistan bởi hơn ai hết, Ấn Độ lo ngại Afghanistan rơi vào tay lực lượng Hồi giáo cực đoan, trong bối cảnh Mỹ đang rút dần lực lượng khỏi chiến trường Afghanistan. Vì vậy, những bất ổn ở Afghanistan sẽ nhanh chóng lan sang Ấn Độ cũng như toàn khu vực. Hơn thế, giúp Afghanistan cũng là cách để Ấn Độ thể hiện vai trò và gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực.
Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Afghanistan được xem là bước đi nhằm “xốc” lại quan hệ giữa 2 quốc gia Nam Á cho phù hợp với những thay đổi của khu vực diễn ra trong thời gian gần đây./.