Cha mẹ giết con rồi tự tử: Giật mình những kẽ hở “mềm”
VOV.VN -Ép các con thơ chết còn mình tự tử là hành vi cần lên án mạnh mẽ. Một phần do họ kém hiểu biết, bế tắc nhưng lại không có nơi để giải tỏa, chia sẻ.
Vụ một người cha ở Yên Bái giết 2 con trai rồi tự tử vẫn chưa kịp lắng xuống, dư luận lại bàng hoàng vì vụ một phụ nữ ở Long An đã tự tay sát hại hai con của mình rồi tự tử. Đi tìm nguyên nhân xảy ra những vụ án này, kết luận của cơ quan điều tra đều cho thấy, họ đều sống trong hoàn cảnh gia đình “có vấn đề”, vợ chồng mâu thuẫn, xích mích, sức khỏe tâm thần không ổn định. Nhưng chưa hết, một vài vụ việc đau lòng khác xảy ra trước đó lại xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt trong cuộc sống gia đình, vợ chồng.
Công an khám nghiệm hiện trường vụ ba mẹ con chết ở Long An |
Trước những vụ việc này, nhiều người cảm thông, chia sẻ. Nhưng cũng phải nghiêm túc mà nói tự tử là điều không ai khen ngợi, thậm chí rất đáng trách. Hành vi lấy cái chết của mình và con cái để giải thoát, trả thù ai đó là dại dột. Ép con nhỏ chết theo mình là hành vi giết người, vi phạm pháp luật, đạo đức cần lên án mạnh mẽ. Tất nhiên, ở đây cũng cần nhấn mạnh trách nhiệm của người đã trực tiếp hay gián tiếp đẩy những người này đến hoàn cảnh khốn cùng, phải lựa chọn cái chết.
Họ, những người làm cha, làm mẹ có lẽ đã không muốn và không chịu đựng nổi áp lực cuộc sống nên đã tìm đến cái chết. “Hổ dữ còn không ăn thịt con”, vậy tại sao những người làm cha làm mẹ này lại tước đoạt cả mạng sống của con mình? Phần nhiều có thể giải thích do nhận thức và sự chịu đựng của họ còn kém. Họ đã không chọn cách chia sẻ hoặc không tìm được nơi tin cậy để chia sẻ những gì đang chất chứa trong lòng để đến mức họ phải sống trong cảnh “trầm cảm” hay “loạn thần”.
Cũng có nhiều vụ việc, cha mẹ giết con rồi tự tử chỉ vì những xung đột, mâu thuẫn nhất thời. Những sự việc như vậy có thể đã không xảy ra nếu các tổ hội phụ nữ chia sẻ với các gia đình về cách ứng xử khi gặp mâu thuẫn nhỏ.
Có lẽ với người Việt Nam, quan niệm bệnh tật phải là sự đau yếu, què quặt, đau đớn… là những thứ phải trông thấy, nhìn thấy bằng mắt chứ không phải là những tổn thương tinh thần mà một người nào đó đang phải gánh chịu. Nhiều người bị trầm cảm, stress nặng có những hành vi không bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng lại chưa được gia đình quan tâm đúng mức, coi đó là chuyện của “người ta”. Chỉ đến khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, gia đình và những người xung quanh mới giật mình soát xét lại những thứ không bình thường đã xảy ra trước đó.
Từ những hành động dại dột này lại nghĩ tới cảnh trong các bệnh viện, đặc biệt là khoa ung bướu dành cho nhi, mới thấy cuộc sống đáng quí nhường nào. Nhiều gia đình kiệt quệ vì lo tiền chữa bệnh, giành giật cuộc sống cho con. Giật gấu vá vai, lo từng đồng để kéo dài cuộc sống cho con dù chỉ được tính bằng ngày tháng. Vậy mà có những người cha, người mẹ, trong lúc nóng giận lại đang tâm giết chính đứa con do mình dứt ruột sinh ra, như vậy có công bằng với các bé?
Xã hội nào cũng có những câu chuyện hy hữu xảy ra vấn đề là tần suất và mức độ thế nào mà thôi. Thời gian qua, những vụ việc cha hoặc mẹ giết con rồi tự vẫn không phải là chuyện hiếm. Nó thực sự khiến cho xã hội phải quan tâm lo lắng. Điều này liên quan đến sự nghèo đói? Không hẳn, vì có những gia đình có “của ăn của để” nhưng có thể do áp lực trong cuộc sống không được chia sẻ đã khiến người họ có những hành động dại dột, đáng trách.
Tìm gặp bác sĩ tâm lý khi gặp vấn đề rắc rối, bế tắc trong cuộc sống… đối với nhiều người ở Việt Nam còn rất lạ lẫm. Nhiều người sống trong bế tắc, căng thẳng nhưng lại chưa một lần tìm gặp những bác sĩ tâm lý để được nói chuyện, khơi gợi, giải phóng những uẩn ức, suy tư trong lòng. Trong khi đó, cộng đồng và những người thân của chính họ lại coi đó là “chuyện của nhà người khác”. Ở đây, rất cần vai trò của các tổ chức đoàn thể, hội và gia đình.
Ở nước ta, hiện đã có khá nhiều đơn vị hoạt động tư vấn, tham vấn, hỗ trợ cộng đồng và các hội, đoàn thể. Tuy nhiên, tính thiết thực và độ phủ của hoạt động này còn nhiều hạn chế, khiến một người muốn tìm người, tìm nơi tin cậy để giải tỏa bế tắc thì không biết tìm ở đâu. Nhiều người cho rằng, cần có một tổng đài tư vấn tâm lý với số điện thoại dễ nhớ, độ phủ sóng rộng khắp các tỉnh thành cả nước với sự liên kết ban, ngành, đoàn thể các địa phương đến tận xã, phường để giúp đỡ cộng đồng. Nếu có số điện thoại này, ít nhất những ông bố/bà mẹ đang bế tắc sẽ tìm được sự thấu hiểu sẻ chia hay động viên, định hướng… mà không phải câm lặng chịu đựng đến mức phải bức tử những đứa con do mình dứt ruột sinh ra./.