Trưng bày những ấn phẩm sách quý hiếm tại Hà Nội
VOV.VN - “Hành trình của sách” là chủ đề đợt trưng bày những ấn phẩm sách tiêu biểu trong vòng 150 năm gần đây.
Buổi trưng bày bao gồm các tác phẩm từ giai đoạn đầu tiên của chữ quốc ngữ thuộc thập niên 1870 của thế kỷ XIX cho tới ngày nay, đang diễn ra tại Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Trưng bày “Hành trình của sách” mong muốn đem lại một cái nhìn sơ lược về sự hiện diện của sách - chủ yếu ở lĩnh vực văn học - trong đời sống văn hóa của người Việt Nam gần 150 năm qua. Với “Minh Tâm bửu giám”, quyển 1 và 2 (xuất bản năm 1891, 1893), “Đại Nam cuốc sử ký diễn ca” (1875), “Kiếp phong trần” (1882)… của tác giả Trương Vĩnh Ký, “Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa” (1899), “Trị gia cách ngôn” (1895), “Tuồng Joseph” (1888) của Trương Minh Ký, “Thơ Nam Kỳ” (1876), khuyết danh; tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” (1895) của Bùi Quang Nhơn… là những ấn bản thuộc dạng cực hiếm trên thị trường sách cổ và nhiều bản có thể lần đầu tiên đến với người xem.
Các ấn phẩm sách quý được trưng bày tại "Hành trình của sách". (ảnh: Phương Thúy) |
Bên cạnh đó, người xem còn có dịp thưởng lãm những ấn phẩm tiêu biểu cho sách chữ quốc ngữ của giai đoạn 1900-1930 với “Tục ca lệ quyển” 1 và 2 (1930), “Thơ ngụ ngôn La Fontaine” (1928), Kim Vân Kiều (1923)…
Giai đoạn 1930-1945 với các ấn phẩm văn học trong phong trào Thơ Mới, Tự lực văn đoàn như “Lửa thiêng” của Huy Cận (1940), “Gói thuốc lá” của Thế Lữ (1944), “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng (1934), đặc biệt là ấn phẩm “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh-Hoài Chân xuất bản năm 1943…
Trong số những cuốn sách ấy, có những ấn phẩm cỡ đại như “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng cũng có các tác phẩm rất nhỏ như tập “Thơ Hồ Xuân Hương”; có cuốn sách chỉ có 6 trang là trọn vẹn một tác phẩm như “Bùi Kiệm dặm”, nhưng cũng có những bộ tiểu thuyết dịch trường thiên cả ngàn trang như “Tần Thủy Hoàng”. Cũng có những tác phẩm mà nhiều thế hệ người Việt đã đọc đi đọc lại trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, với rất nhiều ấn phẩm khác nhau, kể từ lần xuất bản đầu tiên trong thập niên 50 của thế kỷ trước cho đến ấn phẩm mới nhất xuất bản năm 2013 như “Thép đã tôi thế đấy”.
Anh Nguyễn Phát Hà Giang, một thành viên của diễn đàn sachxua.net cho biết: "Mình thấy qua nhiều cuộc triển lãm như thế này thì bạn đọc sẽ được thấy những bản in hiếm. Chẳng hạn như tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” qua nhiều lần tái bản và mỗi lần tái bản đó thì bạn đọc sẽ thấy cách dịch khác nhau hơn. Các bạn trẻ sẽ được thấy sách của cha ông mình đọc từ xưa, trưng bày trang trí bên ngoài như thế nào và so sánh với sách bây giờ. Điều đó sẽ gây ra hứng thú cho việc tìm tòi và để hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam."
Những ấn phẩm này được tuyển chọn từ bộ sưu tập của một số thành viên diễn đàn sachxua.net như: Nguyễn Thế Bách (Hà Nội), nhà báo Yên Ba (Hà Nội), Trịnh Hùng Cường (Bắc Ninh)...Trưng bày “Hành trình của sách” mở cửa từ nay đến 26/04./.