Đánh dã man 2 phụ nữ bị nghi oan bắt cóc trẻ em: Manh động!
VOV.VN - Phải làm cho mọi người thấy và tin không thể đáp trả bạo lực, tội phạm bằng bạo lực và phạm tội, đấy là cái gốc của trật tự và bình an.
Việc người dân ở Hải Dương đốt xe Fortuner của người lạ và hai phụ nữ bán tăm ở Hà Nội bị đánh dã man vì nghi là bắt cóc trẻ em, cùng nhiều sự việc xảy ra ở các vùng miền thời gian qua… khiến nhiều người lo ngại về cách sống coi thường pháp luật, dễ bị kích động của không ít dân chúng.
Hai phụ nữ bán tăm tre bị đánh dã man phải nhập viện vì dân nghi oan họ bắt cóc trẻ em (ảnh: Internet) |
Vì sao ngày càng xuất hiện nhiều những hành vi manh động, tự phát, bạo lực như vậy?
Trước hết đấy là tâm lý bầy đàn, coi thường pháp luật, ưa dùng bạo lực trong đời sống. Sự việc xảy ra chưa rõ ràng, lẽ ra phải chờ các cơ quan có thẩm quyền điều tra, kết luận, thì người dân đã kích động, lôi kéo nhau "tự xử". Họ đáp trả những sự việc mà họ nghĩ là tội phạm bằng những hành động vô cùng dã man, mất hết nhân tính, nói cách khác là họ đã phạm tội.
Hai người phụ nữ nghèo, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, phải mưu sinh bằng nghề bán tăm, đã bị nghi oan là bắt cóc trẻ em, bị đánh đập bầm dập và đã phải đi viện. Những nạn nhân oan uổng này không chỉ đau đớn về thể chất mà còn chịu những chấn động về tâm lý và tình cảm chắc không bao giờ lành được.
Gia cảnh nghèo khó của nhà bà Lê Thị Bẩy - một trong hai người bị đánh |
Họ bị đánh, chửi, bị quay phim và đưa lên mạng xã hội cùng những lời kết tội, thoá mạ khủng khiếp, clip này đã được nhiều người dùng facebook cả tin chia sẻ chóng mặt, ban đầu đã tạo ra một hiệu ứng cảm xúc tiêu cực lan tràn.
Nếu không có cách khắc chế được hiệu ức tiêu cực của những thông tin sai, thiếu chính xác, xấu, độc trên mạng xã hội thì rõ ràng đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực thật và bất an trong đời thực.
Tình trạng bạo lực tự phát, tử xử theo "luật rừng" khá phổ biến cũng bắt nguồn từ tâm trạng bức bối, bất an, thiếu niềm tin của một bộ phận dân chúng về tình hình trật tự, trị an hiện nay.
Hiện nay, lưu manh, tội phạm đã lần mò về các vùng quê để gây tội ác: trộm cắp, bắt cóc con trẻ, lừa đảo phụ nữ nhẹ dạ cả tin… khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh khổ đau, ly tán. Thực tế trên đã khiến nhiều người vốnlương thiện, chỉ một giây phút manh động, hồ đồ họ bỗng trở thành những kẻ côn đồ, phạm tội.
Người phụ nữ nghèo, phải mưu sinh bằng nghề bán tăm, đã bị nghi oan là bắt cóc trẻ em, bị đánh đập |
Chúng ta xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở với lực lượng bảo vệ an ninh xuống tận thôn, xóm. Vậy sao vẫn để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy? Cụ thể ở đây là việc quản lý những lao động tự do, người bán hàng rong…còn bị xem nhẹ, cộng với đó là những kỹ năng ứng phó với các tình huống như bắt được trộm chó hay gặp người lạ khả nghi là kẻ gian phải xử lý như thế nào, có lẽ cũng chưa được tuyên truyền, phổ biến cho dân.
Phải làm cho người dân thấy và tin tội phạm sẽ bị trừng trị nghiêm minh bởi một đội ngũ thực thi và bảo vệ pháp luật mạnh mẽ và liêm chính, luôn xuất hiện kịp thời khi dân cần. Phải làm cho mọi người thấy và tin không thể đáp trả tội phạm, bạo lực bằng bạo lực và phạm tội. Đấy chính là cái gốc để có trật tự và bình an thật sự./.
Người phụ nữ bị hàng trăm người vây bắt vì nghi bắt cóc trẻ em