Báo chí cần tạo ra nhu cầu thông tin mới cho công chúng
VOV.VN - Báo chí Việt Nam cần tạo ra những nhu cầu thông tin mới cao hơn, tốt hơn đang là một thách thức đặt ra cho mỗi người làm báo.
Những ngày tháng 6 vừa qua, đội ngũ những người làm báo cả nước một lần nữa lại được cả xã hội, cộng đồng vinh danh nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhiều cấp, nhiều ngành gọi là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”; xã hội, nhân dân tôn vinh nghề báo, người làm báo như là những con ong cần mẫn mang thông tin đến công chúng. Tất cả điều đó nói lên giá trị, vinh quang và cả trách nhiệm của người làm báo.
Báo chí nước ta ngày càng hùng hậu về số lượng, nâng tầm về chất lượng (Ảnh minh họa: C.H) |
Vấn đề đáng bàn ở đây là việc đáp ứng nhu cầu của công chúng như thế nào? Hiện nay, đọc các trang báo in, trang mạng điện tử, xem các chương trình truyền hình, bên cạnh các tin, bài, chương trình đáp ứng tốt nhu cầu thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho công chúng thì đâu đó vẫn có cơ quan báo chí, nhiều khi do “tối đa hóa” yêu cầu thông tin đã chuyển đến công chúng quá nhiều những tin tức mang tính giật gân, câu khách, méo mó, xô lệch với đủ dạng thức từ giật tít đến hình ảnh, âm thanh.
Đó là việc mô tả các vụ án, các scandal, ái tình lăng nhăng; ca sĩ này nghệ sĩ kia ăn mặc, lên xe, xuống ngựa, cãi cọ nhau; khai thác quá sâu vào đời tư của người nổi tiếng; hay đậm đặc các chương trình gameshow, các cuộc thi tuyển chọn thần tượng, người đẹp… Khiến công chúng đứng trước hàng núi thông tin song ở đâu cũng cảm nhận xã hội dường như chỉ thấy xa xỉ, thị trường, bất ổn, xô bồ; các giá trị văn hóa rường cột dường như bị đảo lộn.
Không thể phủ nhận, báo chí là tấm gương phản chiếu toàn bộ nhu cầu, trạng thái của xã hội, dư luận, song việc có quá nhiều các tin tức, bài vở thỏa mãn nhu cầu thông tin mang tính quá đời thường, dân sinh của công chúng, chạy theo nhu cầu tò mò của công chúng đã vô tình làm cho báo chí mất đi vai trò định hướng thông tin, tạo ra nhu cầu mới cho công chúng trong việc tìm đến những thông tin lành mạnh, mang tính chất bồi bổ, vươn lên, hướng tới tầm cao mới, hoàn thiện bản thân, xây đắp xã hội, cộng đồng ngày càng văn hóa, văn minh, hiện đại.
Điển hình như báo chí đưa tin quá nhiều về những giải thưởng nọ, kia, khai thác đủ khía cạnh của các thần tượng mà ít đề cập đến sự lao động miệt mài của thần tượng; hay các bài viết về người giàu sắm sửa, tiêu pha thì nhiều nhưng làm giàu như thế nào, làm gì để giàu có lại quá ít. Các sản phẩm báo chí với gương mặt những con người bình dị vượt qua nghịch cảnh, số phận, vươn lên trong đời sống còn quá ít; các chương trình phát thanh truyền hình giải trí lấn át các chương trình khoa giáo, cung cấp kiến thức khám phá thế giới, con người và đời sống.
Do vậy một nền báo chí phát triển là một nền báo chí không chỉ chạy theo, thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu công chúng mà còn là một nền báo chí tạo ra những nhu cầu mới cho công chúng, dẫn dắt cho công chúng hướng đến những nhu cầu cao hơn, tiến bộ hơn.
Đất nước ta đang trong giai đoạn mở cửa, hội nhập, do vậy báo chí cần khơi gợi để thúc đẩy công chúng hướng đến nhu cầu, khát vọng vươn lên học tập, lao động, sáng tạo làm ra nhiều của cải cho bản thân, gia đình và xã hội để sánh vai với bè bạn quốc tế. Nhu cầu giải trí của công chúng cũng cần được thỏa mãn trong sự đa dạng song cần lành mạnh, bổ ích.
Báo chí cùng với việc chuyển đến công chúng những thông tin sát sườn liên quan đến “cơm, áo, gạo, tiền” song cũng cần cân bằng để có các thông tin mang tính dự báo, dự đoán, chiến lược, xu hướng phát triển của đời sống để công chúng nắm bắt, nhận diện, học và làm theo trong một tâm thế chủ động, đủ sức vượt qua khó khăn, thách thức của mỗi con người, mỗi nhóm đối tượng.
Báo chí Việt Nam trong giai đoạn hội nhập cũng sẽ nằm trong xu hướng chung của báo chí thế giới với việc phải đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong giai đoạn mới, song việc tạo ra những nhu cầu mới cao hơn, tốt hơn đang là một thách thức đặt ra cho mỗi người làm báo./.