Chụp ảnh kỷ yếu: Có nhất thiết phải “độc, lạ”?
VOV.VN -Ảnh kỷ yếu chỉ đơn thuần ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi học trò, có nhất thiết phải “độc, lạ”, có khi phải trả bằng cả mạng sống…
Sau vụ việc hai học sinh ở Nghệ An bị sóng biển cuốn trôi khi đang chụp ảnh kỷ yếu và nhiều câu chuyện đau lòng, lùm xùm liên quan đến việc chụp ảnh kỷ yếu cuối năm của học sinh sinh viên thời gian qua, đã đến lúc những câu chuyện tưởng như chỉ là sở thích của con trẻ cần được người lớn nghiêm túc quan tâm.
Người thân của hai em học sinh bị đuối nước trong nhóm đi chụp ảnh kỷ yếu ở Nghệ An. |
Thời điểm kết thúc năm học 2016-2017 đang cận kề, cùng với việc tập trung cho ôn thi cuối cấp, ôn thi THPT quốc gia, tốt nghiệp đại học… nhiều học sinh, sinh viên lại bận rộn với việc chụp ảnh kỷ yếu, liên hoan chia tay.
Nếu như trước kia, học sinh cuối cấp hoặc ra trường chỉ chụp một vài tấm hình tập thể, nhóm bạn để làm kỷ niệm nơi sân trường, công viên, thì nay cái sự “chụp ảnh kỷ yếu” lại lắm nhiêu khê. Nhiều lớp tìm đến những nơi hiểm trở, vắng người để có bộ ảnh “độc”, lạ. Có khi, các em dành cả tuần hoặc mấy buổi để thuê quần áo, trang phục, đạo cụ để chụp ảnh.
Liên quan đến những việc tưởng chừng rất trẻ con này có nhiều thứ người lớn phải suy ngẫm và uốn nắn cách hành xử cho các em. Bởi, ngoài sự an toàn cho các em, trong quá trình đi dã ngoại, chụp ảnh lại gặp không ít những rắc rối, phiền toái ngoài tầm kiểm soát của con trẻ. Cùng với đó, vấn đề tiền bạc cũng là điều phải lưu ý. Bởi với nhiều gia đình, khoản tiền vài trăm nghìn không có gì phải bận tâm. Nhưng nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì sợ mang tiếng, xấu hổ với bạn bè nên cũng về nhà néo nuốt cha mẹ cho tiền để đi chụp ảnh kỷ yếu cùng các bạn, nhiều em chịu cảnh dày vò, day dứt vì xin tiền bố mẹ không có, mà không tham gia cùng tập thể lại bị các bạn cô lập, xa lánh.
Việc lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi học trò là việc nên làm, nhưng cách thức làm như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của tuổi học trò là điều đáng quan tâm và cần người lớn định hướng cho các em. Như hiện nay, việc chụp ảnh kỷ yếu vừa tốn thời gian của các em lại nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có ở tuổi học trò.
Để các em có cách nhìn đúng đắn, cư xử đúng mực với việc chụp ảnh kỷ yếu, rất cần có sự định hướng của các thầy cô, các bậc cha mẹ, người lớn, nếu có thể, nhà trường cần có những qui định rõ ràng về việc này. Các lớp, tập thể (đặc biệt là học sinh cuối cấp) muốn chụp ảnh kỷ yếu cần phải có kế hoạch với nhà trường, ban phụ huynh và có người lớn cùng giám sát để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra với các em.
Ngay từ bây giờ, người lớn cần giúp các em hiểu được giá trị của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chứ không thể “thả” cho các em quá lãng phí thời gian, tiền bạc vào những việc không cần thiết./.
Chụp ảnh kỷ yếu, 2 học sinh bị sóng biển cuốn trôi