Báo động tai nạn lao động ngành than!
VOV.VN -Năm 2013, ngành than đã xảy ra 26 vụ tai nạn lao động, làm chết 30 công nhân.
Khai thác than là một ngành công nghiệp năng lượng khoáng sản quan trọng vào bậc nhất ở nước ta không chỉ bởi những giá trị tài nguyên được đo đếm bằng tiền, mà còn là một ngành đem lại việc làm cho gần 140.000 lao động trực tiếp, hơn nửa triệu người của vùng mỏ Quảng Ninh, góp phần ổn định kinh tế và trật tự xã hội. Thế nhưng, trong hoạt động khai thác than, hàng năm, vẫn có hàng chục vụ tai nạn lao động với nhiều người chết và bị thương. Trong khi trên thế giới, trung bình một triệu tấn than hầm lò mất 1 mạng người thì ở Việt Nam con số này gấp tới hơn 2 lần. Sự đánh đổi này liệu có là quá lớn và vì sao lại như vậy?
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), năm 2013, ngành than đã xảy ra 26 vụ tai nạn lao động, làm chết 30 công nhân (trong đó, tai nạn hầm lò 22 vụ/làm chết 26 người, tai nạn ngoài mặt bằng 4 vụ/làm chết 4 người). So với năm 2012, mặc dù đã giảm được 4 vụ và 4 người chết, thế nhưng vẫn không thể chắc chắn rằng, số vụ tai nạn lao động cũng như số người chết do tai nạn lao động trong ngành than sẽ ngày càng được giảm đi khi mà ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của năm 2014 (cụ thể là vào lúc 23h30 ngày 15/1/2014), một vụ tai nạn lao động đã bất ngờ xảy ra tại Công ty TNHH MTV Than Đồng Vông làm 6 công nhân thiệt mạng và 1 công nhân bị thương nặng. Đây là một trong số những vụ tai nạn lao động có số người chết cao nhất từ trước tới nay của ngành than.
Lao động trong ngành than đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn (Ảnh: petrotimes.vn)
|
Nhìn lại 10 năm qua, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn lao động trong ngành than tăng gần gấp đôi. Số người chết do khai thác than hầm lò của ngành than cũng cao gấp hơn 2 lần so với trung bình của thế giới.
Ngành than cho rằng, nguyên nhân chính khiến tai nạn lao động trong khai thác than hầm lò có chiều hướng gia tăng và gây thiệt hại lớn là do nguồn tài nguyên nằm sâu hơn trong khi địa tầng, cấu trúc địa chất mỗi ngày một phức tạp, khó lường. Thế nhưng, điểm lại một số vụ tai nạn lao động của ngành than thời gian gần đây cho thấy còn rất nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó có 2 vấn đề cơ bản nếu được làm tốt thì hoàn toàn có thể giúp giảm tối đa số vụ cũng như số người chết và bị thương vì tai nạn lao động.
Thứ nhất, đó là việc đầu tư cho công tác an toàn lao động trong khai thác than hầm mỏ nói chung, khai thác than nói riêng. Thống kê cho thấy, phần lớn số vụ tai nạn nặng đều xảy ra ở dưới hầm lò với nguyên nhân gây tử vong do nổ các loại khí độc. Thế nhưng, không ít mỏ than chỉ đầu tư hệ thống cảnh báo khí mê-tan (CH4) mà không thể đo đếm/cảnh báo được các nguồn khí độc khác.
Còn nhớ, vụ tai nạn lao động tang thương tại mỏ than Khe Chàm năm 2008 làm 8 công nhân tử nạn, hơn 20 người bị thương xảy ra khi đang làm việc tại đường lò xây dựng cơ bản chưa được trang bị hệ thống cảnh báo khí. Chỉ riêng điều đó thôi cho thấy, đối với công tác đầu tư cho an toàn chưa được quan tâm đi trước, hiện đại và đồng bộ.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan thứ 2 được chỉ ra, lớn hơn, nguy hiểm hơn lại thuộc về tư duy quản lý. Khi kỹ sư không biết đeo đèn, công nhân không biết khoan 2 chòm, máy xúc đá, không phân biệt được màu gió hay đường lò bẩn/sạch là những kiến thức rất đơn giản, yêu cầu tối thiểu của lao động hầm lò. Cao hơn, đó là sự coi thường, tắc trách, chủ quan trong sử dụng nguồn nhân lực.
Mặc dù tại mỗi công trường, mỏ than, doanh nghiệp trong ngành than đều có Ban an toàn, có Trưởng ban, Phó giám đốc, thậm chí cả Phó Tổng giám đốc chuyên trách công tác an toàn. Thế nhưng, tai nạn lao động lại có nguy cơ xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, từ công tác đầu tư, sử dụng nguồn nhân lực, đến đào tạo và đào tạo lại đòi hỏi sự gắn kết đồng bộ không thể tách rời trong từng công đoạn nhỏ của cả một quy trình sản xuất ra hòn than.
Sẽ rất nguy hiểm nếu như ngành than không đầu tư nhiều hơn nữa cho các thiết bị giám sát, cảnh báo an toàn. Nhưng sẽ nguy hiểm hơn, nếu ngành than không thực sự quan tâm hơn đến công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ việc đào tạo nghề, quản lý và sử dụng lao động!./.