Cải cách hành chính đảm bảo chất lượng phục vụ nhân dân
VOV.VN -Việc công bố Chỉ số cải cách hành chính không phải tạo ra sự cạnh tranh mà là hướng tới đảm bảo sự hài lòng của người dân.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) 2013, đánh giá kết quả triển khai thủ tục hành chính hằng năm của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 tỉnh, thành phố vừa được Bộ Nội vụ công bố. Thứ hạng cao-thấp đã rõ, nhưng đó chưa hoàn toàn là điều người dân và cả xã hội mong đợi. Vấn đề được quan tâm là sự đánh giá ấy có thực chất hay không? Có làm thay đổi nhận thức, phong cách làm việc của các công chức trong nền hành chính phục vụ nhân dân hay không? Bởi cuộc đua thứ hạng sẽ không giải quyết được điều gì nếu như chất lượng phục vụ nhân dân không đảm bảo tính lâu dài, bền vững.
Đây là lần thứ hai trong năm nay, Chỉ số cải cách hành chính PAR Index được công bố. Tuy thời gian chưa hẳn dài sau lần đầu tiên vào tháng 1/2014, nhưng nhiều Bộ, ngành, địa phương được ghi nhận đã có những bước chuyển quan trọng; đã có độ “chênh” so với kết quả đánh giá lần thứ nhất. Có đơn vị được “nhích” bậc, có đơn vị lại tụt xuống. Nó đánh dấu và khẳng định sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, và theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, nó là cách đánh giá toàn diện từ cải cách thể chế đến thủ tục; từ bộ máy đến con người; từ cải cách đến hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.
Việc công bố Chỉ số cải cách hành chính không phải tạo ra sự cạnh tranh, cuộc đua thứ hạng một cách đơn thuần giữa các Bộ, ngành, giữa chính quyền các địa phương trong công tác quản lý Nhà nước. Điều quan trọng là nó có tác động tích cực đến mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu vận động chung của xã hội, hướng tới đảm bảo sự hài lòng của người dân. Và khi đã “vì nhân dân mà phục vụ”, khi những công bộc của dân thực sự lo cho dân thì đương nhiên, người dân phải là người được đánh giá, được thẩm định, được giám sát những chuyển biến của các cơ quan công quyền. Nhưng dường như điều này, cho đến lần công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) lần thứ hai, vẫn chỉ là hình thức.
Theo thang điểm của Bộ Nội vụ khi đưa ra để thu thập ý kiến về cải cách hành chính cho năm 2013 thì ở cấp Bộ, 60 điểm là do Bộ, ngành tự đánh giá và 40 điểm là từ điều tra xã hội học. Ở cấp tỉnh, 62 điểm là do cơ quan hành chính cấp tỉnh tự đánh giá và 38 điểm là từ điều tra xã hội học. Câu hỏi được đặt ra ở đây là với tỷ lệ này, liệu các chỉ số đã công bố có thực sự khách quan hay không? Người dân có nhận thấy chuyển biến tích cực của hoạt động cải cách hành chính hay không? Sẽ khó khẳng định là “có” khi theo đánh giá của chính lãnh đạo Bộ Nội vụ, chỉ khoảng 40% người dân hài lòng với chất lượng dịch vụ công hiện nay.
Hàng chục năm nay, năm nào câu chuyện cải cách hành chính cũng là đề tài được bàn đi bàn lại với nhiều lần cải cách, với quyết tâm cao, nhưng hiệu quả của nó vẫn chưa thực sự lấy lại niềm tin của người dân. Bởi vậy, cải cách hành chính không chỉ là yêu cầu cấp thiết của cuộc sống mà nó đòi hỏi người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương phải là những người thực sự có quyết tâm chính trị, thực sự sốt ruột trước sự trì trệ, ì ạch của hệ thống hành chính nhiều năm qua.
Trong xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2013, không có gì ngạc nhiên khi Bộ Giao thông-Vận tải dẫn đầu danh sách các Bộ, ngành; thành phố Đà Nẵng đứng đầu các địa phương. Những nỗ lực của Bộ Giao thông-Vận tải khi đặt ra và thực hiện tiêu chí “4 xin" (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép). "4 luôn" (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ); những cải cách trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, thi tuyển chức danh lãnh đạo… rõ ràng, rất đáng được ghi nhận. Người dân, doanh nghiệp cũng đánh giá cao chuyển biến rõ rệt ấy. Bởi họ hiểu hơn ai hết, những việc làm này, những cải cách thủ tục hành chính này là thực sự vì họ, vì dân; tiếng nói của họ đã được lắng nghe, thấu hiểu để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình vận hành chung. Đương nhiên ở đó, nổi bật vai trò của người đứng đầu khi quyết tâm mang lại nền hành chính phục vụ nhân dân.
Từ hai lần Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2012 và 2013 được công bố đặt ra vấn đề cần điều chỉnh phương pháp đánh giá; cần minh bạch trong việc công bố kết quả điều tra sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành chính công, đối với đội ngũ cán bộ, công chức, đối với người đứng đầu bộ, ngành, địa phương. Những điều đó nếu được thực hiện nghiêm túc chắc rằng sẽ đảm bảo tính khách quan khi các chỉ số cải cách hành chính được công bố, chất lượng phục vụ của nền hành chính phục vụ nhân dân sẽ đảm bảo tính bền vững, lâu dài./.