Cần lắm những cuộc họp báo “đột xuất”
VOV.VN -Thông tin dù “sạch” nhưng chậm hoặc “đi sau” thì bất lợi là hiển nhiên. Trận địa thông tin bị “bỏ ngỏ” là điều đáng tiếc.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc “nóng”, gây hoang mang trong xã hội như gian lận thi cử, các vụ án mạng kinh hoàng hay việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng... Điều đáng nói là dù các vụ việc khá phức tạp nhưng công chúng lại được tiếp cận thông tin khá nhanh, không bị bủa vây bởi thông tin “nhiễu” hoặc thông tin “bẩn” như thời gian trước, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội đang thống lĩnh hiện nay. Điều đó có được là nhờ những cuộc họp báo “đột xuất” của các cơ quan chức năng.
Cuộc họp báo đột xuất liên quan đến vụ gian lận điểm thi tại Sơn La. Ảnh: VOV-Tây Bắc. |
“Trận địa thông tin” từng bị bỏ ngỏ. Vài năm trước, tình trạng sức khỏe của một vị cán bộ lãnh đạo ở miền Trung đã gây xôn xao dư luận. Trong khi báo chí trong nước hầu như không có một dòng tin nào thì tràn ngập trên mạng xã hội hay dư luận không thiện chí đầy rẫy những thông tin, hình ảnh giả giả-thật thật. Công chúng hoang mang, xã hội bàn tán. Báo chí cũng rất muốn có thông tin chính xác để phục vụ công chúng nhưng mọi cánh cửa đều khép lại. Họ không có nguồn tin. Các cơ quan chức năng thì chậm trễ hoặc đùn đẩy, không muốn cung cấp. Mãi đến khi Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương lên tiếng thì những nghi ngại, đồn đoán mới được giải tỏa. Rõ ràng, thông tin dù “sạch” nhưng chậm hoặc “đi sau” thì bất lợi là hiển nhiên. Trận địa thông tin bị “bỏ ngỏ” là điều đáng tiếc.
Bộ Thông tin và Truyền thông từng ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhưng tình trạng đùn đẩy, “né” báo chí xảy ra khá phổ biến với lý do “không được giao quyền phát ngôn”. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2017, khi Chính phủ ban hành một Nghị định quy định chi tiết “việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” thì mọi việc đã khác.
Ngoài các cuộc họp báo định kỳ hoặc cơ quan chức năng chủ động đăng tải trên cổng thông tin, trên mạng xã hội hoặc cung cấp thông tin cho báo chí, Chính phủ yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin trong trường hợp “đột xuất, bất thường” khi xảy ra sự cố mang tính quốc gia liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng…
Nghị định cũng yêu cầu, trong trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, kể từ khi vụ việc xảy ra.
Cung cấp thông tin cho báo chí tức là cung cấp thông tin cho xã hội, giúp định hướng dư luận xã hội để họ hiểu đúng, hiểu đủ về một vấn đề nào đó. Niềm tin của nhân dân vào các cơ quan hành chính nhà nước nhờ đó cũng được tăng lên.
Tuy nhiên, để thỏa mãn nhu cầu thông tin của công chúng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Sau thông tin ban đầu, thông tin “sơ bộ”, công chúng cần được cung cấp thông tin đầy đủ hơn, chi tiết hơn, hoặc thông tin có đầu, có cuối. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng chưa hẳn đã sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí bằng nhiều lý do khác nhau, chưa sẵn sàng tổ chức các cuộc họp báo “đột xuất”, ngay tức thì. Nhiều thông tin gây ồn ào dư luận, rồi lặng lẽ rơi vào quên lãng mà chưa rõ thực hư.
Chúng ta có một lực lượng báo chí “hùng hậu” với khoảng 850 cơ quan báo chí và hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ. Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần đề nghị, báo chí phải thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời phản bác những thông tin sai trái, làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội…Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ đó, ngoài nỗ lực của các cơ quan báo chí, việc chủ động cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết.
Thông tin minh bạch, đúng lúc, đúng thời điểm… giống như liều thuốc kháng sinh để diệt trừ thông tin “xấu”, thông tin “độc hại”. Những cuộc họp báo "đột xuất" cũng không ngoài mục đích đó./.