Cuộc sống là kho sách khổng lồ
VOV.VN -Chỉ có sách mới giúp cho chúng ta tiếp thụ xác thực nhất những tri thức, kinh nghiệm, văn hóa của nhân loại.
Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất đang diễn ra trong cả nước với nhiều hoạt động bổ ích thiết thực, qua đó tôn vinh giá trị của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh những người viết, dịch, sưu tầm, xuất bản, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; khẳng định ý nghĩa to lớn của việc đọc sách đối với mỗi người. Trong thời buổi nhiều giá trị dễ dàng đong đếm được bằng tiền thì giàu có nhất là những người biết trân trọng, yêu quý và biết đọc sách.
Là sản phẩm do con người tạo ra nhưng sách mang trong nó nhiều giá trị khác biệt. Một nhà kinh tế học phương Tây là một trong những người đầu tiên luận bàn về kinh tế thị trường, từng viết như thế này: “Biết bao ngày lao động, biết bao đêm không ngủ, biết bao nhiêu nỗ lực trí tuệ, biết bao niềm hy vọng và nỗi lo sợ, biết bao cuộc đời đằng đẵng chuyên tâm nghiên cứu đã được đúc lại ở đây thành những bộ chữ in nhỏ bé và được xếp chặt khít trong khoảng không gian chật hẹp của các giá sách quanh chúng ta”.
Học sinh các trường tiểu học, trung học trên địa bàn Hà Nội tham gia Ngày hội Sách |
Giá trị khác biệt của sách không chỉ chứa đựng trong từng cuốn giáo khoa, cuốn truyện, mà kỳ diệu hơn, nó nằm trong tư duy của mỗi người đọc sách. Đây chính là ưu điểm khiến cho thói quen đọc sách không bị lấn át trước xu hướng nghe – nhìn hiện đại.
Cho dù ngày nay, ai cũng có thể tìm kiếm thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet, nhưng sách không mất đi giá trị khác biệt ấy. Khác biệt cụ thể thế nào? Chỉ có sách mới giúp cho người ta lần giở từng trang đọc đi đọc lại, mở ra rồi gấp lại ngẫm nghĩ từng chương từng đoạn, trao đổi tranh luận với nhau từng câu từng chữ để hiểu thêm nhiều tầng ngữ nghĩa sâu xa trong đó… Chỉ có sách mới giúp cho người đọc tiếp thụ xác thực nhất những tri thức, kinh nghiệm, văn hóa của các thế hệ đi trước, rồi sau đó trao lại một cách trọn vẹn, không có hại cho các thế hệ sau. “Để vàng để bạc không bằng để sách cho con” - ngạn ngữ Việt Nam ta đã khẳng định như vậy.
Sách là sản phẩm văn hóa. Đọc sách là hành vi văn hóa. Gần đây khi luận bàn về vấn đề này thường xuất hiện cụm từ “văn hóa đọc”. Đây không phải là khái niệm mới, nhưng nội hàm của nó rất rộng. Chẳng hạn, đối với những người yêu quí và biết đọc sách thì không có sách xấu độc hại, nhưng với cả cộng đồng, cả xã hội thì có. Hay là, ngành Văn hóa thống kê mỗi năm một người Việt Nam mua 3 cuốn sách, thì đó là cách nhìn số học. Bởi 80% số đó là sách giáo khoa, già nửa số sách này học sinh sinh viên bị bắt ép phải mua, không phải nhu cầu tự thân. Chưa kể có nhiều loại sách chỉ bỏ tiền ra là in được, có cuốn sách là vỏ bọc cho món quà biếu xén hối lộ trả ơn, có loại sách chỉ để “ấn hành” buộc người khác phải mua phải nhận…
Còn nữa, đa số bạn trẻ bây giờ rất ít khi vào thư viện hay hiệu sách, vì chỉ cần vuốt ngón tay nhè nhẹ lên máy tính bảng hay điện thoại thông minh là đã có cả thư viện điện tử hiện ra trước mắt. Chưa hết, “văn hóa đọc” còn bao gồm việc biếu, tặng, cho, mua, mượn sách,… nếu những hành vi đó không bị lạm dụng để trục lợi cá nhân hay chứa đựng mục đích xấu xa, thấp hèn,... Tóm lại, nói đến “văn hóa đọc” cần thấy rõ tất cả biểu hiện của hành vi văn hóa này. Song quan trọng hơn, cho dù biểu hiện thế nào thì “văn hóa đọc” cũng phải xuất phát từ giáo dục. Việc đọc sách, đối với mỗi người, phải là thói quen được rèn tập từ nhỏ và liên tục suốt đời, từ giáo dục trong gia đình, rồi tiếp đó là nhà trường, xã hội… mỗi người phải thấy việc đọc sách như ăn cơm uống nước hàng ngày.
Là cửa mở đến lâu đài trí tuệ và tâm hồn, sách dạy mỗi người chúng ta biết sống với nhau như thế nào và biết hy sinh, biết chia sẻ những buồn vui sâu kín. Cuộc sống là kho sách khổng lồ. Những người yêu lao động, có tinh thần học hỏi và ý chí vươn lên là những người biết coi sách không chỉ như cơm ăn nước uống mà còn thực sự là bạn tốt. Họ đọc sách để có thêm nhiều bạn tốt. “Giàu vì bạn” - trong thời buổi nhiều giá trị dễ dàng đong đếm được bằng tiền, trong thời buổi người ta thích khoe nhau tủ rượu hơn tủ sách, thì giàu có nhất là những người biết trân trọng, yêu quí và biết đọc sách./.