Bát cơm cho trẻ vùng cao

(VOV) -Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, nhưng vẫn còn nhiều đứa trẻ thiếu những bữa cơm no.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các Chương trình 132, 134, 135, rồi mới đây là Chương trình 30a xóa nghèo bền vững cho 62 huyện nghèo nhất nước, cùng nhiều dự án lồng ghép của các tổ chức phi chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp… đồng bào vùng cao đã được cấp đất sản xuất, cấp nước sinh hoạt, được hỗ trợ nhà ở, giống cây trồng vật nuôi, được hướng dẫn sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, đến nay, tỉ lệ đói nghèo ở miền núi, vùng sâu vùng xa, còn khá cao, khoảng 25%. Đặc biệt là với 16 dân tộc rất ít người, tỉ lệ đói nghèo bình quân còn cao  hơn 54 %, riêng dân tộc Chứt, tỷ lệ này là 80%.        

Tại Hội nghị trực tuyến của ngành Lao động -Thương binh và Xã hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt câu hỏi: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh, cháu thì mang mì, cháu thì mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”. Câu hỏi được đưa ra giữa những ngày miền Bắc chìm trong giá rét, bao đứa trẻ ở vùng cao phải vất vả trong cảnh thiếu ăn thiếu mặt càng làm nhức nhối tâm can những người quan tâm đến cuộc sống của đồng bào vùng cao, đặc biệt là trẻ em.  

Một lớp học của các em nhỏ lớp 1 ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc - Hà Giang

Một câu hỏi có vẻ nhẹ nhàng, mà sao xót xa đến thế!

Ai đã từng lên vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới xa xôi, hẳn sẽ không khỏi day dứt khi nhìn những em bé thiếu cơm, thiếu áo, tím tái trong cái rét như cắt da cắt thịt giữa mùa đông. Thật xót xa khi hằng ngày các em vẫn phải đến trường bằng đôi chân trần trên đá, một đôi dép nhựa tổ ong 10.000 đồng, một chiếc áo ấm để các em đi học dường như là điều gì đó còn quá xa vời!

Nhiều ngôi trường giữa rừng không có tường chắn gió, phải dùng bạt nhựa quây tạm. Những đứa trẻ vùng cao ấy, có em lần đầu tiên mới biết đến bánh kẹo nhờ các đoàn cứu trợ mang đến từ miền xuôi!

Thật nghịch lý, khi Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới; ai cũng thuộc làu câu cửa miệng “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em!”, nhưng tại các bản làng xa xôi, vẫn còn nhiều đứa trẻ thiếu những bữa cơm no. Và mùa rét này, liệu còn bao nhiêu điểm trường ở vùng cao, mà các cháu học sinh phải chống chọi với rét buốt trong những căn lều dựng tạm bên bìa rừng, phải bắt chuột để làm thức ăn khi măng ớt không còn, như những học sinh trường nội trú xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La?

Chúng ta trân trọng những tấm lòng cao cả, sự sẻ chia đầy tinh thần nhân ái của cộng đồng, giúp các em bé vùng cao từng chiếc áo ấm, từng bữa cơm có thịt, để các em có thêm nghị lực đi qua những tuổi thơ gian khó. Xã hội cần lắm những tấm lòng nhân ái như thế.

Nhưng, ai cũng biết rằng, những hoạt động tự phát ấy không thể mang lại cơm no áo ấm cho tất cả trẻ em vùng cao một cách công bằng và chu đáo. Vấn đề này cần phải được giải quyết bằng một chính sách mang tầm vóc quốc gia, chứ không thể dừng ở câu khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai”.

Chúng ta vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, với những dự án ngang tầm thời đại, những mục tiêu thiên niên kỷ. Nhưng câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ thật đáng để những người làm chính sách phải suy nghĩ.

Hãy sâu sát hơn để khi làm chính sách, những người có trách nhiệm không quên chuyện thiếu cơm thèm thịt của các em. Hãy đến với dân, với trẻ em bằng tất cả tấm lòng và tinh thần trách nhiệm, để các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả hơn, ít lãng phí, thất thoát hơn.

Hãy đặt chân đến những điểm trường mà các em phải đi bộ cả chục cây số đến lớp mỗi ngày, hãy “ba cùng” với thầy trò vùng cao, chắc chắn người làm chính sách sẽ có câu trả lời xác đáng.

Hãy dành cho trẻ em vùng cao sự quan tâm thiết thực chứ không phải những câu khẩu hiệu màu mè. Hãy bắt đầu từ bát cơm có miếng thịt, từ cái áo ấm, tấm chăn bông, mái nhà tránh rét cho các em. Bởi không ai khác hơn, những đứa bé mang họ Vàng, họ Tẩn, họ Lù, họ Lý… của các dân Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì… còn thiếu ăn thiếu mặc hôm nay, chính chúng chứ không ai khác, mai này lớn lên, sẽ là những người canh giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trẻ vùng cao vui đến trường
Trẻ vùng cao vui đến trường

Khó khăn, thiếu thốn đủ đường nhưng cũng không thể ngăn cản bước chân tới trường của các em.

Trẻ vùng cao vui đến trường

Trẻ vùng cao vui đến trường

Khó khăn, thiếu thốn đủ đường nhưng cũng không thể ngăn cản bước chân tới trường của các em.

Thương những đôi chân trần bé nhỏ trong giá buốt
Thương những đôi chân trần bé nhỏ trong giá buốt

Một cô giáo ở Mèo Vạc nói rằng, trẻ em ở đây được “chọn lọc tự nhiên”, thế nên các em buộc phải thích nghi để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt…

Thương những đôi chân trần bé nhỏ trong giá buốt

Thương những đôi chân trần bé nhỏ trong giá buốt

Một cô giáo ở Mèo Vạc nói rằng, trẻ em ở đây được “chọn lọc tự nhiên”, thế nên các em buộc phải thích nghi để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt…