Dông lốc và chuyện quy hoạch cây xanh ở Hà Nội
VOV.VN - Cơn dông chiều 13/6 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản mà còn khiến người ta phải suy nghĩ nhiều về quy hoạch cây xanh đô thị.
Cơn mưa dông kèm theo lốc xoáy chiều 13/6 vừa qua được xem là có cường độ mạnh nhất trong cả chục năm qua, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân Hà Nội.
Gió lốc kinh hoàng chiều 13/6 tại Hà Nội khiến 2 người chết do bị cây đè (Ảnh: Đỗ Hưng) |
Chỉ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ vần vũ, cơn mưa dông kèm theo gió lốc chiều thứ bảy đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân Hà Nội. Toàn thành phố có gần 1.300 cây xanh bị đổ, trong đó hơn 800 cây thuộc 12 quận, hơn 400 ở các huyện ngoại thành; 2 người bị chết và hơn mười người bị thương, hàng chục xe máy, ô tôi bị cây xanh đè nát.
Cơn dông đã gây thiệt hại ở hầu hết các quận nội thành, nhưng nặng nhất là quận Hai Bà Trưng với hơn 200 cây bị đổ, trong đó có 50 cây cổ thụ. Hai trường hợp tử vong khi di chuyển dưới trời mưa dông cũng đều ở quận này. Mưa gió cũng gây mất điện nhiều khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Dông lốc là hình thái thời tiết thường xảy ra trong mùa hè. Tuy nhiên, với sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, cơn dông chiều 13/6 tại Hà Nội, các chuyên gia khí tượng nhận định đây là biểu hiện cho những diễn biến cực kỳ nguy hiểm của thời tiết. Người dân Hà Nội cũng cho rằng đây là cơn dông kỳ lạ nhất, sức tàn phá cũng mạnh nhất trong khoảng chục năm trở lại đây trên địa bàn thủ đô.
Cây cối đổ ngã, nhà cửa, công trình hư hại vì sự tàn phá của dông lốc âu cũng là chuyện bình thường ở một đất nước thường xuyên đối mặt với thiên tai bão lũ như nước ta. Vấn đề là một khi những hệ lụy của tình trạng biến đổi khí hậu gây ra không còn là những cảnh báo xa xôi, trừu tượng nữa đã hiển hiện bằng những thiệt hại có thể đo đếm được bằng tài sản và tính mạng của con người thì rõ ràng, thiên tai bây giờ đã có nhiều bất thường.
Từng chấp nhận “ sống chung với bão lũ”, “sống chung với hạn hán”, cũng không có gì ngạc nhiên khi phải chấp nhận “sống chung với dông lốc”. Vấn đề là lựa chọn cách nào để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nó gây ra mà thôi.
Không vì cây ngã làm hỏng ô tô, đè chết người mà lại không trồng cây xanh trong thành phố. Bởi, ngàn đời nay, cây xanh đã là một phần của các đô thị. Và cũng ít có nơi nào trên thế giới bảo tồn được nguyên vẹn không gian kiến trúc cổ xen giữa những khoảng không gian xanh như Hà Nội.
Nhưng những gì đã và đang diễn ra cho thấy, chúng ta không thể ứng xử với cây xanh đô thị theo kiểu có sao hay vậy, cây đổ tới đâu, cắt dọn đến đấy. Mà phải có một qui hoạch bài bản, một qui trình khoa học từ việc trồng, chăm sóc, chữa bệnh, cắt tỉa, tạo tán… sao cho mùa nắng, thành phố vẫn xanh mát; mà mùa dông bão cây vẫn không gãy đổ, hoặc nếu có, cũng không phải ngã đổ la liệt, gây kinh hoàng cho người dân như vừa rồi.
Không thể chấp nhận sự tồn tại những con phố mới, giá trị đầu tư lớn như phố Nguyễn Chí Thanh mà chỉ trồng toàn “cây tạp, để rồi phải thay thế đồng loạt” như cách giải thích của thành phố Hà Nội mới đây. Chọn cây gì hoặc nhóm cây gì, trồng ở đâu để thành phố xanh mát, môi trường sinh thái cân bằng, mỹ quan đô thị đảm bảo, người dân ai cũng muốn sống và được sống an toàn là việc mà các nhà qui hoạch đô thị, không chỉ riêng Hà Nội phải làm.
Nghe bài viết tại đây:
Vì vậy, một khi thiên tai đã có sự tiếp sức của nhân tai, để ứng phó với những hình thái thời tiết cực đoan, nguy hiểm, công tác dự báo, cảnh báo nhanh nhạy, chính xác của ngành khí tượng thủy văn là vô cùng cần thiết. Nhưng cần thiết hơn nữa là phải nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc chuyển tải thông tin phòng chống thiên tai, thậm chí là phải áp dụng những hình thức cảnh báo đặc thù.
Với người dân ở các đô thị lớn, cần tự bảo vệ mình trước tác động của thiên tai bằng việc tự trang bị những kỹ năng ứng phó phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng cho bản thân và gia đình./.
Xem thêm: Clip dông lốc ở Hà Nội chiều 13/6: