Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
(VOV) -Thiên nhiên ban tặng cho loài người nhiều thứ quý giá, nhưng có giới hạn. Con người phải biết trân trọng và gìn giữ.
Tình trạng nước biển dâng, sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức, ảnh hưởng từ các hoạt động thượng nguồn, các sông lớn của khu vực làm cho triều cường, ngập lụt diễn ra mạnh, nhanh hơn so với dự báo. Những hiện tượng thiên tai như bão, lũ, hạn hán diễn ra bất thường, cực đoan khó lường.
Tài nguyên ngày càng cạn kiệt, nhất là tài nguyên không tái tạo do khai thác quá mức và không bền vững. Vấn đề sử dụng nước rất lãng phí, kém hiệu quả, nhiều nơi thiếu nước gay gắt vào mùa khô, nhất là vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Những xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên xảy ra ngày càng phức tạp.
Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, có nơi diễn ra nghiêm trọng, làm suy giảm chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe, thể chất của người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi và cản trở sự phát triển bền vững của đất nước.
Người dân xã Ia Chim, TP Kon Tum mưu sinh trên những vũng nước còn đọng trên hồ thủy lợi Tân Điền trong đợt hạn hán đầu năm 2013 (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Thế kỷ 21 được cho là thế kỷ của tài nguyên sinh thái, các quốc gia hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững trở thành xu thế của thời đại. Nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới được đầu tư nghiên cứu ứng dụng, triển vọng sẽ trở thành nguồn năng lượng chủ đạo trong tương lai. Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, các nước đều đứng trước những cơ hội và cả những thách thức. Theo đó nhiều rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại được dựng lên, nhất là rào cản về môi trường, về biến đổi khí hậu, làm cản trở sự phát triển của các nước, nhất là những nước yếu thế phát triển thấp.
Ở những nước có trình độ phát triển thấp hơn như nước ta còn đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ, máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu của các nước phát triển. Trong khi đó, những vấn đề đàm phán toàn cầu về cắt giảm phát thải khí nhà kính còn nhiều khó khăn, ít đạt được kết quả khả quan. Không gian trên đất liền ngày càng trở nên chật hẹp, tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt dần, nhiều nước thay đổi chiến lược hướng mạnh vào phát triển và khai thác tài nguyên trên biển.
Trước tình hình và bối cảnh đó, chúng ta cần phải chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ đặt ra vừa cấp bách vừa lâu dài trong ứng phó với biến đổi khí hậu là: Nâng cao năng lực của các cơ quan dự báo, cảnh báo thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu. Công tác dự báo, cần được đầu tư một cách hợp lý và đi trước một bước. Từ đó, xây dựng nhận thức cho toàn xã hội trong chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đấy chúng ta cùng các quốc gia trong khu vực tích cực đàm phán, phối hợp nhằm cắt giảm tối đa những hiệu ứng nguy hại đến biến đổi khí hậu.
Nước ta cần chủ động phòng chống và hạn chế tác động xấu của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ.
Đối với công tác quản lý tài nguyên: cần có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng tiềm năng, giá trị các nguồn tài nguyên quan trọng trên đất liền và trên biển. Có chính sách khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia; đảm bảo cân đối quỹ đất khoảng 3,8 triệu héc ta cho chuyên trồng lúa; khai thác hợp lý bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên sinh vật; khuyến khích nghiên cứu để tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn năng lượng.
Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay ở nước ta đang được đặt ra hết sức cấp bách. Ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề không chỉ ở đô thị mà ở các vùng ven thị, vùng nông thôn; đặc biệt là ở các khu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các khu chứa chất thải y tế, các vùng ô nhiễm hóa chất và bom mìn do hậu quả của chiến tranh để lại.
Ngày nay, việc bảo vệ môi trường không giới hạn ở một vùng, một tỉnh, một nước mà đã trở thành vấn đề của toàn cầu. Vì vậy, việc này không thể phó mặc cho các cơ quan quản lý nhà nước và không chỉ chờ đợi ở các cơ quan thực thi vệ sinh môi trường mà mỗi chúng ta, từ trẻ tới già, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi, hải đảo đến từng xóm, ngõ, bản, thôn, đặc biệt ở các khu đô thị, khu đang đô thị hóa, các trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi sản xuất tiểu thủ công nghiệp... cần có nhận thức và hành động cụ thể từng ngày, từng giờ để góp sức bảo vệ môi trường. Đây cần xem như một nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, nhằm bảo vệ cuộc sống của chúng ta và của các thế hệ mai sau, bảo vệ cho trái đất được xanh – sạch – và an toàn.
Tục ngữ Việt Nam có câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” hay “người ta không chết mà tự giết mình”. Điều đó muốn nhắc nhở chúng ta rằng thiên nhiên ban tặng cho loài người nhiều thứ quý giá, nhưng có giới hạn; vì vậy không ai khác chính con người phải biết trân trọng và gìn giữ nó. Chúng ta cần có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng, hành động đúng. Mỗi việc làm dù nhỏ cũng sẽ góp phần vô cùng lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh và có trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng con người, của thiên nhiên và của toàn xã hội./.