Cờ bạc “áp đảo” văn hoá lễ hội

Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng theo đánh giá sơ bộ, số người chơi cờ bạc ở các lễ hội đông hơn nhiều so với số người đi xin chữ.

Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng theo đánh giá sơ bộ của các cơ quan chức năng và nhiều địa phương, tệ nạn cờ bạc ở các lễ hội trong “tháng ăn chơi” năm nay gia tăng đáng báo động, kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc. Về văn hóa thì thật là buồn, khi thấy số người chơi cờ bạc ở các lễ hội đông hơn nhiều so với số người đi xin chữ.

Kinh tế phát triển, cuộc sống đỡ vất vả hơn, nên ngày càng có nhiều người du Xuân, tham gia lễ hội, chiêm bái đình chùa miếu mạo. Đối với các địa phương, lễ hội cũng là dịp để thúc đẩy dịch vụ phát triển, tăng sức tiêu thụ hàng hóa và làm cho đồng tiền lưu chuyển nhanh hơn. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi tại nhiều lễ hội đầu Xuân mới này, thì tệ nạn cờ bạc gia tăng một cách đáng báo động.

Ở nhiều nơi, lợi dụng đông người, các ổ nhóm chơi xóc đĩa, đánh bài lá, đánh cờ thế ăn tiền ngang nhiên hoành hành mà không bị ai nhắc nhở hay xử phạt. Cờ bạc còn ẩn hình bằng nhiều trò vui chơi có thưởng được phép hoạt động công khai. Người nào rơi vào vòng xoáy đỏ đen thường nảy sinh cay cú ăn thua, rồi chửi thề, đánh nhau, không ít vụ chém giết nhau hậu quả rất đau lòng.

Không khó bắt gặp những hình ảnh bịp bợm tại lễ hội (Ảnh: KT)

Còn nữa, nhiều người đi lễ hội Xuân trót đánh bạc hết số tiền cần chi tiêu cho nhu cầu cần thiết của gia đình dẫn đến lục đục trong nhà, hôn nhân tan vỡ. Chưa hết, về mặt xã hội thì đi cùng với cờ bạc là nạn cho vay nặng lãi, cướp giật, đòi nợ thuê, và nhiều tệ nạn khác… Về văn hóa thì thật là buồn khi thấy số người chơi cờ bạc ở các lễ hội đông hơn nhiều so với số người đi “xin chữ”.

Đầu năm du Xuân, đi lễ hội cầu phúc lộc tài, an khang thịnh vượng, mọi việc hanh thông, sự nghiệp tấn tới, vậy vì sao lại có tình hình ngược với ước nguyện của mọi người như vậy? Thứ nhất cần nhìn nhận rằng, lễ hội ngày Xuân ở nước ta hiện nay nở rộ ra quá nhiều. Nơi này có lễ hội thì nơi kia cũng phải “nghĩ ra” lễ hội cho khỏi thua kém. Địa phương coi đó là nguồn thu hút khách du lịch nên chỉ chăm chăm về mặt kinh tế, mà thiếu quan tâm đến cái gốc văn hóa và những vấn đề xã hội nảy sinh từ đây.

Thứ hai là cùng với phát triển kinh tế, thì lối sống thực dụng coi đồng tiền trên hết đã kích thích máu đỏ đen của những người lười lao động mà muốn có tiền do may mắn. Thứ nữa cần phải nói là dịch vụ “xin chữ” đi kèm theo các lễ hội ở nơi này nơi khác đã bị biến tướng, không còn giữ được nét đẹp tao nhã. Xin chữ và cho chữ đều có mục đích và giá cả rõ ràng. Người không hiểu chữ cũng đi xin. Người biết dăm ba chữ cũng múa bút để thu tiền. Ở những nơi như thế thường đi kèm cả dịch vụ xem tướng số, bói quẻ...

Tệ nạn cờ bạc tại các lễ hội gia tăng là dấu hiệu chỉ báo về về đạo đức xã hội suy thoái, văn hóa xuống cấp, phản ánh đời sống tinh thần nghèo nàn của những người sa đà vào đó. Năm nào, ngành văn hóa cùng các địa phương cũng tăng cường lực lượng và có biện pháp phối hợp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các lễ hội mùa Xuân, trong đó có cam kết không để xảy ra tệ cờ bạc dưới mọi hình thức. Thế nhưng, trò đỏ đen đánh vào lòng tham của con người vẫn cứ gia tăng từ năm này sang năm khác. Hậu quả như đã nói là rất đáng tiếc đối với cả xã hội và từng gia đình, cá nhân.

Thiết nghĩ, đã đến lúc từng địa phương cần có biện pháp mạnh tay hơn đối với các dịch vụ vui chơi tại lễ hội, tăng cường kinh phí và lực lượng để phát hiện và xử lí nghiêm tệ nạn cờ bạc. Trả lễ hội về cho cộng đồng dân cư, nhưng về trật tự và văn hóa thì cần quản lí sát sao và có người chịu trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Còn một việc nữa dù muộn còn hơn không làm, đó là ngành văn hóa phối hợp với các địa phương rà soát lại tất cả các lễ hội trong cả nước, không để tình trạng trăm hoa đua nở như hiện nay rồi kệ cho chúng biến dạng thế nào cũng được. Bởi cứ bỏ mặc như vậy thì chẳng bao lâu nữa người đi lễ hội có thành tâm xin chữ cũng chẳng biết xin chữ gì./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên