Bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi: Trẻ hóa cán bộ không chỉ là “con cháu“?
VOV.VN -Những người trẻ nếu như thực sự có tài có lẽ người dân sẽ tin tưởng hơn vào công tác cán bộ, vào chủ trương trẻ hóa cán bộ của Đảng.
Trước những vấn đề nảy sinh từ câu chuyện tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm một Giám đốc Sở tuổi 30, là con của nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Bộ Nội vụ đã tổ chức đoàn kiểm tra.
Như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn quả quyết, tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Giám đốc Sở đúng quy trình, đủ điều kiện. Nhưng dư luận quan tâm không chỉ là bằng cấp, quy trình, bởi nó đã quá rõ và đã có câu trả lời khi sự việc mới được đưa ra. Đặt giả thiết, nếu như người trẻ ấy xuất thân từ gia cảnh bình thường liệu có được nằm trong chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được tỉnh Quảng Nam ban hành và triển khai hay không?
Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Nam, ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi |
Theo Nghị quyết của Đảng, hướng dẫn của Trung ương, cán bộ trẻ được quy hoạch, được bổ nhiệm là người có tài, có năng lực, có triển vọng. Quy hoạch để họ được rèn luyện, thử thách, có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý. Quy hoạch cũng là để khắc phục tình trạng “đốt đuốc tìm cán bộ” hoặc “bầu nhầm người” – một thực tế tồn tại qua nhiều kỳ Đại hội và trong công tác bổ nhiệm cán bộ lâu nay.
Có nghĩa, công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, bồi dưỡng, nhưng không đặt ra yêu cầu phải ưu ái, nương nhẹ đối với người trẻ là con của những người có chức, có quyền, mà dân gian vẫn thường gọi là “con ông, cháu cha”.
Dù vậy, và dù những quy trình, quy định về quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ, nhưng đội ngũ “con ông cháu cha” nắm giữ những vị trí quan trọng trong một số cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương vẫn là một thực trạng rất dễ chỉ ra nhưng lại khó xử lý, giải quyết.
Dễ chỉ ra là bởi cán bộ gắn với đời sống thiết thực của dân. Người dân có vai trò giám sát và cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng từ những chính sách do đội ngũ cán bộ đề ra, thực hiện. Bởi vậy, năng lực, lối sống của cán bộ ra sao, người dân đều nắm rõ và phản ánh đúng thực tế khách quan. Còn khó xử lý, khó giải quyết là bởi người dân chỉ có vai trò phản ánh, không có “quyền” xem xét, kỷ luật nếu như cán bộ làm sai hoặc phát hiện những điều bất hợp lý, trái với quy định của pháp luật; bởi trong mọi trường hợp, những người có chức có quyền, những “con ông cháu cha” đã được bảo vệ bằng “tấm lá chắn”, “bùa hộ mệnh” là đúng quy định, quy trình. Mà quy trình trong nhiều trường hợp được thực hiện một cách hình thức, thiếu dân chủ hoặc chỉ là dân chủ hình thức, thậm chí còn bị chi phối, can thiệp vì mục đích cá nhân.
Chính cách làm, cách đề bạt, bổ nhiệm cán bộ ấy đã khiến lòng tin của người dân lung lay. Vì thực tế, không thiếu người trẻ xuất thân từ gia đình nông dân, nghèo khó phẩm chất đạo đức tốt, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, công tác nhưng khó được để mắt tới, chứ không nói đến chuyện xem xét, cất nhắc vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Bản chất của sự việc này là gì nếu không có yếu tố “con ông cháu cha”; nếu không phải là ý chí của những người có quyền quyết định?
Trở lại câu chuyện ở Quảng Nam. Người trẻ ấy, nếu như thực sự có tài, thực sự tạo ra những dấu ấn, thực sự có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương; nếu như không thuộc diện “con ông cháu cha” như dư luận xã hội vẫn quan niệm; nếu như những người trẻ tài năng khác xuất thân từ gia cảnh bình thường cũng được quan tâm, “trải thảm đỏ” như thế có lẽ chuyện không đến mức ồn ào; có lẽ người dân sẽ tin tưởng hơn vào công tác cán bộ, vào chủ trương trẻ hóa cán bộ của Đảng. Nói, những lệch lạc trong tư tưởng, nhận thức, trong việc làm của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị ảnh hưởng đến công tác cán bộ hiện nay là vậy.
Trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vấn đề xây dựng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước là một trong những nội dung đươc Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 đang diễn ra tại Hà Nội đề cập, bàn thảo. Rõ ràng, phải có những đột phá trong tư duy nhận thức về công tác cán bộ, đổi mới quy định về quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ cũng như có những chính sách hợp lý để thu hút những người thực chất, thực tài; kiên quyết gạt bỏ tư tưởng “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”, “con ông cháu cha” mới xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương và đất nước./.