Có lắng nghe, xử phạt mới đúng
(VOV) -Một văn bản quy phạm pháp luật thực sự phù hợp với người dân phải được xem xét kỹ càng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đa chiều.
Một trong những yêu cầu khi soạn thảo, xây dựng các văn bản pháp luật là lắng nghe ý kiến góp ý từ các cơ quan chức năng và người dân. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật có tính khả thi cao, giúp các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý Nhà nước có hiệu lực, hiệu quả; góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đó là vì từ lúc soạn thảo đến khi ban hành nó nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng, chuyên gia pháp lý và người dân.
Câu chuyện Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng quyết định không đưa quy định xử phạt xe không chính chủ vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho thấy, trách nhiệm của người có thẩm quyền trước một vấn đề xã hội.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều dự thảo văn bản pháp luật của các cơ quan chức năng được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Từ quy định xe “chính chủ”, quy định lễ tang của cán bộ công chức, đến mũ bảo hiểm kém chất lượng, rồi dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ… Mỗi hành vi vi phạm đều có mức xử phạt tương ứng. Điều đó cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng nhiều kỳ vọng của cơ quan chức năng vào việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật.
Có thể khẳng định, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong một Nhà nước pháp quyền là cần thiết. Nhưng văn bản đó phải thực sự giúp cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực. Nếu không khả thi, không nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia pháp lý và đông đảo người dân thì nó phải được cân nhắc loại bỏ. Bởi nếu như được ban hành nó sẽ ảnh hưởng không chỉ đến công tác quản lý của cơ quan chức năng mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân; gây tâm lý căng thẳng trong dư luận và tạo thói quen “nhờn luật”, không tôn trọng pháp luật trong một bộ phận người dân.
Những năm gần đây, người dân quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là việc ban hành các chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống của dân. Quy định về xử phạt xe “không chính chủ” cũng vậy. Tuy rằng, mỗi cơ quan quản lý đều có lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng trước phản ứng của dư luận và đặc biệt là xem xét tới tính khả thi, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã quyết định không đưa quy định này vào dự thảo Nghị định.
Quyết định ấy nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Bởi trước hết, nó có những bất cập, nhiều bất hợp lý. Nhưng điều quan trọng là tiếng nói của người dân đã được lắng nghe, đã được người có trách nhiệm điều chỉnh. Một văn bản quy phạm pháp luật thực sự phù hợp với thực tế, được phần lớn người dân đồng thuận đòi hỏi ngay từ khâu soạn thảo đã phải được xem xét kỹ càng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đa chiều từ các nhà khoa học đến những người thực thi.
Đôi khi, sự phản biện đối với một chính sách, một văn bản quy phạm pháp luật không phải lúc nào cũng đúng, nhưng từ những ý kiến đa chiều, sự phân tích hợp tình hợp lý sẽ giúp cơ quan chức năng, các nhà làm luật lựa chọn được những vấn đề cơ bản nhất, đúng đắn nhất để quyết định. Chính sách, văn bản pháp luật khi được ban hành sẽ điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến cuộc sống hằng ngày, đến quyền lợi sát sườn của người dân. Nếu như nó không phù hợp, không thực hiện được, thì đương nhiên chính sách, văn bản pháp luật đó sẽ bị lãng quên, bị "chết yểu".
Hiện nay, vẫn còn tình trạng “có luật cũng như không” hoặc văn bản luật “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng” làm cho người dân, kể cả người, cơ quan hướng dẫn loay hoay không biết phải thực hiện như thế nào. Nguyên nhân, biện pháp đã được Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ ra nhằm thiết lập lại trật tự, nguyên tắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng qua câu chuyện không xử phạt xe "không chính chủ" cho thấy, lắng nghe không chỉ là một quy trình bắt buộc của việc ban hành chính sách, văn bản pháp luật, mà nó thể hiện sự dân chủ, sự tôn trọng luật pháp của người có trách nhiệm và các cơ quan thừa hành pháp luật. Bởi nếu không có sự lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc sẽ không thể có chính sách, văn bản pháp luật hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn. Và như thế sẽ không thể có những quyết định xử phạt đúng quy định của pháp luật./.