Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe doạ và trẻ bị bạo hành: Vì đâu nên nỗi?
VOV.VN - Khi Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh phải cầu cứu đến Thủ tướng đã cho thấy sự bất lực của cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương.
Những vấn đề nổi cộm như cát tặc, trẻ bị xâm hại tình dục, bạo hành… đã tồn tại rất nhiều năm qua nhưng sau mỗi sự cố, các lực lượng chức năng rộ lên một thời gian để dẹp, thanh tra, kiểm tra… rồi lại đâu vào đấy.
Đơn cử như vấn nạn “cát tặc” hoành hành ở khắp các địa phương nhưng nhiều năm qua chính quyền "bó tay".
Lời kêu cứu của Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh gửi đến Thủ tướng đã cho thấy sự bất lực của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trước sự vi phạm, coi thường luật pháp của một nhóm người hành xử theo kiểu côn đồ, xã hội đen. Chủ tịch tỉnh – là lãnh đạo, người đứng đầu một địa phương, khi ra tay dẹp vi phạm mà còn bị đe doạ như vậy thì những cán bộ thuộc cấp, dân đen nếu thấy bức xúc, chướng mắt thì sao dám tố cáo, lên án những hành vi vi phạm pháp luật mà họ chứng kiến?
Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến mọi sự “như tơ vò” hiện nay do công tác quản lý quá chồng chéo, nhiều đầu mối. Thế nên mới có tình trạng “cha chung không ai khóc”. Cộng vào đó là các cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý, thậm chí là bao che, “bảo kê” cho các hoạt động trái pháp luật. Ví dụ về cây xúc xích minh hoạ cho tình trạng này là dễ thấy nhất. 7 bộ, ngành quản lý 1 cây xúc xích… thế nhưng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra liên miên, khiến nhiều người dân phải chịu cảnh bệnh tật, thậm chí phải trả bằng tính mạng của mình.
Chưa hết, nhìn lại thời gian qua, có biết bao nhiêu vụ xâm hại tình dục trẻ em bị xử lý nghiêm? Mỗi năm xảy ra hàng nghìn vụ nhưng số vụ, số kẻ phạm tội bị đưa ra xử lý chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn đa phần những kẻ phạm tội sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí có những kẻ quay trở lại doạ dẫm gia đình nạn nhân. Điều này đồng nghĩa với việc, có hàng nghìn nạn nhân là các em nhỏ và gia đình của họ phải sống trong mặc cảm, sợ hãi. Đau lòng hơn, nhiều em đã tìm đến cái chết. Và còn biết bao cơ sở trông giữ trẻ em được trả tiền để chăm sóc các bé nhưng lại bạo hành các bé mà chưa bị phát giác?
Vấn đề cần nói ở đây là những vụ việc này đã tồn tại lâu nhưng không giải quyết triệt để được. Mỗi khi có sự vụ xảy ra thì mới được đẩy lên cao trào, rồi tập trung chỉ đạo, giải quyết… sau một thời gian lại đâu vào đấy. Có phải vì hệ thống luật pháp của chúng ta còn thiếu? Không phải. Luật pháp của chúng ta đã có, thậm chí qui định khá chặt chẽ nhưng những người thực thi pháp luật lại không nghiêm, thậm chí lợi dụng kẽ hở của pháp luật để bao che, kiếm chác từ những hành động phạm pháp… đã khiến cho tình trạng “nén bạc đâm toạc tờ giấy” không còn là chuyện hiếm, chuyện lạ. Tình trạng này đã được chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung công khai trước công luận, rằng công an “bảo kê” cho hàng trăm quán bia. Thế mới có chuyện, ai muốn làm gì ở đâu thì việc đầu tiên họ nghĩ tới là “ai chống lưng cho mình”.
Những câu chuyện nhức nhối, nói đi nói lại, xử lý nhiều lần nhưng không hiệu quả, không có sức răn đe… Tình trạng nhờn luận, ỷ thế quen thân, coi thường luật pháp, “luật rừng” vẫn đang hiện hữu. Thực tế này bắt buộc các lực lượng thực thi công lý, pháp luật, cơ quan quản lý, chính quyền các cấp phải dùng sức mạnh “bàn tay thép” mới mong lập lại trật tự, kỷ cương xã hội./.
Xâm hại tình dục: Từ chuyện của MC Phan Anh và nữ doanh nhân Hoài Anh
Vụ Chủ tịch Bắc Ninh bị đe dọa: Bộ GTVT chính thức lên tiếng