Công khai và lòng tin

VOV.VN -Nếu cứ đúng đắn, chí công vô tư thì công khai chính là thước đo năng lực quản lý và sự trong sạch của mỗi người

Lâu nay, có thời điểm, nhiều thông tin được coi là “nhạy cảm”, là “chuyện nội bộ” hoặc “thông tin mật”, thậm chí là “vùng cấm” nên rất ít được công bố. Vì vậy, việc cơ quan chức năng công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, công khai việc tuyển dụng, đánh giá cán bộ đã được dư luận đánh giá cao. Công khai đã củng cố lòng tin của người dân vào những việc hệ trọng của đất nước, rằng không có vùng cấm trong việc thưc thi lẽ công bằng.

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương mấy năm gần đây thông báo công khai kết luận kiểm tra đối với những tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm điều lệ Đảng bị xử lý kỷ luật đã được dư luận rất đồng tình. Rồi Thanh tra Chính phủ công khai với báo chí và xã hội về sai phạm của nhiều địa phương, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng như biện pháp xử lý được người dân hoan nghênh.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 lần đầu tiên công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn giúp người dân biết rõ mức độ tín nhiệm của từng cán bộ chủ chốt trong bộ máy nhà nước cấp trung ương. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cũng lần lượt công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các quan chức để dân công khai “chấm điểm”, lựa chọn cho những nhiệm kỳ tiếp theo.

Việc tổ chức thi tuyển công khai chọn cán bộ cấp sở ở Quảng Ninh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành phố khác với mong muốn tìm chọn người có tâm, có tài, cũng được dư luận đồng tình ủng hộ. Mới đây nhất là việc Cảnh sát giao thông công an Hà Nội công khai kiểm tra, xử phạt xe biển xanh - một loại xe công vụ, được trang bị cho các cơ quan công quyền, cho thấy không có vùng cấm nào dành cho “xe quan”. 

Công khai những thông tin mà một thời được cho là “nhạy cảm”, đã thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của Đảng trước dân, để dân tin mà chia sẻ những khó khăn với Đảng, tạo lập sự đồng thuận, giúp cho bộ máy nhà nước trong sạch và vận hành tốt hơn. Bởi niềm tin chỉ có được thông qua hành động đúng, động cơ trong sáng. Chủ động công khai thông tin sẽ xóa tan nghi ngờ, xuyên tạc; những tin đồn thất thiệt cũng không còn chỗ mà gây nhiễu dư luận.

Thực tế chứng minh, trừ những trường hợp thuộc diện bí mật quốc gia, người ta chỉ sợ công khai khi còn dấu diếm điều chưa tốt, mờ ám và có ý đồ cá nhân, tiêu cực. Còn nếu cứ đúng đắn, chí công vô tư thì công khai chính là thước đo năng lực quản lý và sự trong sạch của mỗi người, nhất là người đứng đầu.

Rõ ràng, công khai mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Thế nhưng không phải ai cũng muốn công khai,  nhất là khi việc ấy liên quan đến quyền lợi riêng. Vì thế mới có chuyện công khai mà không công bằng. Ví như việc đấu thầu không ít dự án. Công khai đấy, nhưng “quân xanh” lại thỏa thuận ngầm với “quân đỏ”, để rồi cùng nhau chia phần “lại quả”. Đã có nhiều nơi công khai thi tuyển công chức, nhưng lại xảy ra tình trạng “chạy công chức”  cả trăm triệu đồng. Rồi có vụ án, xử công khai nhưng thực chất lại không công tâm. Bởi nếu công tâm, quan tòa sẽ không xử thiên lệch, án oan sẽ không nhiều để rồi phải xử đi xử lại; đơn thư khiếu nại, kêu oan sẽ không quá tải, vượt cấp lên trung ương. Hoặc có nơi công khai phương án đền bù đối với đất bị thu hồi, nhưng vẫn có chuyện cán bộ cố tình làm sai để trục lợi, khiến người dân bất bình, dẫn đến khiếu nại, tố cáo đông người. Đó là kiểu làm lấy lệ, méo mó ý nghĩa đích thực của hoạt động công khai, dẫn đến nhiều hệ lụy vì không công bằng, thiếu công tâm.  

Muốn xây dựng một xã hội văn minh, trước hết phải có công bằng. Muốn có công bằng, đầu tiên phải công khai. Mà công khai trong quản lý, điều hành, vận hành bộ máy công quyền là yêu cầu hàng đầu để tạo lập niềm tin trong nhân dân.

Công khai phải là hành động mang tính thực chất. Công khai phải đi liền với công tâm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chính quyền đã thực sự vì dân?
Chính quyền đã thực sự vì dân?

(VOV)-Nếu chính quyền địa phương bảo đảm quyền lợi người dân trong các hoạt động kinh tế, xã hội thì sẽ không có sự việc đáng tiếc xảy ra.

Chính quyền đã thực sự vì dân?

Chính quyền đã thực sự vì dân?

(VOV)-Nếu chính quyền địa phương bảo đảm quyền lợi người dân trong các hoạt động kinh tế, xã hội thì sẽ không có sự việc đáng tiếc xảy ra.