Dự luật nhân quyền không thể làm vẩn đục sự thật chân chính

(VOV) - Dự luật nhân quyền Hạ viện Mỹ vừa thông qua đã đi ngược lại những mong muốn và nỗ lực của 2 quốc gia.

Tiếp tục kiểu can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác, mới đây Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật H.R 1410 và Nghị quyết H.Res.484 liên quan tới tình hình thực thi nhân quyền tại Việt Nam.

Đây chẳng phải lần đầu tiên và có lẽ cũng chưa là lần cuối cùng dư luận trong nước và quốc tế phải chứng kiến những cái nhìn sai lệch, định kiến về Việt Nam được các vị dân biểu Mỹ thể hiện trong các văn bản luật.    

 

Người dân Việt Nam luôn được quan tâm, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Bằng những luận điệu không mới, dựa trên những thông tin rất nghèo sự thật, các văn bản luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua chỉ trích chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền.

Nghị quyết H.Res 484 đòi hỏi Việt Nam không được sử dụng luật an ninh để bắt giữ những người mà họ cho là ủng hộ quyền tự do tôn giáo, trong khi Dự luật H.R 1410 thì đặt mục tiêu thúc đẩy dân chủ thông qua việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức cổ súy nhân quyền hoạt động tại Việt Nam. Dự luật này không cho phép Chính phủ Mỹ được viện trợ ngoài mục đích nhân đạo cho Việt Nam, nếu tình hình thực thi nhân quyền không được cải thiện.

Nội dung của các văn bản luật này cho thấy, các nhà lập pháp Mỹ đang tự cho mình cái quyền được phán xét, cũng như can thiệp vào Việt Nam bằng cách gắn các khoản tài trợ với các đòi hỏi chính trị. Họ đã cố tình phớt lờ những tiến bộ thực chất mà Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện đầy đủ các quyền con người.

Các chính sách vì dân của Nhà nước Việt Nam đã mang lại những kết quả đáng kể trong việc giảm tỷ lệ đói nghèo, phát triển giáo dục, chăm sóc y tế, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người dân. Chính vì thế, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ khi đã hoàn tất 5/8 mục tiêu đề ra trước thời hạn 2015.

Trong bối cảnh khó khăn chung của cuộc khủng hoảng kinh tế -tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì tỷ lệ tăng trưởng ở mức 6%, đồng thời nỗ lực kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực...

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng ưu tiên cao cho cải cách hành chính và luật pháp nhằm nâng cao hơn nữa quyền của người dân, trong đó có quyền giám sát thực hiện pháp luật, tiếp cận thông tin. Việc sửa đổi Hiến pháp mà Quốc hội Việt Nam đang tiến hành, trong đó lắng nghe nguyện vọng và ý kiến đóng góp của người dân là minh chứng rõ nét cho điều đó.

Như vậy, tại Việt Nam, những nền tảng cơ bản để bảo đảm quyền con người được củng cố ngày một vững chắc và đây là những tiến bộ cả thế giới công nhận. Việc “vô tình” hay “cố tình” coi những thông tin mang tính định kiến từ các nhân vật mang tư tưởng chống phá Nhà nước Việt Nam là bằng chứng để chỉ trích Việt Nam “truy bức tôn giáo, chính trị và sắc tộc”, thậm chí là “thủ phạm của việc cưỡng bức lao động”… là không thực tế, thiếu công bằng. 

Dùng một dự luật để phủ nhận các tiến bộ của Việt Nam về thực thi nhân quyền, phải chăng các nhà lập pháp Mỹ đang áp dụng một “tiêu chuẩn kép”, tức là áp đặt một tiêu chuẩn cao hơn về nhân quyền đối với Việt Nam so với các nước khác, trong đó có chính nước Mỹ?

Là một nước đang phát triển, Việt Nam hiểu rằng chặng đường phấn đấu mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân vẫn còn rất dài phía trước. Và sẽ là không công bằng nếu cứ đem so sánh các tiêu chí về nhân quyền của một nước mới vươn lên ngưỡng thu nhập trung bình với các quốc gia công nghiệp phát triển.

Song ngược lại, chưa hẳn cứ là nước giàu thì quyền con người ở đó sẽ được đảm bảo. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2011 có tới hơn 17 triệu gia đình người Mỹ bị lâm vào cảnh đứt bữa.

Không chỉ vậy, người Mỹ cho rằng 99% trong số họ đang bị đối xử bất công và lao động cật lực để làm giàu cho 1% còn lại. Điều này thể hiện rõ qua các cuộc biểu tình Chiếm phố Wall bùng phát cách đây vừa tròn 1 năm và vẫn đang âm ỉ trong lòng nước Mỹ. Và để dập tắt sự phản đối này, chính quyền Mỹ cũng chẳng làm gì khác hơn là bắt bớ, giam giữ người biểu tình như câu chuyện đã xảy ra tại cầu Brooklyn ở New York, Mỹ hồi tháng 9/2011.

Chưa hết, dấu hỏi về đảm bảo an ninh cho cá nhân ở chính nước Mỹ vẫn tiếp tục được đặt ra sau những vụ xả súng kinh hoàng tại các trường học và nơi công cộng. Dư luận cũng đã không ít lần phải lên tiếng bất bình về các hành vi vi phạm nhân quyền của Mỹ trong việc ngược đãi tù nhân tại nhà tù Guantanamo. Xem ra, nước Mỹ vẫn cần một chiếc gương “nhân quyền” để tự soi mình.

Trong bối cảnh Mỹ và Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh hơn, có thể nói dự luật mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua đã đi ngược lại những mong muốn và nỗ lực của 2 quốc gia.

Để xây dựng lòng tin trên mọi phương diện, trong đó có vấn đề nhân quyền, không có cách nào khác là các bên phải tôn trọng sự khác biệt và tăng cường đối thoại. Chỉ có hợp tác, trao đổi thẳng thắn, thì những khúc mắc trong vấn đề nhân quyền mới được hóa giải.

Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia châu Á- Thái Bình Dương khác mà Mỹ đang có chiến lược tăng cường quan hệ không muốn phải thất vọng thêm nữa trước cam kết mà cho đến nay Mỹ vẫn chưa thực hiện, đó là “sẽ lắng nghe” chứ không “chỉ dạy” các nước khác trong vấn đề nhân quyền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam là sai trái
Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam là sai trái

(VOV) -Việc thông qua dự luật và nghị quyết nói trên là sai trái, không phù hợp với xu hướng phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam là sai trái

Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam là sai trái

(VOV) -Việc thông qua dự luật và nghị quyết nói trên là sai trái, không phù hợp với xu hướng phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

"Dự luật nhân quyền Việt Nam là bước đi lạc hướng"
"Dự luật nhân quyền Việt Nam là bước đi lạc hướng"

Theo Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, cái gọi là dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2011 là một bước đi lạc hướng.

"Dự luật nhân quyền Việt Nam là bước đi lạc hướng"

"Dự luật nhân quyền Việt Nam là bước đi lạc hướng"

Theo Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, cái gọi là dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2011 là một bước đi lạc hướng.