“Giải cứu” cá tra
Vấn đề cấp bách là tìm giải pháp khắc phục khủng hoảng thừa của cá tra, đồng thời quy hoạch lại diện tích nuôi trồng, nâng cao chất lượng chế biến.
Tại đồng bằng sông Cửu Long giá cá tra đã giảm xuống tới mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ chưa đầy 20.000 đồng/kg. Nếu bán với giá này, người nuôi sẽ thua lỗ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg và đang đứng trước nguy cơ phá sản, treo ao. Để giải cứu thị trường cá tra hiện nay, vấn đề cấp bách là tìm giải pháp khắc phục khủng hoảng thừa của cá tra, đồng thời quy hoạch lại diện tích nuôi trồng, nâng cao chất lượng chế biến để xây dựng hình ảnh con cá tra tích cực hơn.
Nguyên nhân giá cá tra giảm mạnh là do năm nay thị trường Liên minh châu Âu (EU) - một trong những thị trường chính nhập khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam, đã giảm hơn 15% nhu cầu; khu vực Trung Đông cũng chỉ còn các nhà nhập khẩu lớn duy trì sức mua tương đối ổn định….
Thị trường bị thu hẹp do tác động của kinh tế khó khăn, giá thành cá nguyên liệu cao do chi đầu vào tăng lên, sản lượng thu hoạch trong một thời gian ngắn quá lớn đã khiến giá cá nguyên liệu giảm nhanh chóng. Rất nhiều ao cá tra đến kỳ thu hoạch, người nuôi chấp nhận bán thấp hơn giá thành sản xuất nhưng cũng không biết bán cho ai. Thậm chí, còn không ít ý kiến cho rằng: Hiện đang là thời điểm “hấp hối” của nghề nuôi và chế biến cá tra.
Một con số mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đưa ra cho thấy, ước tính vụ cá năm nay toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch gần 200.000 tấn cá tra. Để thu mua hết lượng cá nguyên liệu này, các doanh nghiệp cần một số vốn khổng lồ, có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, trong khi hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản ở khu vực này đều đói vốn.
Và như vậy, sau những khó khăn do thị trường bị thu hẹp, thì các doanh nghiệp thủy sản lại phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng về vốn. Ngành cá tra đang gặp khó khăn nghiêm trọng, sản xuất đình đốn... Nếu không có các giải pháp kịp thời, có thể trong năm nay sẽ có không ít doanh nghiệp cá tra phá sản dẫn đến chuỗi sản xuất của ngành hàng cá tra bị thu hẹp, gây hậu quả nặng nề cho những năm tiếp theo.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ, do khó khăn về vốn, có thể dần bị các doanh nghiệp lớn thâu tóm, thao túng. Không bao lâu nữa, thị trường cá tra nguyên liệu sẽ hoàn toàn nằm trong tay các doanh nghiệp lớn, và sẽ thật nguy hiểm hơn nếu các thương nhân nước ngoài thâu tóm được nhiều nhà máy và vùng nguyên liệu. Khi đó, họ sẽ thao túng thị trường này như đã từng làm với nhiều loại nông sản khác.
Vấn đề đặt ra hiện giờ là làm sao tập trung giải quyết những bức xúc về giá cá tra giảm, sản lượng xuất khẩu giảm, doanh nghiệp cũng như người nuôi đều thua lỗ. Để làm được điều đó, ắt thì phải tăng cầu bằng cách giúp doanh nghiệp có vốn mua cá xuất khẩu, chế biến tạm trữ trong kho. Mà để giúp vốn thì phải tính đến các yêu tố như cơ cấu nợ, giãn nợ, gia hạn thời gian cho vay… đồng thời thực hiện nhiều giải pháp như: Cho doanh nghiệp thế chấp kho khi vay vốn ở ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đối với những công ty mới thành lập.
Một trong những giải pháp cấp bách cũng vừa được đề xuất Chính phủ là chương trình thu mua tạm trữ 100.000 tấn cá tra trong dân. Trong đó, những doanh nghiệp tham gia thu mua sẽ được hỗ trợ lãi suất 0% trong vòng 4 tháng, với mức giá thu mua tối thiểu phải là 24.000 đồng/kg bởi giá thành hiện nay đã là 22.000 - 23.000 đồng/kg. Đây thực sự là một giải pháp cấp bách để giải cứu thị trường cá tra trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, dài hơi hơn cần xét đến yếu tố sản xuất tiêu thụ cá tra đang dư thừa từ vùng nguyên liệu đến nhà máy, công suất chế biến mà quy hoạch lại cho phù hợp, tránh việc đầu tư ồ ạt vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến cá tra, trong khi việc tìm hiểu thị trường và xúc tiến thương mại chưa được chuẩn bị kỹ càng như lâu nay. Mặt khác, cũng cần tính đến tình huống các doanh nghiệp cá tra khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ sẽ dùng nguồn tiền này để thanh toán nợ cũ; phần còn lại mới hỗ trợ trực tiếp cho người nuôi cá tái đầu tư.
Vì vậy, cần cân nhắc quyết định bơm vốn giải cứu cho những doanh nghiệp chế biến cá tra theo hướng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thanh toán tiền mua cá của nông dân. Về phía các địa phương cần chỉ đạo các tổ chức trực thuộc, ngân hàng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi cá; rà soát quy hoạch, phát triển nghề nuôi song song với kiểm tra đảm bảo an toàn chất lượng về vật tư, con giống, thức ăn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thành viên cơ cấu lại sản xuất, tài chính, quản trị, tổ chức hoạt động… mở rộng thị trường và giúp nông dân tiêu thụ hết cá tra nguyên liệu còn tồn đọng./.