Chỉ số giá tiêu dùng lẽ ra có thể giảm nhiều hơn
VOV.VN -Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10/2014 và tính chung tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Đây là lần thứ hai trong năm chỉ số CPI giảm, và là chỉ số tháng 11 thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng giảm được đánh giá là chuyện hiếm hoi và đem lại niềm vui cho đa số người nội trợ, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm mặt hàng và dịch vụ được thống kê, tháng này có tới 4 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, chiếm hơn 60% trọng số của toàn rổ hàng CPI, trong đó gồm cả hai nhóm hàng chiếm trọng số lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước, chất đốt…
Ngay từ đầu tháng, món quà lớn mà người tiêu dùng nhận được là giá gas giảm mạnh, như bình 12kg giảm tới 40.000 đồng, do giá nhập khẩu giảm. Nhóm "chất đốt" có gas, dầu hỏa, xăng đều giảm giá, ngoài tác động trực tiếp, còn là đầu vào, nên tạo hiệu ứng gián tiếp làm giảm giá các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giá thực phẩm. Nhóm giao thông cũng có mức giảm giá nhẹ khoảng 2,7% so với tháng trước.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy trên các phương tiện truyền thông suốt tháng vừa qua, liên tục phản ánh về việc xăng dầu chậm giảm giá theo đà giảm của giá xăng dầu thế giới, rồi doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá khi giá xăng trong nước đã điều chỉnh giảm. Người tiêu dùng phàn nàn, bức xúc về giá xăng dầu vẫn diễn bài "tăng nhanh, giảm chậm". Đến lần giảm giá xăng thứ 10 vừa rồi, mức giảm giá, và sự nhanh chóng điều chỉnh giảm giá mới làm người tiêu dùng hài lòng, và cảm nhận được Nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu đã "quản" được tốt hơn giá mặt hàng thiết yếu này.
Theo quy định, xăng dầu thuộc nhóm hàng hóa “Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng” và là một trong 572 mặt hàng tính chỉ số giá tiêu dùng CPI, chiếm tỷ trọng 10% trong "rổ" hàng hóa này, nên sự tăng giảm giá xăng dầu, sẽ tác động nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng, cộng cả tác động trực tiếp và gián tiếp. Vậy nên nhìn lại diễn biến điều chỉnh giá của các mặt hàng, dịch vụ, đặc biệt là nhóm giao thông vận tải, thì thấy rõ tháng này chỉ số giá tiêu dùng lẽ ra có thể giảm nhiều hơn, nếu các doanh nghiệp vận tải không "lừng khừng" trong việc giảm giá cước.
Sự "lừng khừng" này của doanh nghiệp buộc các cơ quan quản lý phải vào cuộc, tổ chức các đoàn kiểm tra, kê khai giá cước vận tải. Các chuyên gia kinh tế nhận định: Đến giai đoạn này, thị trường đã bắt đầu có những điều tiết theo quy luật, sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng là để thúc đẩy quá trình điều tiết này, chứ không thể can thiệp kiểu mệnh lệnh hành chính, sẽ làm méo mó thị trường. Do vậy, người tiêu dùng, với "sức mạnh mềm" là quyền lựa chọn, hay không lựa chọn hàng hóa dịch vụ, cùng sự tiếp sức của truyền thông, sẽ làm thị trường thay đổi, như câu chuyện cước vận tải buộc phải giảm và ngăn ngừa các hành vi tăng giá "té nước theo mưa", mỗi lần giá xăng dầu tăng, hay lương công chức được điều chỉnh tăng, hoặc thiếu hàng hóa cục bộ do thiên tai, bão lũ...
Với hiệu ứng từ lần giảm giá xăng dầu thứ 10 vừa qua, khi mà mức giảm lớn nhất từ đầu năm tới giờ cho mỗi lít xăng và dự báo giá xăng dầu còn có thể giảm nữa, chắc chắn chỉ số giá tiêu dùng tháng cuối năm sẽ không tăng nhiều. Vì thế, lạm phát năm 2014 thậm chí chỉ dừng ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với dự báo hồi đầu năm./.