Biến đổi khí hậu: Kịch bản phụ thuộc vào con người!
Con người chứ không ai khác có thể làm giảm nhẹ hoặc trầm trọng thêm màn kết của vở kịch về cơn giận dữ của thiên nhiên.
“Mặc dù không thể lượng hóa thành con số cụ thể, song chắc chắn rằng, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang ngày một nặng nề hơn”. Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường trong buổi công bố kịch bản biến đổi khí hậu vào cuối tuần trước…
Biến đổi khí hậu đã thực sự “gõ cửa” các cộng đồng dân cư trên khắp Việt Nam. Chỉ sau 3 năm, từ cuối 2009 đến nay,Việt Nam đã phải bổ sung dự báo về biến đổi khí hậu bởi thực tế nhiều vùng đất ven biển đã chịu ảnh hưởng nặng nề bằng với mức được dự báo cho 50 năm tới.
Trước đây, trong quan niệm của không ít người, biến đổi khí hậu chỉ đơn thuần là hiện tượng nước biển dâng. Chuyện mỗi năm nước biển dâng thêm 1cm thì còn lâu mới ảnh hưởng đến mình. Ngay một số chuyên gia cũng dự báo mãi tới năm 2050 biến đổi khí hậu mới tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long (!). GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường gọi đó là tư duy chủ quan, thiếu thông tin so với xu thế chung của thế giới. Và thực tế những ngày đầu năm 2013 này đã chứng minh điều đó.
Biến đổi khí hậu sẽ gây nên hiện tượng nước biển dâng (Ảnh khai thác từ baohaiquan.vn) |
Nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Tiền Giang đang phải chịu tác động nặng nề từ nhiễm mặn mà căn nguyên là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Riêng Bến Tre đã có 5 huyện chịu tác động của tình trạng nhiễm mặn. Tại tỉnh Tiền Giang, vựa cây ăn trái nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang bị nước biển “xâm lấn” 100.000 ha đất canh tác. Mức độ thiệt hại nặng nề này bằng với những gì chúng ta từng dự báo cho… 50 năm sau!
Rõ ràng, kịch bản cũ đã không còn phù hợp và đến ngày 17/4 vừa qua, một lần nữa, kịch bản không ai mong muốn này cũng đã phải bổ sung, chỉnh sửa. Ba năm đã phải chứng kiến sự biến thiên của khí hậu tới 50 năm so với những gì chúng ta hình dung trước đó, đủ thấy diễn biến của biến đổi khí hậu và thiên tai quả là khó lường! Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng nhiều hơn và ác liệt hơn. Trong 5 năm qua, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước ước tính gần 74.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với 5 năm trước đó, theo báo cáo của Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương.
Nếu như cách đây chừng 5 năm, ĐBSCL được xác định là “tâm chấn” chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, thì giờ đây quan điểm này đã có phần đổi khác. Kịch bản lần này đã tính toán chi tiết hơn cho từng khu vực ven biển Việt Nam, thậm chí cả khu vực đồng bằng sông Hồng cũng không thể xem thường chuyện biến đổi khí hậu. Kịch bản đó không chỉ cần những nỗ lực của cấp trung ương, mà quan trọng là cam kết của các chính quyền địa phương trong việc kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu phù hợp với địa phương mình. Thế nhưng, điểm lại 63 tỉnh thành phố trên cả nước, đến thời điểm này mới có 45 tỉnh thành ban hành kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu. 18 tỉnh thành còn lại hoặc cho đó là chuyện của cấp vĩ mô, hoặc coi như không phải chuyện của mình!
Sự thờ ơ với biến đổi khí hậu đã là một sai lầm, nhưng tác động phá hủy môi trường của chính con người mới làm cho biến đổi khí hậu nặng nề thêm, thậm chí phải được coi là tội ác. Số liệu được công bố gần đây về tình trạng chặt phá rừng cho thấy, tỷ lệ phá rừng của những tháng đầu năm nay đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số cách quá xa so với tỷ lệ trồng mới.
Ai đã từng qua vùng biển Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình cách đây vài năm đều đã biết về cánh rừng chắn cát ven biển hơn 3 km được mẹ Nghèng- một người phụ nữ nông thôn gần 20 năm trồng và chăm sóc. Vậy mà mới đây thôi, khi người chủ khu rừng nằm xuống, cánh rừng phi lao ngày đó đã bị chặt hạ không thương tiếc.
Chỉ 2 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ lại phải tiếp tục cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu mới. Thật trớ trêu, đó là thứ kịch bản không ai mong muốn nhưng nó vẫn diễn ra, có khi vượt ra ngoài kịch bản!
Mới thấy, con người xây dựng kịch bản, và cũng chính con người chứ không ai khác có thể làm giảm nhẹ hoặc làm trầm trọng thêm màn kết của vở kịch về cơn giận dữ của thiên nhiên./.